Qua chương trình "Thủ khoa tiếp sức gen Z", thủ khoa Trần Ngọc Đoan sẽ chia sẻ với thí sinh (TS) về vấn đề lọc và highlight các thông tin quan trọng trong một câu hỏi để tránh những sai sót về dữ liệu trong đề bài, đặc biệt trong những môn có nhiều câu hỏi dài như: toán, vật lý và hóa học.
Thủ khoa Trần Ngọc Đoan: Mẹo để học và highlight các thông tin quan trọng trong một câu hỏi
"Trong lúc giải đề, các bạn có gặp các trường hợp như việc không lọc đủ các thông tin trích từ đề bài mà cứ loay hoay mãi và không tìm được đáp án? Hay chỉ vì đọc nhầm, đọc thiếu thông tin quan trọng trong đề mà các bạn bị đánh lừa sang một hướng khác hoặc là tìm ra một đáp án không đúng? Mình sẽ chia sẻ một số mẹo nhỏ để giúp các bạn giảm thiểu tối đa những điểm sai này", chàng thủ khoa nói.
Đầu tiên, Đoan cho biết thông tin quan trọng trong đề là những từ khóa, con số sẽ trực tiếp giúp bạn tính toán ra được đáp án cuối cùng. Vậy cách xác định những thông tin quan trọng này như thế nào?
Theo Đoan, trong những môn thi khoa học tự nhiên như toán, vật lý và hóa học thì thông tin quan trọng là những con số trong đề, như: khối lượng chất, vận tốc, thời gian… Còn đối với từ khóa sẽ là những từ hay gặp, như: đồng thời, trước, sau… và nhiều từ khóa khác mà trong quá trình giải đề các bạn sẽ rút ra kinh nghiệm cho mình.
"Tùy vào kiến thức và kinh nghiệm trong việc giải đề mà tốc độ và độ chính xác các bạn khoanh vùng được từ khóa trong đề sẽ khác nhau. Vì thế hãy thực hành thật nhiều để luyện tập cho mình một kỹ năng phản xạ, để nhận diện, khoanh vùng được những ý chính trong đề một cách nhanh và chính xác nhất", Đoan chia sẻ.
Theo Đoan sau khi đã xác định được từ khóa, điều đơn giản nhất để tránh bỏ sót những thông tin đó chính là highlight bằng cách khoanh tròn trực tiếp vào những từ khóa trong đề thi bằng bút chì.
"Như vậy ánh mắt của các bạn sẽ luôn tập trung và dễ tập trung nhất vào những từ đã được khoanh tròn, hơn là việc nhìn vào tổng quát đề với câu hỏi thật dài và cứ đảo mắt đi tìm từ khóa mà không biết từ khóa ở chỗ nào. Như thế dễ dẫn đến việc các bạn bị tiêu tốn nhiều năng lượng hơn cho bộ não, cũng như mất nhiều thời gian hơn để đọc đề và dễ bị nhầm lẫn, hoặc hoảng loạn vì đọc xong đề mà không lọc được ý chính và bắt đầu tiến hành tư duy để tìm ra đáp án", chàng thủ khoa lưu ý.
Đoan cũng cho biết trong các đề hóa học, vật lý sẽ có rất nhiều câu hỏi dài với nhiều chữ và số thì việc khoanh vùng các từ khóa vẫn chưa đủ để các bạn tiến gần hơn đến việc tìm ra đáp án cuối cùng. Chàng thủ khoa cho rằng TS cần thể hiện những dữ liệu ấy trong đề dưới góc nhìn và cách hiểu của các bạn bằng sơ đồ hóa dữ liệu.
"Cách để sơ đồ hóa dữ liệu trong đề thì mỗi người sẽ có một cách khác nhau để thể hiện, không có một quy chuẩn nào để sơ đồ hóa một cách chuẩn chỉnh nhất. Nhưng mình nghĩ cách làm tốt nhất là cách quen thuộc mà các bạn hay thực hiện khi ở nhà; điều đó sẽ làm cho mạch suy nghĩ được lặp lại liền mạch giúp bạn dễ tìm ra đáp án hơn", Đoan nhắn gửi.
Thí sinh cùng theo dõi các video "Thủ khoa tiếp sức gen Z" trên các nền tảng: Facebook, YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên và tại thanhnien.vn. Mỗi ngày 2 lượt phát sóng (sáng: 9 giờ; chiều: 14 giờ).
Đơn vị tài trợ:
Bình luận (0)