Thứ sáu ngày 13 đen tối

19/11/2015 04:57 GMT+7

Vào đêm 13.11.2015 Paris hoa lệ bị tấn công bởi sáu vụ nổ bom và súng kinh hoàng.

Vào đêm 13.11.2015 Paris hoa lệ bị tấn công bởi sáu vụ nổ bom và súng kinh hoàng. 

Cảnh sát đang giải thích cho du khách về chiếc xe đạp nghi vấnCảnh sát đang giải thích cho du khách về chiếc xe đạp nghi vấn
Cả sáu vụ này chỉ xảy ra cách nhau vài phút đồng hồ, rõ ràng đã được một bàn tay đen đạo diễn. Lại một Thứ sáu ngày 13 đen tối. Hơn 120 người đã chết oan uổng.
Sáng thứ bảy ngày 14.11.2015, tôi thức giấc ở khu nhà vườn tại làng Thanh (Văn Lâm, Hưng Yên), thư giãn bằng một đĩa nhạc của Mozart và sau đó thong thả tưới hoa, cây cảnh trồng trên sân thượng. Vừa lúc đó, chồng tôi, Vaclav chạy lên sân thượng tìm tôi với nét mặt rất lạ. Tôi dừng tưới cây và nhìn anh.
- Em có tưởng tượng được chuyện gì xảy ra đêm qua không?
- Anh lại gặp ác mộng à? - Tôi hỏi.
- Không phải ác mộng trong giấc ngủ của anh. Mà là thảm họa thực sự ở Paris. Tụi khủng bố đêm qua thực hiện một chuỗi tấn công, hơn trăm người chết. Kinh hoàng nhất là vụ chúng giết người tại buổi hòa nhạc trong City Hall. Tụi nó đóng cửa phòng hòa nhạc, và từ trên cao xả súng, ném lựu đạn xuống thính giả. Ôi, thế giới này điên thật rồi!
Thứ sáu ngày 13 đen tối 2Chiếc xe đạp bị cảnh sát nghi ngờ trong hộp đựng đồ có chứa bom
Tôi rùng mình. Cách nay đúng một tháng, vào ngày 13.10.2015, vợ chồng tôi đã có mặt tại Paris, vui vẻ tận hưởng Paris, thán phục đi trên những đường phố lộng lẫy nhộn nhịp của Paris mà không thể ngờ rằng, chỉ một tháng sau, chính những nơi chúng tôi đặt chân tới, sẽ xảy ra thảm họa chấn động. Nếu bữa đó chồng tôi không bị cảm lạnh, có lẽ chúng tôi cũng đã thưởng thức hòa nhạc Mozart ở City Hall rồi. Chồng tôi bảo, như có một linh tính nào đó, tối hôm qua anh đã định gửi mail cho dịch vụ du lịch Paris, cảm ơn họ đã tổ chức cho chúng ta chuyến du lịch ấn tượng tại kinh đô hoa lệ này. Thế rồi vì bận họp trực tuyến với Praha, nên anh đã để việc đó lại sau. Thảm họa đã xảy ra, và bây giờ, tin mới nhất truyền thông đưa ra: ít nhất 129 người thiệt mạng. Tôi tự hỏi người hướng dẫn viên du lịch xinh đẹp và thanh lịch ở Paris mà chúng tôi gọi cô là Mademoiselle Umbrella (cô hay giương cái ô màu xanh da trời lên cao để chúng tôi nhận ra cô giữa phố xá Paris đông đúc) hôm nay ra sao rồi...
Tôi mừng vì mình đã chạy thoát khỏi Paris và giờ thì tôi đang ngồi uống cà phê một cách an toàn ở làng Thanh. Nhưng ngay sau ý nghĩ đó, tôi cũng thấy mình có lỗi.
Paris không yên ổn chút nào. Ngay khi đặt chân tới Paris vào 8 giờ sáng 13.10.2015, trời còn tối mờ vì lạnh, tôi thấy những công trường ngoài trời vẫn chưa có bóng dáng công nhân làm việc. Nhưng chỉ chừng một tiếng sau thì Paris thức dậy, đầy âu lo với tiếng còi ủ xe cảnh sát liên tục xói vào tai tôi, đồng phục cảnh sát đầy trên phố. Cộng thêm vào sự ầm ĩ bất an ấy là tiếng còi xe cứu thương vang vọng sông Seine. Đâu đâu tôi cũng va vào cảnh sát và lực lượng an ninh. Thậm chí khi tôi đưa ống kính chụp hình mấy anh cảnh sát ở chân tháp Eiffel cũng bị các anh này phát hiện ra, nghiêm mặt tới gần, yêu cầu tôi xóa ngay hình vừa chụp các anh trong máy ảnh. Tôi hơi tự ái và nghĩ tới những anh cảnh sát đáng yêu ở Praha (Cộng hòa Czech), khi tôi chụp hình, các anh còn mỉm cười trước ống kính để hình thêm đẹp. Dù sao thì Praha yên bình và an toàn hơn, ít gặp cảnh sát và không bị đau tai vì còi xe cảnh sát như ở Paris.
Paris không yên ổn chút nào. Vào ngày 14.10 ấy, vợ chồng tôi đi thăm nhà thờ Đức Bà Paris. Vừa đến trước cửa nhà thờ, tôi lại va phải cảnh sát. Một anh cảnh sát nghiêm mặt yêu cầu tôi tránh khỏi khu vực phía bên phải mặt tiền nhà thờ mà tôi thì đang muốn chụp ảnh toàn cảnh.
- Em không thích cảnh sát Paris - Tôi bực bội nói với chồng.
Chồng tôi, cũng từng là một cảnh sát quốc gia Tiệp Khắc (cũ), giải thích hộ những đồng nghiệp Pháp:
- Họ chỉ làm công việc của mình và bảo vệ sự an toàn cho em thôi - Anh vung tay chỉ vào chân cột điện phía bên phải nhà thờ - Em nhìn cái xe đạp dựa cột điện kia, cảnh sát đang nghi trong hộp đựng đồ của xe đạp có chứa bom.
Tôi giật mình lùi lại và nhìn kỹ. Tuy là một nhà báo nhưng tôi vẫn thua con mắt quan sát chuyên nghiệp của một cảnh sát quốc gia như anh. Quả vậy, chiếc xe đạp nhỏ khung màu đỏ dựng nơi cột biển báo phía trước nhà thờ Đức Bà đang là đối tượng nghi vấn của cảnh sát. Gần chục cảnh sát đứng quanh khu vực đó, nghiêm khắc yêu cầu du khách không lại gần. Một xe cảnh sát đã đậu ngay đường phố gần đó, với những phương tiện tối tân chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất.
Xác định được tình hình bất thường, máu nghề nổi lên, tôi lại gần phía cái xe đạp nghi vấn để chụp ảnh.
- Em không nên lại gần đó - chồng tôi cảnh báo - Nếu có bom thật ở xe đạp thì sao? Biết thế là đủ rồi. Việc chính của chúng ta bây giờ là tham quan nhà thờ.
Anh nói đúng. Và tôi đã bị vẻ diễm lệ của nhà thờ Đức Bà thu hút, quên hẳn cái xe đạp nghi vấn có cài bom kia. Hai tiếng đồng hồ sau, ra khỏi nhà thờ, lúc đó chồng tôi bảo:
- Em nhìn kìa, cảnh sát đã tìm ra chủ nhân của xe đạp. Không có bom.
Lúc đó, tôi mới nhớ ra và nhìn về phía cột biển báo phía trước nhà thờ. Hai cảnh sát đang nói gì đó với một thanh niên, là chủ chiếc xe đạp, sau đó anh thanh niên tiến lại xe cảnh sát, ký giấy tờ rồi trở lại mở khóa xe, lên xe phóng đi. Tôi thở phào nhẹ nhõm, không có bom.
Nhưng Paris không hề yên ổn chút nào. Paris quá đẹp, quá hoa lệ và người ta sẽ không để cho nàng yên. Và trong cái rủi, có cái may, đó là vào thứ sáu ngày 13 đen tối ấy tụi khủng bố không nhằm vào những nơi tuyệt đẹp và nổi tiếng như nhà thờ Đức Bà Paris, bảo tàng Louvre, cung điện Versailles, tháp Eiffei, lâu đài Fontainebleau, lâu đài Vicomte… nơi bàn tay và khối óc con người có thể tạo nên những tác phẩm kiến trúc và nghệ thuật phi thường, khó có thể lặp lại.
Sau nhiều sự cố và khủng hoảng liên quan, Pháp tăng cường an ninh ở biên giới, Đức đóng cửa biên giới, Áo cũng vậy. Liệu rồi Hiệp ước Schengen với quyền đi lại tự do trong khu vực có sụp đổ? Cửa biên giới rồi sẽ lại khóa chặt, nhưng đã muộn mất rồi. Paris đã đổ máu. Trái tim Pháp tổn thương.
Liệu Paris có đang phải trả giá đầu tiên cho những sai lầm trong quyết định về chính sách nhập cư của châu Âu? Những tấm biển mà dòng người đau buồn trên phố dâng cao, trên đó vẽ vội hình ảnh tháp Eiffel, với dòng chữ “Pray for Paris” (nguyện cầu cho Paris) khiến thế giới trào nước mắt. Ôi Paris, không lời nào có thể diễn tả nổi nỗi đau này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.