Thanh Niên từng có bài viết của tác giả Thục Minh về chuyện phong bì mừng đám cưới ở Singapore gần như có hẳn luật bất thành văn về “sức nặng”. Còn chuyện phong bì cưới ở Việt Nam?
Lời chút ít
“Khảo sát” một vòng nhiều người quen vừa tổ chức tiệc cưới ở Hà Nội hoặc TP.HCM thì tiền mừng trên mỗi đầu khách (thông thường) dự tiệc khoảng 200 - 300 ngàn đồng.
Chú rể H.H, 29 tuổi, mới đây đãi tiệc cưới ở nhà hàng Hoa Sứ 2 (khách sạn Đệ Nhất, Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết giá mỗi bàn tiệc là 3 triệu đồng/10 người, chưa kể tiền nước uống (khoảng 400 - 500 ngàn đồng/bàn) và một số chi phí kèm theo khác. Đồng nghiệp của chú rể, những nhân viên văn phòng có thu nhập vừa phải, đa số bỏ phong bì 200 - 300 ngàn đồng/người, trong khi đó tiền mừng của lãnh đạo công ty khoảng từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/người, nên “tính tổng cộng thì chỉ thâm hụt chút ít, không đáng kể”, H. vui vẻ nói. Ngược lại, bữa tiệc tổ chức ở quê cô dâu tại Biên Hòa, Đồng Nai với chi phí ít hơn, trong khi đó bố mẹ cô dâu lại có quan hệ làm ăn rất rộng, nên “tiền mừng nhiều, có lãi là chuyện đương nhiên”, H. phấn khởi tiết lộ thêm.
Cùng cảnh tổ chức tiệc cưới hai nơi, anh T.Đ.K lại có một cách tiết kiệm chi phí khác. Đối với những người khách có điều kiện đi xa và nhiệt tình, anh K. tổ chức đưa hết về quê ở thị xã Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để đãi tiệc. “Mình chỉ thuê một xe 50 chỗ ngồi, còn lại là xe của bạn bè cho mượn. Ở quê đặt tiệc trọn gói, người ta nấu xong mang đến tận nhà, cho cả người đến giúp mình dọn bàn đãi khách, tính ra chỉ khoảng 1,3 triệu đồng/bàn, thêm tiền bia - nước ngọt khoảng 250 ngàn đồng/bàn. Khách ở quê đa số bỏ phong bì khoảng 100 ngàn đồng/người, ít hơn so với khách từ TP.HCM về, nhưng cuối cùng tính ra bọn mình vẫn... có lãi chút ít”.
Cũng có 0 đồng!
Cách đây ít lâu, tại một tiệm gội đầu nằm trong con hẻm nhỏ ở P.15, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) tôi cứ chần chừ không muốn tin khi nghe chị chủ tiệm kể chuyện đám cưới con gái chị hồi năm ngoái: nhận được hai cái phong bì đều chỉ có 10 ngàn đồng! Hỏi đó có phải là phong bì do chủ nhân bữa tiệc phát ra, chị lắc đầu, nói bì thư thông thường. Người gửi là ai, cả nhà cũng không biết. Lúc đó, tôi cứ cho rằng chắc bạn bè đùa nghịch với cô dâu - chú rể. Chỉ khi một số người quen xác nhận những trường hợp như vậy không phải hiếm, thậm chí có đám cưới đãi tiệc ở khách sạn năm sao còn nhận được vài cái bì thư... trống trơn, thì tôi mới tin có nhiều người đến đám cưới để “ăn chùa”!...
Số tiền mà khách có mặt dự tiệc so với khách vắng mặt nhưng gửi tiền mừng là khác nhau. Chị M.T (TP.HCM) cho hay nếu chị đi dự tiệc thì bỏ phong bì khoảng 300 - 400 ngàn đồng/lần, nhưng nếu gửi người khác thì chỉ 200 ngàn đồng. Chị nói: “Gửi ít hơn không phải vì mình nghĩ mình... đâu có ăn gì, mà vì quan hệ chẳng thân thiết lắm nên mình mới không tới dự. 200 ngàn đồng là vừa phải”.
Theo cách nghĩ của số đông, tiền mừng cho cô dâu chú rể không căn cứ vào nơi chốn đãi tiệc, không dựa vào... thực đơn, mà chủ yếu dựa vào mối quan hệ thân - sơ để tăng - giảm số tiền. Đương nhiên, buổi tiệc cưới nào cũng đủ thành phần khách, nên nếu chủ nhân không có “ý đồ vượt trội” - khoản đãi ở những khách sạn hay nhà hàng tính bằng USD/khách thì cũng không đến nỗi... nhăn mặt nhíu mày. Còn nếu có điều kiện đãi tiệc ở những nơi này thì đã xác định vui vẻ là chính, bởi “cưới xin là chuyện cả đời người, ai lại đi tính toán chuyện lỗ lời”, chú rể “mới toanh” H.H hóm hỉnh nói.
Chi phí đãi tiệc cưới tại một số khách sạn tại TP.HCM (tính đến cuối tháng 9.2009) N.Lịch (tổng hợp) |
Tiểu Kiên
Bình luận (0)