Chiều 6.1, thảo luận tại tổ về về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau 20 năm khởi động làm đường cao tốc, tới nay chúng ta mới làm được hơn 1.000 km.
"Như vậy mỗi năm mình làm chưa được 50 km", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thảo luận tại tổ chiều 6.1 |
gia hân |
Thủ tướng cho biết Chính phủ đang cho tổng kết lại một cách nghiêm túc để xem nguyên nhân vì sao, do chủ trương, chính sách, cơ chế hay tổ chức thực hiện. "Theo Nghị quyết Đại hội XIII là đến năm 2025, phải cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông", Thủ tướng nói.
Từ đó, Thủ tướng cho rằng Chính phủ đang xem lại cách tổ chức thực hiện, tháo gỡ chính sách, thể chế thế nào để từ đó đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm ngân sách và đảm bảo chất lượng, chống tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, tham ô tham nhũng. "Đó là những yêu cầu hết sức quan trọng, đặt ra", theo Thủ tướng.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương (5.1 vừa qua), vấn đề nổi lên chính là phân cấp, phân quyền.
"Trong phân cấp phân quyền thì có nhiều vấn đề như giao thông, chuyển đổi đất lúa, đất rừng... Tất nhiên, những đề nghị đó phải tiếp tục rà soát, song chủ trương của Chính phủ là cố gắng phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng kiểm tra, giám sát cùng với bố trí nguồn lực, đào tạo nhân lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ", Thủ tướng phân tích, đồng thời đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu vấn đề này.
Thủ tướng cũng cho biết vừa qua có đại biểu nêu ý kiến băn khoăn với một số nội dung về chính sách đặc thù trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế mà Chính phủ vừa trình ra, tuy nhiên băn khoăn như thế để tìm đường ra, tìm nhiệm vụ giải pháp cho phù hợp để thúc đẩy, chứ không phải "băn khoăn rồi mình ngại mình thôi". "Ý các đồng chí nói tôi cũng hiểu", ông nói.
Theo Thủ tướng, ví dụ như Bộ GTVT mỗi năm được giao 40.000 tỉ làm các dự án quan trọng quốc gia và các dự án khác "thì các đồng chí thấy rồi, cũng ì ạch lắm". Do đó, giờ giao thêm mỗi năm 50.000 tỉ nữa thì khối lượng công việc là gấp đôi, trong khi nhân lực và thời gian chỉ có thế.
Do đó, theo Thủ tướng, ngoài chủ trương cho tăng bội chi, cho tăng nợ công, nợ Chính phủ, muốn tiêu được đồng tiền này thì phải có thêm một số cơ chế chính sách khác, và mong là Quốc hội ủng hộ "cho nó nhanh".
"Trong quá trình đó vừa phải làm nhanh nhưng phải có chất lượng, và phải chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí", Thủ tướng nói.
Xin Quốc hội 3 chính sách đặc thù hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế
Trong tờ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Chương trình), Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng 3 chính sách đặc thù đối với các dự án đầu tư công.
Cụ thể, thí điểm áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; chỉ định thầu xây lắp kèm theo yêu cầu tiết kiệm khoảng 5% dự toán giá trị gói thầu để đẩy nhanh công tác đấu thầu và có thể lựa chọn được các nhà thầu tốt, nhất là các nhà thầu mạnh.
Thứ hai, cho phép chủ đầu tư được khai thác các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng dự án làm vật liệu xây dựng thông thường (nhằm thực hiện dự án), không phải thực hiện thủ tục cấp phép.
Thứ ba, phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn vốn cho UBND cấp tỉnh của một số địa phương có năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các đoạn tuyến/dự án đường cao tốc đi qua địa bàn theo hình thức đầu tư công; Bộ GTVT thực hiện các đoạn tuyến/dự án còn lại theo quy định.
Bình luận (0)