Thú chơi 'nhiếp ảnh không máy ảnh' xa xỉ của Phạm Tuấn Ngọc

Thế Sang
Thế Sang
24/03/2024 22:07 GMT+7

Nghệ sĩ thị giác Phạm Tuấn Ngọc vừa có buổi gặp gỡ báo chí để giới thiệu về studio kết hợp với gallery trưng bày ảnh của anh - Noirfoto, 131 Dương Văn An, TP.Thủ Đức, TP.HCM.

Dọn về khu Thảo Điền chưa bao lâu, nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí tại "ngôi nhà nghệ thuật" của mình. Anh cho biết, khi chủ cũ lấy lại mặt bằng cho thuê, may mắn anh tìm được ngôi nhà cấp bốn hiện tại và bắt tay vào cải tạo, trang trí mọi thứ để làm nơi sáng tạo và gặp gỡ nghệ sĩ, KOL (những người có sức ảnh hưởng). 

Studio của Phạm Tuấn Ngọc có rất nhiều hoa lá. Phía trước studio là phòng gallery ảnh với những bức ảnh đen trắng về Hà Nội, nước Pháp, những ký ức về phố phường, đô thị... 

Thú chơi 'nhiếp ảnh không máy ảnh' xa xỉ của Phạm Tuấn Ngọc- Ảnh 1.

Phạm Tuấn Ngọc thực hành rọi ảnh đen trắng hôm gặp gỡ báo chí

NVCC

Thông qua buổi gặp gỡ, anh chia sẻ với mọi người về ảnh đen trắng - "cú chụp thứ hai trong phòng tối" - thứ nghệ thuật tỉ mẩn và xa xỉ anh theo đuổi một thời gian rất dài. Phía sau gallery là phòng tối - "mật thất" mà Phạm Tuấn Ngọc vui vẻ chia sẻ với mọi người: "Có ngày tôi ở đây trong suốt mười mấy tiếng". 

Ảnh đen trắng, khác với ảnh màu kỹ thuật số ở chỗ đây là ảnh thủ công, được nghệ sĩ rọi ảnh và rửa với hóa chất trong thời gian rất lâu. Ảnh càng lớn quá trình tạo tác càng tốn nhiều thời gian và công sức. Phòng tối là nơi người rọi ảnh "khóa mình" với xung quanh, mang tính đặc thù và riêng tư của người nghệ sĩ, bởi vì nơi đây chứa đựng tất cả những thiết bị, dụng cụ, sách vở, tài liệu... để người rọi ảnh bắt đầu "nghi thức" của mình, và cũng vì nơi đây sự thăng hoa trong sáng tạo đạt đến tối đa. 

Trong các bức ảnh của mình, Phạm Tuấn Ngọc, với kỹ thuật điêu luyện, dùng nhiều phản ứng hóa học khác nhau để tạo độ sâu của một bức ảnh đen trắng. Anh sử dụng nhiều các kỹ thuật như quang đồ, bán đảo dương... để tạo ảnh đen trắng. 

Thú chơi 'nhiếp ảnh không máy ảnh' xa xỉ của Phạm Tuấn Ngọc- Ảnh 2.

Một bước rọi ảnh trong phòng tối của Phạm Tuấn Ngọc

NVCC

Buổi gặp gỡ báo chí vừa qua của nghệ sĩ thị giác Phạm Tuấn Ngọc nằm trong chuỗi workshop Trải nghiệm phòng tối (Noirfoto darkroom) thuộc khuôn khổ cuộc thi ảnh đen trắng Noirfotocontest2024, để tìm ra top 25 tác phẩm giới thiệu trong triển lãm Sparkles - Những màu lấp lánh (13 - 28.4.2024 tại Bảo tàng Quang San). 

"Tiêu chuẩn cao nhất với một tác phẩm ảnh đen trắng theo tôi là người chụp ảnh nên trực tiếp tạo tác trong phòng tối, hoặc được rọi bởi nghệ sĩ chuyên về nhiếp ảnh"

Thú chơi 'nhiếp ảnh không máy ảnh' xa xỉ của Phạm Tuấn Ngọc- Ảnh 3.Nghệ sĩ thị giác Phạm Tuấn Ngọc

Thường khi nhìn vào một bức ảnh đen trắng, người thưởng thức cho rằng ảnh không màu sắc, rất khó nhận thấy ánh sáng nhưng Phạm Tuấn Ngọc lý giải là "nếu màu sắc tạo nên ánh sáng trong hội họa thì sáng tối tạo nên màu sắc của ảnh đen trắng". 

Quy trình tạo nên một bức ảnh đen trắng trong phòng tối phải trải qua 7 bước nghiêm cẩn, và khi nhìn vào một bức ảnh, người xem sẽ thấy được sự kỳ công của bàn tay nghệ sĩ trong việc tạo nên độ sâu, độ sáng, thậm chí có thể cảm nhận được chất liệu của đối tượng được rọi... Để làm được điều này, người nghệ sĩ phải chuẩn bị kỹ lưỡng về đối tượng để rọi, chất liệu giấy, hóa chất, các chất liệu/vật liệu cần thiết cho quá trình rọi, căn chỉnh thời gian... 

"Nghi thức" rọi ảnh trong phòng tối của Phạm Tuấn Ngọc diễn ra theo thứ tự như sau: chuẩn bị thiết bị, dụng cụ, và hóa chất; đánh giá chất lượng âm bản (trong trường hợp cần phải "phục chế" các âm bản nếu bị xước hoặc bị mốc, bám bụi); rọi và rửa ảnh. 

Thú chơi 'nhiếp ảnh không máy ảnh' xa xỉ của Phạm Tuấn Ngọc- Ảnh 4.

Dụng cụ và hóa chất rửa ảnh trong phòng tối

NVCC

So với ảnh màu kỹ thuật số, ảnh đen trắng cho phép người nghệ sĩ bộc lộ "quyền năng" sáng tạo của mình: có thể chỉnh độ sáng tối của bức ảnh hoàn toàn bằng thủ công - đây chính là hướng mà Phạm Tuấn Ngọc theo đuổi. Theo lý giải của anh, một bức ảnh đen trắng thành công là khi người xem có thể cảm nhận được độ sáng tối của thời điểm chụp bức ảnh ban đầu (tức "cú chụp ban đầu"), đồng thời cảm nhận được chất liệu của bức ảnh đã được rọi. 

Rọi ảnh thực chất là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì và tinh tế trong việc "tái sinh" bức ảnh ban đầu trong hình hài hoàn toàn mới. Rọi ảnh không chỉ đơn thuần về mặt kỹ thuật, nó cho thấy "hoa tay" của nghệ sĩ trong xuyên suốt quá trình rọi. Phạm Tuấn Ngọc đúc kết: "Tiêu chuẩn cao nhất với một tác phẩm ảnh đen trắng theo tôi là người chụp ảnh nên trực tiếp tạo tác trong phòng tối, hoặc được rọi bởi nghệ sĩ chuyên về nhiếp ảnh". 

Thú chơi 'nhiếp ảnh không máy ảnh' xa xỉ của Phạm Tuấn Ngọc- Ảnh 5.

Gallery ảnh đen trắng của Phạm Tuấn Ngọc

THẾ SANG

Quay lại với phòng tối, để có một phòng tối đúng chuẩn (vì Phạm Tuấn Ngọc du học và áp dụng tiêu chuẩn rọi ảnh đen trắng của nước ngoài) phải đầu tư một số tiền rất lớn. Chơi ảnh đen trắng là hình thức chơi công phu, xa xỉ, gần như là "luxury" (cao cấp) trong nhiếp ảnh thủ công, đồng thời người chơi - nghệ sĩ phải được đào tạo bài bản về chuyên môn. 

Phạm Tuấn Ngọc chia sẻ, ở Hà Nội và các nơi khác cũng có chơi ảnh đen trắng nhưng không ai như anh - đầu tư đầy đủ về trang thiết bị với các quy trình rọi, rửa bài bản, lớp lang, chuyên nghiệp. Vì nhiều yếu tố, Phạm Tuấn Ngọc là trường hợp "độc nhất vô nhị" trong việc tạo ảnh đen trắng đến mức độ chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Thú chơi 'nhiếp ảnh không máy ảnh' xa xỉ của Phạm Tuấn Ngọc- Ảnh 6.

Nghệ sĩ thị giác Phạm Tuấn Ngọc

NVCC

Phạm Tuấn Ngọc, sinh năm 1982 tại Hà Nội, được xem là kỷ lục gia trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác.

Năm 2019, Phạm Tuấn Ngọc lập kỷ lục rọi bức ảnh đen trắng lớn nhất Việt Nam với chất lượng tương đương nhà in ảnh thủ công lớn nhất và hàng đầu ở Mỹ tên là Griffin Editions. Năm 2023, anh giới thiệu với công chúng bộ sưu tập Chloris với những tác phẩm theo chủ đề bất tử và tái sinh được làm bằng kỹ thuật lumen printing đầu tiên tại Việt Nam. Cũng trong năm này, anh giới thiệu các tác phẩm cyanotype trên lụa với kích thước lớn nhất, cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam.

Noirfoto được Phạm Tuấn Ngọc thành lập năm 2017, là phòng tối chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. Đây là nơi anh áp dụng những kiến thức chuyên môn của mình khi theo học tại nước ngoài và tự mày mò để thực hành nghệ thuật thị giác đạt đến mức thăng hoa, giao thoa giữa nghệ thuật, thủ công, khoa học và lịch sử.

Một số triển lãm tiêu biểu mà Phạm Tuấn Ngọc từng thực hiện gồm:

- Silver Lining (triển lãm nhóm tại TP.HCM, tháng 6.2023)

- MAY (triển lãm nhóm tại Hà Nội, tháng 5.2023)

- Hanoi - A City in Photography (triển lãm nhóm tại Hà Nội, tháng 4.2023)

- Ngu hanh (triển lãm nhóm tại Hà Nội, tháng 11.2022)

- Chloris (triển lãm cá nhân tại TP.HCM, tháng 9.2022)...

 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.