Đây cũng là dịp ra mắt tập di cảo thứ 5 của ông vừa do gia đình kết hợp NXB Văn nghệ ấn hành tháng 9.2007, đồng thời giới thiệu 16 bức ảnh do người cháu sống chung nhà với thi sĩ nhiều năm là anh Thanh Hoài chụp.
Trong số ảnh này, có bức chụp Bùi Giáng đang ngồi ngoài sân, trên một chiếc võng mắc giữa hai thân cây, bên cạnh đặt một cái bàn nhỏ, trên để một cái đĩa, một cái bát, một chai xì dầu và cười một mình. Ông thường ngồi ở đó trước khi qua đời. Theo anh Thanh Hoài, phần lớn thời gian trong ngày ông không ở trong nhà, chỉ thích nằm ngoài trời đu đưa võng, lặng lẽ làm thơ, uống rượu dưới bóng cây kia. Có bức chụp ông đang nhìn lên, dường như thay lời chào một người khách nào đó trong "cõi người ta" mới đến, trên tay ông cầm một chai nhựa trong suốt. Thường thì khách hay hỏi đại khái: "Thưa thi sĩ trung niên, người đang uống nước suối à?". Và cũng sẽ thường nghe Bùi Giáng đáp lại: "Bậy nà! Nước nôi chi! Rượu đó em! Anh uống đây cho cạn cả mưa nguồn. Tường Vi ạ, chứ em hài lòng chưa?". Nói rồi thi sĩ cười ha hả. Vẫn với cái cười sảng khoái nở tươi dưới mái tóc bạc, thi sĩ bắt đầu câu chuyện mênh mang từ Thúy Kiều, Thúy Vân của cụ Nguyễn Du xứ ta qua "ngộ nhận" của Albert Camus hoặc "mùi hương xuân sắc" của Gérard de Nerval ở trời Tây. Có thể cuộc đối thoại lại trôi qua những "mùa màng tháng tư" đến "sương tỳ hải", rồi cuối cùng sẽ có vài câu hoặc một tràng thơ ứng khẩu tuôn ra tặng khách.
|
Vì họa thơ thì phải tuyệt đối tuân theo phép họa. Hơn nữa từ xưa tới nay, thật tôi chẳng biết họa thơ - xin chị hiểu cho chỗ đó". Nhưng khi bà Quế về rồi, ông giở các tập Tuyết miền viễn xứ , Mây trắng đường về, Giọt nước cành sen, Đường lên đỉnh biếc của bà ra đọc và hốt nhiên ông rung động hội nhập vào dòng thơ ấy. Từ đó, ông cầm bút ngâm nga vịnh họa thơ bà Ngọc Quế một cách say sưa và miên man như gặp được một hồn thơ tri kỷ. Ví dụ Ngọc Quế làm: Muốn viết bài thơ lên khói trắng. Để thơ theo khói tỏa muôn trùng - Bùi Giáng vịnh: Bài thơ muốn viết lên sương. Lên mây lên gió lên đường khói bay. Ông gọi bà Ngọc Quế là "thượng thừa nữ vương thi ca". Có lúc quá ưu ái thơ bà, Bùi Giáng đột nhiên "bứt phá" vẽ một vài bức họa, hoặc viết đôi dòng ca ngợi nữ vương và bảo bà là người mang: "một linh hồn vô tận để đi về, sẽ nói với mai sau của Đông Phương - Tây Phương một cái gì mà toàn thể địa cầu dường như đã đánh mất". Bà Ngọc Quế qua đời ngày 21.5 âm lịch (Đinh Hợi - 2007) tại TP.HCM.
Hơn mười năm trước, Bùi Giáng nhận định: "Nữ sĩ Thân Thị Ngọc Quế có nhiều câu thơ không thể "họa vào đâu nữa", như hai câu: Tôi ngỡ ngàng đến nơi đây - Rồi vô tình cũng phương này ra đi...". Những chi tiết ấy hoàn toàn xác thực do gia đình ghi nhận cũng như do chính ông viết trong lời tựa cuốn Tuyết băng vô tận xứ (là di cảo thứ tư xuất bản lần đầu cách đây hai năm), rằng: "Càng đọc thơ chị nhiều tôi càng thấy rõ một cái gì không thể nào nói được. Có lẽ xưa kia tôi đã từng linh cảm: Én đầu xuân tuyết đầu đông - Rừng cô tịch ngóng nội đồng trổ hoa. Những bài thơ chị viết toàn nhiên là giải tỏa, hồn nhiên xác định cái đó. Là cái tâm vô tận bao dung của chị...".
Số thơ ông vịnh họa những thi phẩm của bà Ngọc Quế (chưa xuất bản) vừa được tiếp tục in thành tập di cảo thơ thứ 5 đã nói ở trên, gồm hơn 140 bài, 210 trang, mở đầu bằng mấy dòng Bùi Giáng viết gửi bà Ngọc Quế, rất trân trọng: "Đọc thơ chị 3 năm nay (1994-1997) tôi cảm động hết sức, và nhận thấy càng ngày tôi càng thanh thản, tâm hồn càng bình yên... Xin hết lòng cảm ơn, tri ân chị".
Dường như giữa tác giả và người vịnh họa đã âm thầm nảy nở một mối tình thơ thanh khiết. Có phải vì thế mà một số bức ảnh chụp những năm tháng ấy cho thấy một thi sĩ Bùi Giáng luôn nở nụ cười giữa buổi hoàng hôn đời mình?
Giao Hưởng
Bình luận (0)