Thủ tướng chỉ đạo xem xét tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường

15/11/2017 19:56 GMT+7

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ NN-PTNT về việc nghiên cứu, xử lý thông tin các báo nêu xung quanh vấn đề ngành mía đường trong nước gặp khó trước Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực vào đầu năm 2018.

Theo đó, công văn nêu rõ, từ đầu tháng 11, Báo Thanh Niên và báo Nông nghiệp Việt Nam có đăng loạt bài viết về thực trạng ngành mía đường Việt Nam, số phận hàng vạn nông dân có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đường giá rẻ của Thái Lan tràn vào khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 tới. Bộ NN-PTNT cần nghiên cứu, xem xét và có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, đảm bảo ổn định an sinh xã hội và cuộc sống của người dân trồng mía.
Trước đó, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), tuy bước vào mùa vụ sản xuất mới 2017 - 2018, nhưng lượng đường sản xuất ra khoảng 10.000 tấn của doanh nghiệp trong nước không bán được hàng, phải đưa vào kho trữ. Lượng đường tồn kho hồi giữa năm trên 555.000 tấn vừa mới giảm xuống còn hơn 300.000 tấn nay bắt đầu tăng trở lại.
Nguyên do được lý giải do tâm lý các doanh nghiệp không mua đường trữ, chờ đến 2018, thời điểm Việt Nam chính thức thực hiện lộ trình Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), không còn bị áp hạn ngạch nhập khẩu, thuế suất về mức 5%.... theo đó, đường giá rẻ từ ASEAN mà cụ thể là Thái Lan sẽ tràn vào Việt Nam. Thực tế, không chờ đến năm 2018, ngành mía đường Việt Nam mấy năm qua luôn đối diện khó khăn vì đường ngoại, đặc biệt là đường nhập lậu.
Cuối tháng 10 vừa qua, VSSA cũng đã có văn bản cầu cứu Chính phủ cho lùi thời gian thực hiện cam kết ATIGA đến năm 2022 hoặc ít nhất cũng kéo dài đến năm 2020. Bên cạnh đó, hạn ngạch nhập khẩu đường tiếp tục tăng lên 10% so với mức 5% của năm 2017.

tin liên quan

Đường tồn kho tăng trở lại
Vừa vào vụ sản xuất, đường lại tồn kho thêm 10.000 tấn dù thời điểm này đang vào mùa tiêu thụ đường để sản xuất bánh kẹo phục vụ tết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.