"Điều đầu tiên mình muốn nhắn nhủ với các bạn là phải nắm vững kiến thức cơ bản, vì những kiến thức này chắc chắn sẽ ra trong đề thi. Vì thế, trước khi muốn giải đề hiệu quả thì hãy nắm vững kiến thức cơ bản", Huệ Như nhắn gửi.
Thủ khoa Trương Huệ Như: Cắm đầu giải đề nhưng điểm vẫn cứ thấp?
Theo thủ khoa Huệ Như, thay vì cứ cố giải đề một cách máy móc, không chú tâm, sai đi sai lại những lỗi rất căn bản, thì hãy dừng lại một chút, ghi chú lại những kiến thức căn bản mà mình nhận thấy trong quá trình giải đề cứ được ra đi ra lại. Khi thi, chỉ cần lướt qua những câu này thì sẽ làm rất nhanh, vì đã nắm rất rõ kiến thức này.
"Thay vì cái gì cũng ôn thì nên ôn những cái nào trọng tâm, đừng cái gì cũng cố nhét vào đầu, như thế sẽ rất áp lực và cũng không thể nào nhớ được hết. Đặc biệt, khi Bộ GD-ĐT đã có đề thi minh họa thì các bạn nên dành thời gian để phân tích xem số lần xuất hiện của các cấu trúc được ra trong đề minh họa. Lúc đó, mình biết được cấu trúc nào xuất hiện nhiều hơn thì mình sẽ ưu tiên ôn trước, vì đề minh họa rất gần với đề thi chính thức của bộ", Huệ Như chia sẻ.
Đồng thời, cô nàng thủ khoa khẳng định chất lượng quan trọng hơn số lượng. Do đó, thay vì cứ cắm đầu giải thật nhiều đề, nhưng giải xong rồi để đó, thì hãy dành một cuốn tập để ghi chú lại những lỗi sai đã mắc phải.
"Trong cuốn tập đó mình chia ra thành 3 cột, một cột là những lỗi sai, cột thứ 2 là cách sửa sai, cột thứ 3 là lý do tại sao lại sai những lỗi như vậy. Riêng đối với cột thứ 3, mình dùng các bút màu khác nhau để highlight các phần lỗi sai. Chẳng hạn, mình dùng bút highlight màu đỏ cho lý do là sai do thiếu kiến thức, màu xanh dương cho lỗi sai do mình nhầm lẫn giữa kiến thức này với kiến thức khác, và màu xanh lá cây cho những lỗi sai do mình ẩu… Như thế mỗi lần mở tập ra, các bạn sẽ thấy được những lỗi sai nào chiếm đa số và sẽ lưu ý những lỗi đó hơn để không bao giờ mắc phải nữa", Huệ Như cặn kẽ chỉ ra.
Một điều mà theo Như cũng rất quan trọng để làm quen với áp lực phòng thi là phải giải đề trong tâm thế như đang đi thi thật. Bên cạnh đó, Như khuyên lúc ở nhà thay vì bấm thời gian làm bài 60 phút như đi thi, thì nên bấm khoảng 45 phút hoặc 30 phút để cố gắng phải làm sao cho thật nhanh, để quen với áp lực và việc áp đảo thời gian, từ đó đến khi vào phòng thi thật sẽ không bị quá áp lực và căng thẳng.
Thí sinh cùng theo dõi các video "Thủ khoa tiếp sức gen Z" trên các nền tảng: Facebook, YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên và tại thanhnien.vn; mỗi ngày 2 lượt phát sóng (sáng: 9 giờ; chiều: 14 giờ).
Đơn vị tài trợ:
Bình luận (0)