trồng quất Những ngày cuối năm âm lịch, các hộ chuyên trồng quất cảnh tại làng quất Cẩm Hà (TP.Hội An, Quảng Nam) càng phập phồng lo trước viễn cảnh nếm “quả đắng” thất thu vụ tết. Năm nay, ông Nguyễn Đức Thành (47 tuổi, thôn Bàu Ốc, xã Cẩm Hà) chỉ dám xuống tay trồng khoảng 150 chậu quất cảnh vì không dám đầu tư nhiều như các năm trước. “15 năm gắn bó với nghề trồng quất cảnh, vụ tết nào tôi cũng đầu tư từ 300 - 500 cây quất với đủ các loại từ nhỏ đến lớn. Nhưng 2 năm nay, dịch diễn biến phức tạp khiến tôi không dám trồng nhiều”, ông Thành nói.
Nhiều hộ chuyên trồng quất cảnh ở xã Cẩm Hà đang bất an với vụ tết |
MẠNH CƯỜNG |
Vài tháng qua, giá phân bón tăng cao cũng khiến nông dân làng quất choáng váng. Nếu bán tống bán tháo hết toàn bộ 150 chậu quất này vào dịp tết với giá dao động từ 500.000 - 800.000 đồng/chậu, với ông Thành khoản tiền thu về cũng chỉ đủ bù chi phí cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu.
“Mỏi mắt” chờ thương lái
Theo ông Thành, ứng với thời điểm này các năm trước, toàn bộ quất cảnh của nông dân Cẩm Hà đã được thương lái chốt mua toàn bộ để đưa đi tiêu thụ. “Còn hiện tại, hàng vạn chậu quất cảnh ngả màu vàng rực vẫn đang “chôn chân” tại vườn. Năm nay người trồng quất cảnh lại lo mất tết”, ông Thành buồn bã.
Ông Nguyễn Luyến chăm sóc cho quất cảnh |
Mấy hôm nay, ông Nguyễn Luyến (58 tuổi, thôn Bầu Ốc) như đang ngồi trên đống lửa. Vườn quất 500 chậu trong khu vườn rộng hơn 1 ha của ông đang ngả sang màu vàng chín nhưng vẫn chưa có thương lái nào tìm đến đặt mua. Theo ông Luyến, thường niên chừng đầu tháng 11 âm lịch, thương lái từ khắp các nơi như Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế… đã đổ xô đến làng quất. Năm nay, mãi đến giờ các hộ trồng quất như ông vẫn đang “mỏi mắt” chờ thương lái. “Thời điểm này năm ngoái, gia đình tôi đã chốt xong cả vườn quất với hơn 700 chậu cho thương lái, chỉ chờ tới thời điểm cận tết là họ đưa xe ra vận chuyển. Nhưng bây giờ vẫn chưa thấy rục rịch gì. Người dân cũng đã chuẩn bị “tâm thế” để quất… rụng vàng cả vườn nếu lâm vào cảnh vướng dịch, buộc phải phong tỏa”, ông Luyến nói.
Ông Nguyễn Thành Được, Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, cho hay toàn xã có hơn 500 hộ dân chuyên trồng quất cảnh và bán vào dịp Tết Nguyên đán. Vụ quất Tết nguyên đán 2022, cả xã dự kiến xuất bán 45.000 chậu, có giảm 20.000 chậu so với năm ngoái. “Giảm là vì bà con nông dân e ngại trước tình hình dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ. Quả thật, đây là vụ quất tết quá nhiều khó khăn. Việc giảm sản lượng cộng với chi phí phân bón tăng, giá bán dự kiến lại thấp… sẽ ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người dân”, ông Được nói.
Bình luận (0)