Thư của một tiến sĩ Việt kiều Mỹ gửi Báo Thanh Niên

22/12/2005 14:47 GMT+7

Em Đoàn T. M., Việt kiều Mỹ, sinh sống tại California, đã gửi cho Báo Thanh Niên một bức thư bày tỏ cảm nghĩ của mình khi đọc được nhiều bài viết, bài phỏng vấn đăng trên báo chí quê nhà nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.

Tư tưởng "đoàn kết, đại đoàn kết" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống hòa hiếu, khoan dung tốt đẹp của dân tộc, lòng ham muốn khép lại quá khứ, cùng nhau nhìn về một tương lai chung của đất nước, được thể hiện qua các bài viết trên báo chí nước nhà đã làm cho biết bao người con xa xứ, đặc biệt là thế hệ trẻ như em Minh, xúc động một cách chân thành. Dưới đây chúng tôi xin trích đăng bức thư này.

Gởi anh Nguyễn Công Khế,

Hôm nay, em có nghe bài phát biểu của anh trên đài BBC. Em thật sự xúc động giống như những hôm trước khi nghe bài nói chuyện của chú Võ Văn Kiệt. Anh và Chú đã nói được những điều để hàn gắn lại vết thương quá khứ của một dân tộc mà có lúc những lời nói đó bị xem như cấm kỵ.

Quê hương mình không được may mắn là đã trải qua một cuộc chiến tàn khốc. Nỗi đau ấy, tưởng như được chấm dứt sau khi cuộc chiến tranh kết thúc năm 1975. Nhưng không ngờ, vết thương vẫn còn chảy máu cho đến hôm nay. Có lúc, em đã tự hỏi mình tại sao cùng một dân tộc, cùng một lịch sử nhưng vẫn còn sự chia rẽ giữa người Việt với người Việt.

Em là một đứa bé sinh ra ở miền Nam. Khi chiến tranh kết thúc, em chỉ là một em bé nhỏ 7 tuổi. Cũng như những em bé khác, có một ước mơ bình dị là được vui chơi và học hành với bạn bè. Cha em, một người hiền từ và sống vì mọi người nhiều hơn sống cho bản thân mình. Cũng giống như những gia đình của người miền Nam, ông phải làm việc và phục vụ trong chế độ cũ Sài Gòn. Sau chiến tranh, cha em bị đưa đi cải tạo. Mẹ em, một công nhân viên chức trong một bệnh viện. Bà ta tiếp tục công việc giúp đỡ bệnh nhân của mình. Cuộc sống của gia đình em cũng giống như những gia đình miền Nam sau chiến tranh, rất khó khăn và thiếu thốn. Nhưng dù vậy, mẹ em lúc nào cũng giáo dục con cái theo cách sống nhân hậu, không hận thù và đầy lòng vị tha. Và em lớn lên trong tình thương và hạnh phúc nhỏ nhoi ấy. Em rất say mê học và làm đúng theo những gì thầy cô chỉ dạy. Em vẫn còn nhớ, mỗi năm, khi em được thầy cô và bạn bè chọn là Cháu ngoan của Bác Hồ, về nhà, khoe mẹ tấm bằng là hôm đó được mẹ dẫn đi ăn cơm tiệm một bữa no nê. Đó là niềm hạnh phúc khó tả của một cậu bé mà đến bây giờ vẫn còn gìn giữ.

Rồi em lớn lên. Chăm chỉ học tập và vẫn ấp ủ nhiều mơ ước cho bản thân, cho đất nước. Em có một ước mơ là trở thành một bác sĩ để làm việc và phục vụ cho mọi người. Nhưng niềm mơ ước ấy đã ra đi cùng với nỗi đau mà đến bây giờ em vẫn không quên. Ngày ấy, khi muốn thi vào đại học thì học sinh phải nộp đơn và được sự chứng nhận của công an phường nơi cư trú. Khi em đi chứng thì bị ghi vào lý lịch một hàng chữ "con ngụy". Một từ thật xót xa và tủi nhục đã in ấn trên bản lý lịch giống như một dấu ấn nặng trĩu mang trên người. Cầm tấm đơn đi nộp mà nước mắt cứ rơi. Em không hiểu em có tội tình gì mà sao bị kỳ thị trên quê hương mà em đang sống, nơi mà em rất thương yêu và đã nguyện phục vụ cho nó. Chiến tranh đã qua rồi, mọi người Việt Nam mong muốn cùng đóng góp cho một quê hương thanh bình và giàu sang nhưng sao những người trẻ tuổi như em lại bị một cái nhìn như kẻ tội lỗi. Sau giờ phút đó, em đã có tâm trạng của một con người bị đặt ngoài xã hội. Cảm thấy trong lòng tự ti và xấu hổ. Rồi ý định ra đi để tìm một quê hương thứ hai cho mình đã nảy sinh.

Giờ đây, em là một kỹ sư. Đóng góp cho nước Mỹ thì nhiều, nhưng với quê hương nơi sinh ra mình thì không có. Em và những người bạn Việt vẫn quan tâm đến đồng bào, đến quê hương. Tụi em vẫn thường đọc báo từ quê nhà và rung động với cuộc sống khó khăn mà người dân mình đã trải qua. Cũng giống như đa số người Việt ở Mỹ, tụi em rất vui mừng khi thấy đất nước phát triển, người dân được cơm no áo ấm. Như anh đã nói trong lời phát biểu, năm nay khoảng 300 ngàn người Việt từ Mỹ về thăm quê hương. Đó là một điều mừng. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy rằng người về thì nhiều mà giúp đỡ quê hương thì quá ít. Bởi vì cảm giác "một người dưng trên chính quê hương mình" vẫn còn trong họ. Họ về vui vẻ với gia đình, với làng quê, nhưng rất yên lặng trong ý kiến và trong đóng góp để xây dựng đất nước. Em mong anh và các chú hãy tiếp tục mở vòng tay lớn để một ngày nào, mỗi người Việt dù bất cứ nơi đâu, bất cứ một thành phố nào cũng là một ngườiViệt Nam bình đẳng và tự hào trong vòng tay lớn của người mẹ Việt Nam.

Đoàn Tiến Minh
Westminster,California
Email:
doantienminh@yahoo.com

Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ đến dự lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Báo Thanh Niên

Trở về xứ Quảng Nam với Nguyễn Công Khế

"To be is to be particular (Aristotle) "Thấy người ta sang mà bắt quàng làm họ". Tôi chọn Đàn Chim Việt để viết về một  người bạn, tôi nghĩ rằng rất là thân thiết của tôi, Nguyễn Công Khế. Khế (xin gọi tên trần truồng như thế theo kiểu Mỹ) là Tổng biên tập của Báo Thanh Niên, như nhiều người đã biết. Trần Trung Việt của Đàn Chim Việt cũng đã có lần thách thức mạnh mẽ với Khế về một bài đăng lại từ tờ Nhân Dân trên Thanh Niên Online. Mỗi xã hội, bối cảnh nhân văn có một  mẫu người, một nhân dạng, hiện thân cho cái tính chất của thời đại ấy. Ở thành phố Hồ Chí Minh, cái văn minh Sài Gòn hiện nay, tôi thấy Khế là một biểu tượng của cái con người ấy. Tôi xin nêu lên Khế lên để chúng ta nhìn xem con người Việt Nam như là mỗi chúng ta nhìn vào trong gương để mong tìm được ra chính mình vậy".

NGUYỄN HỮU LIÊM
Báo Dân Quyền tháng 7/2005, Santa Cruz, California

Hà Nội 2/4/1999

Khế thân mến!

Lâu lắm không viết thư cho Khế nhưng vẫn nhận được tin luôn và nhất là chị có được đọc cuốn sách "Lời cám ơn ngọn lửa" của Khế. Mượn được của Thành. Cầm cuốn sách hơi buồn vì Khế nhớ đến Thành mà không nhớ đến chị nghe!

Nhưng thôi, chuyện đời như vậy là thường. Không trách Khế đâu. Hôm đó, ở Báo Phụ Nữ Việt Nam về, mình nằm đọc một mạch. Cảm giác rất lạ là cuốn sách tuy gồm những bài viết ngắn, gọn, đơn giản nhưng lại rất hấp dẫn và đưa đến cho người đọc nhiều thông tin hay, biết được nhiều khía cạnh của cuộc sống. Nhất là qua đó thấy tấm lòng người viết. Khế đúng là có con mắt và trái tim của một nhà báo. Còn nhớ đã rất lâu, mình đọc truyện Con gà trống trên ban công của Liên Xô, của một tác giả rất quen thuộc ( mà bây giờ không nhớ rõ là ai nữa!), trong đó có câu chuyện: một nữ sinh viên sau khi tốt nghiệp hỏi người thầy rất thân thiết thường hướng dẫn cô rằng cô nên vào con đường báo chí không? Thì người thầy trả lời:" Rất nên, vì em là con người có trái tim không thờ ơ với số phận người khác" (đại ý). Đúng vậy, Khế ạ. Theo mình, một người làm báo trước hết là người không thờ ơ với số phận , cuộc đời, sướng khổ của nhân dân, đồng bào, của người chung quanh. Ở Khế, mình thấy từ những ngày đầu Khế ở Báo Phụ Nữ -một ưu điểm lớn nhất là luôn quan tâm đến những sự kiện quanh mình, muốn tham gia giải quyết giúp đỡ những sự việc sai lạc, bất công chung quanh (chắc Khế nhớ, không ít lần Khế kéo mình vào những việc như vậy?) và đó cũng là điều lớn nhất đã đem lại sự thành công cho Khế hiện nay. Về cuốn sách của Khế: đó là cuốn sách có ích và đáng đọc. Viết giỏi.

Thanh Hương, nhà văn
(Nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam)

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco

1700 California Street, Suite 430
San Francisco, CA. 94109 Ngày: 6/5/99
Tel: (415) 922 - 1707  fax: (415) 922 - 1848 Số fax: 84 - 8 - 8322025
Email:
VNconsulSF@AOL.com
Kính gửi: Anh Nguyễn Công Khế
Tổng biên tập Báo Thanh Niên

Thưa anh,

Được tin Nhà xuất bản Trẻ sắp xuất bản cuốn sách của anh với tựa đề: "Lời cảm ơn ngọn lửa", chúng tôi rất quan tâm và một số Việt kiều đã từng sống thời sinh viên ở Sài Gòn trước 1975 cũng muốn có cuốn sách đó.
Nếu có thể được, đề nghị anh gửi cho chúng tôi từ 2 đến 5 cuốn, có chữ ký tặng của anh. Chi phí chúng tôi sẽ thanh toán.
Kính chúc anh khỏe, làm nhiều việc trong sự nghiệp giáo dục, dẫn dắt thế hệ trẻ.

Kính thư,

Nguyễn Xuân Phong - Tổng lãnh sự

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco

1700 California Street, Suite 430
San Francisco, CA. 94109 Ngày: 25/5/99
Tel: (415) 922 - 1707  fax: (415) 922 - 1848 Số fax: 8322 025
Email:
VNconsulSF@AOL.com 
Kính gửi: Anh Nguyễn Công Khế
Phó chủ tịch UBTW Hội LHTN Việt Nam
Tổng biên tập Báo Thanh Niên

Anh Khế thân mến,

Tôi đã nhận được cuốn sách của anh: Lời cảm ơn ngọn lửa do anh gửi tặng. Tôi đã gác công việc hằng ngày đọc liền một mạch hết 111 bài báo của anh.

Cảm ơn anh nhiều về những trăn trở, suy tư và gợi mở thẳng thắn hướng về cái chân, cái thiện, cái đẹp, cái tiến bộ cho cách sống của mỗi người và vì sự phát triển thắng lợi của đất nước qua quá trình đổi mới...

Ba quyển anh cho, tôi giữ lại một, còn hai quyển đem tặng cho hai nhà báo Việt kiều, một già một trẻ. Chắc là họ thích và sẽ có ích nhiều cho họ.

Báo Thanh Niên có định phát hành sang Mỹ không? Chúng tôi sẵn sàng tiếp một tay.

Một lần nữa cảm ơn anh và chúc anh cùng gia đình, anh chị em ở nhà mạnh khỏe, hạnh phúc, hoàn thành mọi nhiệm vụ. Mong rằng sau Lời cảm ơn ngọn lửa sẽ được đọc các tác phẩm tiếp theo của anh.

Kính

Nguyễn Xuân Phong - Tổng lãnh sự


Anh Nguyễn Công Khế,

Vẫn đọc anh và là độc giả hai bên bờ đại dương của Thanh Niên (bọn tôi đặt mua nơi anh Vũ Đức Vượng) (*) vậy mà tới giờ cũng chưa có dịp gặp gỡ. Mãi hôm vừa rồi đi coi Duyên dáng 4 mới được chiêm ngưỡng dung nhan anh cạnh trưởng lão Trần Bạch Đằng - anh có ngoại hình được đó!

Duyên dáng 4 công phu hơn, nghệ thuật hơn các Duyên dáng trước. Anh thấy không, thời thế đã đổi thay, cuộc sống đã đô thị hóa công nghiệp hóa thì phải các show như Duyên dáng mới hợp. Phục hồi các hát bội, cải lương, chèo... khó lắm. Coi như bộ môn trình diễn cổ truyền, lâu lâu trịnh trọng trình diễn một lần thôi.
Lúc nào anh rảnh và thấy thoải mái trong việc giao tế thân hữu với T.U., xin anh cho biết. Chúng tôi rất vui được mời anh (và anh Chức nữa) một bữa cơm nhà hay tại một quán nào đó.

Thân kính

(*) Trung tâm châu Á - Thái Bình Dương ở San Francisco do anh Vũ Đức Vượng làm giám đốc đã có thời gian phát hành Báo Thanh Niên đến Việt kiều vùng California

Thế Uyên (nhà văn định cư tại Mỹ)

Nguyễn Lê Bách
Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập  
Cairo, ngày 7 tháng 4 năm 1999
Kính gửi : Anh NGUYỄN CÔNG KHẾ,
Tổng biên tập Báo Thanh Niên,

Hôm qua, 6/4/1999, tôi đã nhận được 2 cuốn Lời cảm ơn ngọn lửa của anh. Rất cám ơn anh. Tôi đã đọc được hai, ba bài viết trong cuốn sách. Không phải vì không có thì giờ để đọc một mạch, mà đọc xong mỗi bài, tôi lại gấp sách lại, bồi hồi nhớ đến những kỷ niệm của cái thời đó, nhớ lại những điều mà bài viết của anh gợi lại. Năm nay, tôi đã 61 tuổi - và sắp bước sang tuổi 62, do đó những cái mốc thời gian, những sự kiện anh viết trong từng bài, đều nhắc lại cho tôi nhiều kỷ niệm, hồi tưởng đáng nhớ. Cảm ơn anh nhiều vì điều đó, và vì anh đã tặng sách.

Thời gian "hơi bị nhanh" quá, anh Khế ạ! Tôi vẫn nhớ những ngày mưa năm nào ở trường Nguyễn Ái Quốc, mình thảo luận, trao đổi với nhau. Vậy mà cũng đã mấy năm trôi qua rồi!

Đọc lướt qua mục lục của cuốn sách, thấy anh đi nhiều, đặt chân đến nhiều nơi, nhiều nước. Nhưng hình như vẫn còn thiếu một mảng Trung Đông, Ả Rập, anh Khế ạ! Với cương vị của anh hiện nay - bao nhiêu là công việc, kể cả đội bóng đá trẻ nữa - liệu anh có thì giờ ghé thăm Ai Cập một chuyến được không?

Nguyễn Lê Bách
Embassy of Vietnam
39, Jedda Street, Mohandessin
CAIRO - EGYP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.