Phim nội địa bứt phá
Dù vẫn còn đó những khó khăn chung của ngành điện ảnh sau hai năm dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngành phim chiếu rạp trong nước đang được trao cơ hội lớn để phát triển toàn diện và đạt được những bước tiến mới nhờ vào các chính sách phù hợp. Nghị định 131/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh về tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam trong hệ thống rạp chiếu phim trên toàn quốc, kể từ năm 2023, phim Việt sẽ được ưu tiên chiếu vào khung thời gian từ 18 đến 22 giờ hằng ngày, với tỷ suất chiếu được bảo đảm đạt ít nhất 15% tổng số suất chiếu trong năm. Với quy định này, các nhà làm phim trong nước có thể yên tâm về số lượng suất chiếu lẫn khung giờ chiếu của phim Việt khi phát hành tại hệ thống rạp.
Nhiều đạo diễn đánh giá khá tích cực về việc kiểm duyệt phim trong thời gian gần đây. Theo đạo diễn Phan Đăng Di, việc duyệt phim gần đây đã có các dấu hiệu thoáng hơn. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết gần đây khâu duyệt phim cởi mở hơn, tạo điều kiện cho sự tìm tòi, khai phá mới của người làm phim, do Hội đồng duyệt phim quốc gia có sự trẻ hóa khi thay đổi một số thành viên trong nhiệm kỳ mới (2021 - 2023).
Bên cạnh đó, phim nội địa cũng đã và đang nhận được sự quan tâm của các đơn vị sản xuất, đầu tư phim. Nhiều dự án phim khai thác chất liệu lịch sử, văn hóa Việt như Đất rừng phương Nam, Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, Tết ở làng địa ngục, 9 giờ bão lửa, Hoàng hậu cuối cùng, Chạm vào hạnh phúc... đang chờ lịch ra mắt khán giả trong thời gian tới. Không thể không kể đến việc các chương trình, sự kiện điện ảnh như Dự án phim ngắn CJ, Nhà biên kịch tài năng, Gặp gỡ mùa thu… tiếp tục tổ chức cũng góp sức vào việc thúc đẩy thị trường phim nội địa.
Tỷ lệ người xem phim rạp ngày càng tăng
Theo số liệu của ngành điện ảnh, trong năm 2019, mỗi người Việt đi xem phim rạp trung bình 0,6 lần/năm. Trong khi đó, con số này với các nước trong khu vực là 4 lần/năm (Hàn Quốc), 3,4 lần/năm (Singapore), 2,4 lần/năm (Malaysia). Theo thống kê, số người ra rạp xem phim tại Việt Nam chỉ khoảng 5 - 8 triệu người, tức chiếm khoảng 5 - 8% dân số, với 80% là dưới 30 tuổi. Do đó, so với các nước khác, thị trường phim chiếu rạp tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển.
Về việc tăng tỷ lệ người đi xem phim rạp trong nước, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Nội dung CJ CGV Việt Nam cho biết: “Bên cạnh các chính sách hỗ trợ phát triển điện ảnh của nhà nước, khán giả đến rạp nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào số lượng phim và chất lượng phim, đặc biệt là phim Việt Nam. Đây cũng là một mối quan hệ tương hỗ, khán giả ra rạp nhiều, nhà sản xuất sẽ có kinh phí để tiếp tục sản xuất phim, các cụm rạp có điều kiện mở rộng ra nhiều tỉnh thành hơn, và điều này lại giúp mang lại cơ hội cho khán giả tại những nơi chưa có rạp chiếu, nâng tỷ lệ khán giả xem phim rạp. Chỉ cần chúng ta đạt mức như thị trường Malaysia, chúng ta đã có thể có hơn 200 triệu lượt người xem phim mỗi năm và lọt vào top 5 nước có lượng người xem phim tại rạp nhiều nhất trên thế giới”.
Cũng theo ông Hải, với tổng doanh thu ước tính đạt 500 tỉ đồng của phim Nhà bà Nữ (hiện tại gần 450 tỉ đồng), con số này là toàn bộ doanh thu ngành điện ảnh Việt Nam đạt được trong năm 2010, và 50% doanh thu của toàn ngành trong năm 2012. “Mới chỉ 10 năm thôi mà thị trường đã phát triển như vậy, chưa kể trong đó có 2 năm dịch Covid. Tôi nghĩ vài năm tới, khi mà khán giả ra rạp nhiều hơn, rạp mở rộng nhiều hơn, nguồn lực cho ngành từ đó cũng được nâng lên và chất lượng phim Việt được đầu tư tốt hơn, chúng ta có quyền hy vọng một phim Việt có doanh thu 1.000 tỉ trong tương lai gần”, ông Hải nói thêm.
Hoàng Quân, nhà sản xuất loạt phim Rừng thế mạng, Chuyện ma gần nhà và sắp tới là Tết ở làng địa ngục chia sẻ với chúng tôi về tương lai ngàn tỉ của phim Việt: "Tôi chia sẻ sự lạc quan này. Và thực tế là sự lạc quan này hoàn toàn có cơ sở vì số lượng rạp chiếu trên bình quân dân số còn chưa cao, giá vé còn thấp so với khu vực, kinh tế của Việt Nam so với các quốc gia khác trong cơn bão kinh tế 2023 khá ổn định. Những nhà đầu tư và phát hành khi nhìn vào thị trường Việt Nam, ai cũng nhìn thấy sự lạc quan về một thị trường đang còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá hết mức. Chúng ta có những mùa phim mà phim Việt luôn ở thế thượng phong. Đó là “mức đãi ngộ” mà chính khán giả Việt đang trao cho các nhà làm phim Việt. Nhưng lạc quan thì cũng không được chủ quan, thị trường Hàn là nơi tiềm năng cũng đang trải qua thời điểm bán thấp nhất trong 3 tháng đổ lại”.
Trước số lượng phim nội địa ra rạp vẫn còn hạn chế (khoảng 40 phim/năm), việc các bộ phim quốc tế được phát hành đều đặn tại Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào thị trường điện ảnh trong nước, giúp duy trì sự vận hành ổn định của hệ thống rạp chiếu. Bên cạnh đó, với cơ sở hạ tầng rạp chiếu ngày càng phát triển, trải nghiệm điện ảnh của khán giả trong nước hứa hẹn sẽ tiếp tục được cải thiện qua các công nghệ trình chiếu cao cấp nhất như IMAX, 4DX, SCREENX…
Bình luận (0)