'Thủ phủ' quýt hồng điêu đứng vì cây chết

Trần Ngọc
Trần Ngọc
24/12/2019 00:00 GMT+7

Bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi đã gây thiệt hại nặng nề cho nhà vườn H.Lai Vung (Đồng Tháp).

Tính từ khi dịch bệnh xảy ra vào năm 2017 đến cuối tháng 11.2019, toàn huyện có gần 4.839/5.372 ha cam, quýt bị nhiễm bệnh; trong đó người dân đã đốn bỏ gần 366 ha quýt hồng, 653 ha quýt đường và hơn 500 ha cam.

Nông dân thiệt hại nặng

Lai Vung được xem là “thủ phủ” quýt hồng của miền Tây nhưng bệnh vàng lá thối rễ gây hại khiến diện tích loại cây này giảm nhanh chóng. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT H.Lai Vung, năm 2018 toàn huyện có hơn
830 ha quýt hồng thì đến nay chỉ còn hơn 600 ha, trong đó diện tích đang cho trái 200 ha. Ông Đoàn Anh Kiệt (58 tuổi, ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu) có 6 công quýt hồng trồng được gần 20 năm tuổi, lo lắng: “Hằng năm, 6 công quýt của tôi thu hoạch khoảng 25 tấn nhưng năm nay do dịch bệnh nên năng suất ước chỉ còn khoảng 12 tấn. Dịch bệnh lan rộng như thế này tôi sợ vài năm tới địa phương không còn quýt hồng”.
Ông Cao Văn Bé có hơn 30 năm kinh nghiệm trồng quýt ở ấp Tân Hưng, xã Tân Thành, cho biết: “Chưa năm nào cam, quýt chết nhiều như năm nay”. “Tôi trồng hơn 10 công quýt đường nhưng cây bị bệnh chết phải “đứt ruột” đốn bỏ hơn 2 công. Nợ vay 100 triệu đồng của ngân hàng đầu tư vào vườn quýt không biết bao giờ mới trả nổi”, ông Bé than thở.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Thành Nguyên (ấp Tân Hưng, xã Tân Thành) trồng hơn 140 công quýt đường, quýt hồng và cam sành, trong đó có 100 công đang cho trái với sản lượng khoảng 500 - 600 tấn. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, vườn cây của anh bị bệnh vàng lá thối rễ rồi chết dần. Đến nay, anh đã đốn bỏ 86 công cam, quýt để chuyển sang trồng các loại cây ăn trái khác như mít, chuối, mận, sầu riêng... “Cây bệnh rồi chết rất nhanh. Hôm nay đang có trái tươi tốt thì hôm sau bị héo rũ lá rồi vài ngày sau chết hẳn nên nhà vườn gọi là cây bị “đột quỵ”. Mỗi công cam, quýt phải đầu tư vài trăm triệu, sau 3 năm mới thu hoạch trái nhưng có người chưa thu hoạch được vụ nào thì cây đã chết, coi như mất trắng vốn”, anh Nguyên xót xa.
'Thủ phủ' quýt hồng điêu đứng vì cây chết1

Nhiều nhà vườn phải đốn bỏ cam, quýt do bệnh vàng lá thối rễ

Không công bố dịch do sản xuất không theo khuyến cáo ?!

Tại kỳ họp lần thứ 13 của HĐND tỉnh Đồng Tháp diễn ra mới đây, ông Nguyễn Phước Thiện, Phó giám đốc phụ trách điều hành Sở NN-PTNT Đồng Tháp, thông tin tỉnh này đã phối hợp các nhà khoa học trong và ngoài nước tổ chức nghiên cứu tìm nguyên nhân và giải pháp phòng trị bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi tại H.Lai Vung. Theo đó, nguyên nhân chính là các nhà vườn trồng cam quýt đã bón quá nhiều phân hóa học mà không bón phân hữu cơ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Đồng thời, do tập quán người dân hằng năm sử dụng đất đắp lên gốc cây nhưng nguồn đất có chứa các kim loại nặng phát sinh vi khuẩn gây hại làm thối rễ, khiến cây mất sức dẫn đến bệnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo và tập huấn để đưa ra giải pháp giúp nhà vườn điều trị. Trong đó, ngành nông nghiệp đang triển khai 5 mô hình điều trị thí điểm bệnh vàng lá thối rễ tại 5 nhà vườn ở H.Lai Vung. Tuy nhiên, theo ông Thiện, việc nghiên cứu điều trị bệnh này trong vòng 3 năm mới cho kết quả chính thức nên nhiều người lo ngại đến khi có quy trình chính thức thì diện tích quýt hồng của H.Lai Vung sẽ không còn.
Theo ông Thiện, sở dĩ ngành nông nghiệp thời gian qua không tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Tháp công bố dịch để hỗ trợ người dân là bởi người dân không sản xuất theo quy trình khuyến cáo của ngành chuyên môn, làm phát sinh vi khuẩn gây bệnh. Cho nên, căn cứ theo quy định của luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật và Nghị định 116 năm 2014 của Chính phủ quy định về điều kiện công bố dịch thì không thể gọi đó là dịch.
Khan hiếm quýt dịp tết
Do diện tích giảm nên sản lượng quýt hồng thu hoạch dịp tết 2020 cũng giảm sâu, ước sản lượng khoảng 4.000 tấn, giảm trên 16.000 tấn so với tết 2019. Nhiều người dự đoán tình trạng khan hiếm quýt hồng Lai Vung trên thị trường tết sắp tới là khó tránh khỏi. Anh Đỗ Thanh Dự (ngụ ấp Tân Hưng, xã Tân Thành) cho hay: “Hôm rồi, bên rạch Cán Cờ, xã Long Hậu đã có vườn kêu giá với thương lái 42.000 đồng/kg, sắp tới có thể cao hơn. Với giá bán tại vườn như thế, cộng thêm chi phí vận chuyển thì giá đến tay người tiêu dùng sẽ rất cao”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.