Website của Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc - New Zealand (FSANZ) hôm qua công bố lệnh thu hồi mới nhất trên lãnh thổ các nước này sau khi sản phẩm rong biển khô nhãn hiệu Wang Dried Kelp Varech Speche bị phát hiện chứa i-ốt vượt mức cho phép. Lệnh thu hồi lần này áp dụng cho 2 dòng sản phẩm Wang Dried Kelp Varech Speche loại bao nhựa 56g và 170g do Công ty Shin Mi Pty Ltd (Úc) nhập khẩu. Những sản phẩm trên được bán rộng rãi ở thành phố Brisbane và khu vực Gold Coast của Úc.
Rong biển Hàn Quốc bị Úc và New Zealand thu hồi - Ảnh: FSANZ |
Nội dung thông cáo có đoạn: “Sử dụng thường xuyên những sản phẩm này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe cho một số người, trong đó có người đang mang thai và bà mẹ cho con bú”. Vẫn chưa rõ hàm lượng i-ốt cao trong rong biển bị thu hồi ở mức nào, nhưng Bộ Y tế Úc quy định hàm lượng i-ốt được hấp thụ mỗi ngày ở thai phụ ở mức 220 mcg/ngày, và 270 mcg trong trường hợp cho con bú. FSANZ khuyên những người đã ăn phải rong biển trên nên gặp bác sĩ để được tư vấn.
Rong biển được xếp vào nhóm tảo, có thể sống trong cả hai môi trường nước mặn và nước lợ. Hầu hết tảo nước ngọt đều độc và không phù hợp làm thực phẩm. Ngược lại, có hơn 70 loài rong biển có thể ăn được trên thế giới. |
Đây không phải là lần đầu tiên Úc lên tiếng cảnh báo về rong biển, thành phần phổ biến trong các món ăn của Hàn Quốc và Nhật Bản. Hơn một năm trước, sản phẩm rong biển khô của hãng Heng Fai đối mặt với lệnh thu hồi tại các bang New South Wales và Queensland của Úc, cũng như tại New Zealand sau khi các chuyên gia y tế phát hiện hàm lượng i-ốt cao bất thường trong dòng sản phẩm gói 150g của hãng này. Một tháng sau đến lượt Đan Mạch ra thông báo tương tự đối với rong biển khô nhãn hiệu Dayat, loại gói 50g, do Công ty Golden Banyan Foodstuffs Industry (Trung Quốc) sản xuất. Thông cáo của Bộ Thực phẩm, Nông nghiệp và Ngư nghiệp Đan Mạch ghi rõ hấp thụ quá nhiều i-ốt có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp, dẫn đến tổn hại hệ nội tiết và quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Doanh thu của rong biển khô gần đây tăng mạnh, nhất là tại Hàn Quốc, sau sự cố nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản hồi tháng 3. Báo Korea Herald dẫn báo cáo của chuỗi siêu thị Lotte Mart cho hay doanh số bán rong biển tại hơn 90 chi nhánh tại Hàn Quốc tăng gần 100% trong giữa tháng 3. Nguyên nhân là do người tiêu dùng e ngại về rong biển của Nhật Bản cũng như tin rằng các đồng vị i-ốt tốt trong rong biển có thể giúp giảm tác hại của phơi nhiễm phóng xạ.
Việt Nam khẩn trương kiểm tra Trao đổi với Thanh Niên hôm qua, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) xác nhận: “Có các sản phẩm rong biển nhập vào VN, tuy nhiên hàm lượng i-ốt không phải là chỉ tiêu kiểm tra vì thông thường chất này ở mức rất thấp, và đây không phải là lượng thực phẩm được người dân dùng nhiều hằng ngày. Nhưng, trước thông tin nói trên, chúng tôi sẽ khẩn trương kiểm tra và chính thức đưa ra khuyến cáo sớm nhất trong trường hợp cần thiết”. Khảo sát nhanh của PV Thanh Niên tại một số siêu thị và các cửa hàng bán thực phẩm khô của người Hàn Quốc ở TP.HCM cho thấy, không có sự hiện diện của loại rong biển khô Hàn Quốc có tên Wang Dried Kelp Varech Speche nhưng lại có rất nhiều loại rong biển khác xuất xứ từ Hàn Quốc được bày bán tại các siêu thị. Tại siêu thị Co.opmart (Cống Quỳnh, Q.1) có bán các loại rong biển như Gim (loại màu hồng, và xanh dương) gói 2g; loại F&B Seasoned gói 2,7g; loại F&B Susi laver gói 25g; loại lá kim tẩm gia vị CJ gói 5g - những sản phẩm này được sản xuất từ Dongwon (Hàn Quốc), và nhập khẩu bởi Công ty Nhật Minh Thành (TP.HCM). Tại siêu thị Maximark (Cộng Hòa, Q.Tân Bình) cũng bán nhiều loại rong biển của Hàn Quốc như, rong biển dầu mè gói 2g; Kimmy classic gói 2,7g; loại khô dầu hạt cải gói 2,7g - những loại này cũng được nhập khẩu bởi Công ty Nhật Minh Thành. Tại siêu thị Big C (đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận) cũng bày bán nhiều loại rong biển Hàn Quốc như: Gim (loại hồng và xanh dương) và rong biển loại sấy khô hiệu Jaban với nguyên liệu lấy từ Hàn Quốc của Công ty Green World (Biên Hòa, Đồng Nai), gói 40g. Ngoài rong biển, tại các siêu thị Co.opmart, Big C (Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận)... cũng có bán nhiều sản phẩm tảo biển như: Sonka Green; tảo nấu canh My Yuk; tảo vị kim chi... Khảo sát tại một số cửa hàng, đại lý chuyên bán thực phẩm khô dành cho người Hàn Quốc trên đường Thăng Long, Cộng Hòa (Q.Tân Bình), chúng tôi không thấy có các loại rong biển và tảo biển như nói trên. T.T - L.C - H.M |
Thừa i-ốt sẽ rất nguy hiểm
Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) nói: “I-ốt là chất cần thiết cho cơ thể, nhưng quan trọng là dùng với liều lượng có giới hạn theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Nếu dùng quá nhiều, gây dư thừa trong cơ thể sẽ dẫn đến tình trạng độc giáp, nói dễ hiểu đó là cường giáp (cường giáp do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do nồng độ i-ốt trong cơ thể quá cao). Biểu hiện thường gặp của tình trạng cường giáp là làm cho nhịp tim nhanh, rụng tóc, sụt cân, cơ thể thường nóng bức. I-ốt còn đi qua nhau thai, do vậy nó sẽ ảnh hưởng lên thai nhi, ảnh hưởng sự phát triển của trẻ. Do vậy, khi sử dụng thuốc i-ốt để điều trị cho người bệnh, bác sĩ cũng cân nhắc rất kỹ lưỡng”.
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội viên Hội Đông y VN) cho biết: “I-ốt có nhiều trong rong biển, tảo biển. I-ốt đi vào tuyến giáp, nếu thiếu i-ốt sẽ gây nhược giáp, ảnh hưởng sự phát triển của trẻ em, giảm thiểu năng tâm thần (kém thông minh); nhưng nếu thừa sẽ gây cường giáp, gây rối loạn chuyển hóa…”. Lượng i-ốt được khuyến cáo trong nước, theo bác sĩ Hoàng Kim Ước (Bệnh viện Nội tiết T.Ư, Hà Nội), đó là “I-ốt khuyến cáo trung bình ở người VN từ 150-200 mcg/người/ngày. Nếu cao hơn mức khuyến cáo, cơ thể sẽ đào thải ra ngoài. Nếu lâu dài, sẽ có tỷ lệ nhỏ bị tác dụng phụ thừa i-ốt. Trong trường hợp thừa i-ốt sẽ gây nên các tác dụng phụ như: tuyến giáp to ra (bệnh bướu cổ do thừa i-ốt); suy tuyến giáp. Ở phụ nữ mang thai, thừa i-ốt ngoài tác động đến mẹ có thể ảnh hưởng đến thai nhi gây thiểu năng giáp sơ sinh hoặc bướu cổ ở trẻ sơ sinh”. Bác sĩ Yên Lâm Phúc (Học viện Quân y, Hà Nội) cho biết thêm: “Liều cơ bản của i-ốt với người lớn là 150 mcg/ngày; với trẻ em khoảng 100 mcg/ngày; với phụ nữ mang thai và cho con bú thì cần lượng i-ốt cao hơn vì họ cần sự chuyển hóa nhiều hơn, lượng cần thiết vào khoảng 200mcg/ngày với bà mẹ mang thai và 250 -290mcg/ngày với bà mẹ cho con bú”. Theo bác sĩ Phúc, i-ốt có vai trò quan trọng trong dinh dưỡng, là nguyên tố vi lượng cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể, không thể thiếu được cho hoạt động chức năng của tuyến giáp. Tuy nhiên, bác sĩ Phúc khuyến cáo: “Nếu dùng i-ốt với liều cao có thể gây tử vong. Liều gây tử vong trên chuột là 15g/kg; trên chó là 800mg/kg; còn trên người là 30-40mg/kg thể trọng. Bị ngộ độc i-ốt do ăn quá nhiều có thể gây ra suy chức năng giáp, phù, phù phổi, viêm phổi và tử vong. Do vậy, cần cẩn thận với i-ốt”. Thanh Tùng - Liên Châu - Hà Minh |
Thụy Miên
Bình luận (0)