Thư bạn đọc tuần qua (4 - 10.3)

10/03/2008 17:24 GMT+7

(TNO) Giải quyết vấn nạn giao thông, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín một lần nữa kiến nghị Quốc hội cho thành phố tiếp tục nghiên cứu đề án giảm sự gia tăng xe cá nhân. Một số bạn đọc cho rằng biện pháp tăng phí để thực hiện mục đích giảm gia tăng xe cá nhân là chưa cơ bản.

Nguyễn Hoàng Minh <minhnguyen234@yahoo.com.vn>: Chúng ta cứ mãi đi theo cái vòng luẩn quẩn để rồi trở lại vạch xuất phát. Thu hoặc tăng phí đường bộ thì TP sẽ tràn ngập xe đạp (hoặc xe điện), lúc đó e rằng đường càng kẹt. Bởi, phương tiện công cộng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng cả về số lượng lẫn chất lượng; chưa kể chi phí cho việc sử dụng xe buýt có thể vượt quá khả năng kinh tế của công nhân viên (vì phải đi nhiều chặng mới tới được chỗ làm).

Nguyễn Thụy Văn <mn871954@yahoo.com.vn>: Hạn chế xe cá nhân, theo tôi cần có những giải pháp, biện pháp tích cực, đồng bộ, cơ bản hơn như mở rộng đường xá, di dời các công xưởng, xí nghiệp, trường học, những đơn vị có lượng người tập trung đông ra ngoại thành, tổ chức xe công cộng đưa đón họ chu đáo, có chính sách khuyến khích họ sử dụng phương tiện công cộng. Ngoài ra cũng cần nghiên cứu kỹ hơn kinh nghiệm của một số nước châu Á để làm rõ hơn những tiêu chí cơ bản trong quản lý dân nhập cư cũng như quy hoạch xây dựng. Đó mới là những giải pháp cơ bản.

Nguyen Dang Thang <info@vietnamopentour.com.vn>: Nếu muốn học tập Singapore các biện pháp để hạn chế phương tiện cá nhân, thì trước hết phải học họ xây dựng cơ sở hạ tầng và các phương tiện giao thông công cộng. Chưa cần có các biện pháp hạn chế, nếu các phương tiện giao thông công cộng dễ dàng, văn minh, thuận tiện thì người dân khắc tự nguyện bỏ phương tiện cá nhân, nhất là trong điều kiện giá xăng dầu đắt đỏ, thuế và giá xe ô tô ở VN hiện nay cũng không phải là thấp so với các nước trong khu vực.

Những góp ý trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị:

Phan Minh Việt <phanminhviet@yahoo.com.vn>: "Vì đường phố không rác" là một phong trào rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, hình như chính quyền thành phố chưa chuẩn bị khâu đầu tiên cho việc phát động phong trào này. "Vì đường phố không rác", nghĩa là mọi người không xả rác ra đường, mà xả rác tại nơi qui định. Thùng rác đương nhiên là nơi quy định rồi. Nhưng trên nhiều tuyến đường, người ta phải mỏi chân mới tìm thấy thùng rác. Thậm chí trong công viên cũng thưa thớt thùng rác công cộng. Vậy nên, thành phố cứ phát động, cứ tuyên truyền, nhưng không thấy thùng rác đâu thì người dân vẫn tiếp tục xả rác trên đường.

Nguyễn Phùng <phung_06_63@yahoo.com>: Thực hiện nếp sống văn minh, thiết nghĩ ngoài việc phát động phong trào, kêu gọi, chúng ta phải nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật. Lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi kinh doanh là việc làm bị pháp luật cấm. Nhưng, đâu đâu cũng thấy tình trạng ngang nhiên bày biện bàn ghế bán đồ nhậu, giải khát, hàng ăn trước cửa nhà, hẻm phố, vừa mất vệ sinh thực phẩm, mất vệ sinh môi trường, lại ảnh hưởng đến an ninh trật tự... Các cấp chính quyền hầu như "làm lơ" trước vấn nạn này, nhất là trong các con hẻm của thành phố. Điều này không những làm thành phố không văn minh mà đã tạo ra sự bất công trong kinh doanh. Vì thế tôi rất mong người dân và chính quyền phải mạnh dạn xử lý các trường hợp mua bán lấn chiếm tại các đường, hẻm trong thành phố. Tất cả phải sống theo pháp luật. Đó là nền tảng xây dựng một thành phố văn minh...

Thêm nhiều ý kiến xung quanh vấn đề đánh thuế lũy tiến đối với nhà, đất vượt hạn mức quy định:

Nguyễn Hoàng Vũ <vunguyendr@yahoo.com>: Áp dụng thuế lũy tiến có thể làm giảm nạn đầu cơ đất, giảm được giá nhà, tạo cơ hội cho người thu nhập trung bình có thể mua được nhà ở. Tuy nhiên, cần phân biệt đối tượng sở hữu nhà, đất để kinh doanh, đầu cơ với người sở hữu để ở. Người có nhiều nhà và người có một nhà diện tích lớn là hai dạng hoàn toàn khác nhau. Nếu như gia đình tôi chỉ có một căn nhà hơn 100m2 để ở, phải đóng thuế phần diện tích ngoài 100m2 như vậy có hợp lý không? Tôi không kinh doanh tại sao lại đóng thuế? Hơn nữa, các dự án nhà ở sau này thường chia lô trên 100m2, buộc xây theo quy hoạch từ 3 tầng trở lên. Như vậy những nền nhà này, những ngôi nhà này dành cho ai? Xã hội ngày càng tiến bộ, nhu cầu con người ngày càng cao sao lại bắt dân mình phải ở chật hẹp hoài thế?

Nhat <nhatle@rogers.com>: Đánh thuế luỹ tiến là việc nên làm và đáng lẽ phải làm từ lâu, nhưng theo tôi không thực hiện đánh thuế theo diện tích mà căn cứ vào số lượng nhà. Một người sở hữu nhiều nhà thì từ ngôi nhà thứ hai trở đi sẽ phải chịu thuế lũy tiến. Ngoài ra mức thuế phải cao thì mới có tác dụng: chẳng hạn một số nước áp dụng mức thuế là 1%-1,5% giá trị nhà, còn nếu đánh thuế vài triệu đồng một ngôi nhà như ở nước ta thì có áp dụng thuế lũy tiến cũng chẳng có tác dụng gì.

Huỳnh Quốc Dũng <huynhminhtri1280@yahoo.com>: Theo tôi, có một giải pháp chống đầu cơ bất động sản, đó là đánh thuế lũy tiến theo thời gian. Chẳng hạn, mua bán trong vòng dưới 1 năm thì thuế mua bán phải chịu là 50%; 1-2 năm: 40%; 2-3 năm: 30%... Với cách đánh thuế như vậy, ta sẽ phân định rõ những người mua nhà (đất) ở thật sự. Tuy nhiên, chính sách đánh thuế trên sẽ không phù hợp với các nhà đầu tư quy hoạch đô thị mới, vì hầu hết phải giao dịch mua bán các nhà dự án trong thời gian ngắn. Đối với trường hợp này, giao dịch lần đầu sẽ không áp dụng chính sách đánh thuế như trên mà chỉ áp dụng cho những giao dịch từ lần thứ hai trở đi.

Nhiều bài viết của bạn đọc về các vấn đề khác đã được đăng trong mục Ý kiến.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được một số thư phản ảnh những lỗi kỹ thuật và nội dung trên trang web từ các địa chỉ mail: duy <duyhovata@yahoo.com.vn>; Tran duy khang trankhang90@yahoo.com; Jimmy Pham <jimmy_pham87@yahoo.com>.

TNO cảm ơn sự quan tâm, góp ý và tín nhiệm của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.