Cho khai thác thương mại
Từ cuối năm 2019 đến nay, TP.Đà Nẵng đã chủ trì nhiều cuộc họp để các ngành tham mưu, đề xuất ý kiến để hiện thực hóa kêu gọi đầu tư hơn 30 bãi đỗ xe (BĐX). Trong đó, Sở GTVT phối hợp Sở TN-MT lấy ý kiến về phương án đầu tư BĐX công cộng.
Về giá đất đầu tư xây dựng BĐX, Sở TN-MT xác định lại các thông số liên quan đến việc tính toán doanh thu và chi phí. Trên cơ sở đó đã tạm tính giá đất cụ thể làm cơ sở xác định giá khởi điểm đấu giá thuê đất, trả tiền thuê 1 lần cho cả thời gian thuê (tại địa chỉ 166 Hải Phòng) để xây BĐX thông minh. Cụ thể, với thời hạn sử dụng đất 15 năm, giá đất tạm tính hơn 8,5 triệu đồng/m2, thời hạn sử dụng 50 năm là hơn 15,9 triệu đồng/m2. Qua tính toán giá đất để đầu tư theo phương pháp thặng dư (doanh thu trừ chi phí đầu tư xây dựng và chi phí sinh lợi đầu tư), có phát sinh giá trị sinh lợi từ đất. Đối với phần diện tích 30% theo mật độ xây dựng cho phép của khu đất xây BĐX để khai thác dịch vụ thương mại (nếu có), Sở TN-MT sẽ tính toán cụ thể giá đất khi quy hoạch xây dựng chi tiết từng dự án được phê duyệt.
Tại cuộc họp với các sở ban ngành mới đây, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, nhấn mạnh nguyên nhân đầu tư các BĐX vẫn ì ạch là do cơ chế thu hút đầu tư chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp. Bên cạnh tháo gỡ cơ chế, Chủ tịch UBND TP yêu cầu cần nghiên cứu phương án BĐX kết hợp dịch vụ mua sắm, sửa chữa, rửa xe, trạm xăng, ăn uống… để phục vụ chủ phương tiện và tạo thêm doanh thu cho nhà đầu tư.
Chọn PPP và hợp đồng BOT
Theo Sở GTVT, về việc lựa chọn nhà đầu tư, có thể áp dụng 2 hình thức. Thứ nhất, đấu giá quyền sử dụng đất theo hình thức thuê, trả tiền 1 lần (giá đất theo phương pháp thặng dư) đối với các khu đất quy hoạch đầu tư BĐX công cộng. Thứ hai, lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), chủ đầu tư trả tiền thuê đất theo quy định. Căn cứ giá trị khu đất được tính bằng phương pháp thặng dư đối với các khu đất quy hoạch đầu tư BĐX công cộng, UBND TP có thể góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất trong dự án PPP.
Cũng theo Sở GTVT, qua nghiên cứu các quy định về luật Đầu tư, luật Đất đai, luật Giao thông đường bộ cùng các nghị định về tiền thuê đất, quản lý sử dụng tài sản công…, việc tạo cơ chế thuận lợi để đầu tư BĐX công cộng theo hình thức BOT có phần vốn góp của Nhà nước sẽ kêu gọi được nguồn lực tư nhân, tiếp nhận tài sản sau khi kết thúc vòng đời dự án. Đồng thời, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển giao thông công cộng, giảm ùn tắc giao thông, phù hợp quy định về thu tiền thuê đất. Vì vậy, đơn vị đề xuất phương án đầu tư các BĐX công cộng theo hình thức PPP, hợp đồng BOT.
UBND TP.Đà Nẵng thống nhất phương án mà Sở GTVT đề xuất. Phần vốn góp của Nhà nước tham gia trong dự án PPP được xác định và theo dõi trên sổ kế toán tại thời điểm được cơ quan, người có thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản công tham gia dự án PPP. “Theo phương án tài chính, không thực hiện giao đất, nhà đầu tư chỉ được tính thu hồi vốn trên chí phí đầu tư xây dựng và chi phí quản lý vận hành, sau khi kết thúc vòng đời dự án thì bàn giao lại toàn bộ tài sản cho Nhà nước quản lý, khai thác”, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT, chia sẻ.
|
|
Đà Nẵng tăng thêm 1.320 doanh nghiệp
Tính từ đầu năm đến nay, Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng) đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) cho 1.320 DN, chi nhánh... Tổng vốn điều lệ đăng ký đạt gần 7.000 tỉ đồng. Tỷ trọng vốn bình quân trên 1 DN trong 4 tháng đạt 5,24 tỉ đồng. Về lĩnh vực hoạt động, số lượng DN thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 giảm tất cả ở các ngành, đặc biệt giảm mạnh trong các lĩnh vực hoạt động, như: dịch vụ lưu trú và ăn uống thương mại; kinh doanh bất động sản; giáo dục và đào tạo; hoạt động dịch vụ khác…
Theo Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng, tình hình đăng ký DN từ đầu năm đến nay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, từ ngày 1 - 22.4, cả nước thực hiện giãn cách xã hội nên số lượng DN thành lập mới có sự sụt giảm mạnh. Đây là lần đầu tiên số lượng DN thành lập mới sụt giảm trong 4 tháng đầu năm giai đoạn 2015-2020.
Giải ngân 2.100 tỉ đồng vốn đầu tư công
Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng cho hay, thời gian qua TP đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 2.100 tỉ đồng (tính đến ngày 30.4, đạt 17% kế hoạch giao). Trong đó, nguồn ngân sách T.Ư hỗ trợ có mục tiêu đạt cao, đạt 75% kế hoạch (243 tỉ đồng); tổng thu ngân sách đạt đạt 25,28% dự toán (7.821 tỉ đồng), trong đó thu nội địa đạt 25,13% dự toán (6.745 tỉ đồng).
TP.Đà Nẵng cũng đã thu hút được 13.097 tỉ đồng vốn đầu tư trong và ngoài nước, cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án đầu tư trong nước (tổng vốn 10.815 tỉ đồng, tăng 593% về vốn so với cùng kỳ), cấp mới 43 dự án FDI (vốn đăng ký gần 75 triệu USD).
Bình luận (0)