Thu hút đầu tư: Cơ hội tái cơ cấu ngành du lịch

24/09/2020 08:00 GMT+7

Đề án cơ cấu lại ngành du lịch TP.Đà Nẵng được hoàn thiện trong bối cảnh Covid-19, đây là cơ hội để định hướng chặng đường phát triển mới của ngành kinh tế mũi nhọn.

Du lịch biển Đà Nẵng hướng đến lễ hội, các dịch vụ chi tiêu cao

Du lịch biển Đà Nẵng hướng đến lễ hội, các dịch vụ chi tiêu cao

Ảnh: Nguyễn Tú

PGS-TS Phạm Trung Lương (nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch - Tổng cục Du lịch, thành viên đề án) có lý do để nhìn nhận du lịch (DL) Đà Nẵng đã đến cuối giai đoạn “trưởng thành”, cần “làm mới lại” để tránh điểm chững. PGS Lương cho đây là quy luật tất yếu và dẫn chứng công suất phòng có xu thế giảm, nhất là nhóm khách sạn dưới 2 sao (vốn chiếm hơn 31% số phòng).
Có một thực tế là DL Đà Nẵng ít sản phẩm mới, lại đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi các điểm đến mới nổi. Đề án định hướng Đà Nẵng cần cơ cấu lại thị trường, tăng lượng khách châu Âu, Bắc Mỹ, Úc, mở rộng Trung Đông, Ấn Độ, Đông Âu. Tỷ lệ khách nội địa cũng cần cải thiện trong bối cảnh Covid-19 hay các yếu tố bất lợi khiến thị trường khách quốc tế giảm đột ngột. Hiện tại, tỷ trọng khách Hàn Quốc, Trung Quốc hiện tại tuy giảm nhưng vẫn chiếm 70%, trong khi mức chi tiêu và số ngày lưu trú thấp hơn các thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ.
“Covid-19 đã giúp ngành DL Đà Nẵng nhìn rõ cần phải cơ cấu lại để đảm bảo hạn chế các tác động tiêu cực từ những bất hợp lý về cơ cấu khách tồn tại trong thời gian qua. Ngành DL phải điều chỉnh cơ cấu khách theo quốc gia, khu vực để hạn chế những rủi ro khi có biến động, làm lượng khách giảm đột ngột. Thay vào đó, cần đa dạng thị trường, đặc biệt thị trường có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài”, PGS Lương nói.

Hướng đến du lịch chất lượng cao

Theo ông Nguyễn Thành Tám, Chủ tịch HĐQT Công ty CP du lịch VN Vitours, chủ trương tái cơ cấu ngành DL là cần thiết. Các doanh nghiệp cũng có trách nhiệm đóng góp về đầu tư, ý tưởng; sản phẩm cũng luôn phải làm mới, vì du khách muốn khám phá là chính, nếu chưa thể làm mới 100% thì ít nhất cũng cần làm mới các dịch vụ. “Trong xu thế các địa phương đều làm DL, nếu Đà Nẵng không đổi mới thì du khách chắc chắn dịch chuyển, tốc độ tăng trưởng DL của TP chững lại”, ông Tám nói.
Về sản phẩm, TP.Đà Nẵng ưu tiên DL chất lượng cao, bổ sung các dịch vụ chi trả cao bên cạnh nghỉ dưỡng biển cao cấp, đưa TP thành điểm đến đẳng cấp, thương hiệu cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Đà Nẵng cũng chú trọng kinh tế đêm, phát triển DL MICE, các lễ hội và sự kiện văn hóa, thể thao mạo hiểm… ông Bùi Thanh Thuận, Phó giám đốc Sở GTVT, gợi ý cần phát triển đường thủy như cảng biển DL, đường thủy nội địa (sông Cu Đê, sông Hàn, sông Cổ Cò) và hướng ra vịnh Đà Nẵng như lưu trú đêm. Còn ông Lê Đức Viên, Phó giám đốc Sở Công thương, đánh giá các thế mạnh của DL Đà Nẵng vẫn có điều kiện để phát triển, như DL cộng đồng - sinh thái, DL nghỉ dưỡng chữa bệnh…
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở DL, cho hay không chỉ lập hội đồng phản biện đề án gồm những chuyên gia, doanh nghiệp mà TP.Đà Nẵng còn có cơ chế chính sách thu hút đội ngũ nguồn nhân lực DL giỏi để cùng địa phương hiện thực hóa đề án.

Đầu tư dự án 600 tỉ đồng tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng

Ngày 22.9, UBND TP.Đà Nẵng, BQL Khu công nghệ cao (CNC) và các KCN trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà xưởng CNC cho thuê của Sagontel thuộc Khu sản xuất Khu CNC TP.Đà Nẵng. Giai đoạn đầu của dự án quy mô 15ha, tổng mức đầu tư 600 tỉ đồng. Hệ thống nhà xưởng xây sẵn hoặc xây theo yêu cầu của Saigontel được phân thành các diện tích từ 5.000 - 20.000 m2 cùng công trình phụ trợ, hệ thống văn phòng, các dịch vụ gia tăng khác. Sagontel là thành viên Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI).
Tính đến tháng 9, Khu CNC và các KCN TP.Đà Nẵng đã thu hút và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cho 13 dự án, trong đó 12 dự án đầu tư trong nước (vốn đăng ký hơn 1.250 tỉ đồng), 1 dự án FDI (vốn đăng ký 60 triệu USD).

Tiếp tục đẩy mạnh các gói thầu giải ngân đầu tư công

Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, nhằm tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Trong đó, BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu thiết kế, thi công, lắp đặt công trình tuyến cống thu gom nước thải đường Nguyễn Tất Thành (tổng vốn đầu tư hơn 417 tỉ đồng). Dự án do liên danh Công ty TNHH đầu tư xây dựng Dacinco - Công ty CP xây dựng số 5 - Công ty CP tư vấn cấp thoát nước và môi trường làm nhà thầu. Thời gian thi công 540 ngày.
BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT cũng phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu lập hồ sơ thiết kế - dự toán và tính toán mô hình thủy lực, thủy văn thuộc Tiểu dự án 1 nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò đoạn qua Đà Nẵng (kinh phí gần 3,8 tỉ đồng). Gói thầu do liên danh Viện Quy hoạch xây dựng và Công ty CP tư vấn thiết kế xây dựng giao thông công chính Đà Nẵng, Công ty CP tư vấn xây dựng thủy lợi - thủy điện Bình Định trúng thầu. Thời gian thực hiện hợp đồng 60 ngày.

Thêm khách sạn ngàn tỉ đồng bên sông Hàn

Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng vừa cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án khách sạn Wink trên đường Trần Hưng Đạo (P.An Hải Tây, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng). Dự án được chủ đầu tư Vietnam Investment B Limited đăng ký với tổng mức gần 1.000 tỉ đồng, với các mục tiêu: kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, cho thuê mặt bằng bán lẻ, văn phòng. Khách sạn Wink nằm trong chuỗi khách sạn của tập đoàn đầu tư vào VN và khu vực Đà Nẵng, tọa lạc bờ đông sông Hàn (Lô B4 - 15 đường Trần Hưng Đạo); dự án có quy mô 322 phòng, tiêu chuẩn 3-4 sao.
Đề án "Cơ cấu lại ngành DL Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng 2030" đặt mục tiêu DL tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Đến năm 2025, điều chỉnh DL theo 4 lĩnh vực cơ bản; cơ cấu thị trường quốc tế và nội địa là 50-50, cơ cấu thị trường quốc tế là châu Âu - Bắc Mỹ 20%, Đông Bắc Á 57%, Đông Nam Á và Úc, NewZealand 20%, thị trường khác 3%. Đến 2030, cơ cấu thị trường quốc tế - nội địa 45% - 55% và tiếp tục điều chỉnh cơ cấu thị trường quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.