Tại cuộc tiếp, ông Sultan Al-Marshad, Giám đốc điều hành Quỹ phát triển Ả Rập Xê Út (SFD), đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa để quỹ hoạt động hiệu quả và cam kết sẽ dành nguồn lực nhiều hơn nữa cho các dự án tại Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá cao việc SFD đã cấp vốn vay ưu đãi cho hơn 10 dự án ODA của Việt Nam với tổng số vốn 165 triệu USD. Nguồn vốn vay từ SFD có ý nghĩa quan trọng với các dự án và địa phương thụ hưởng, giúp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống người dân ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn của Việt Nam.
Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về phát triển hạ tầng giao thông đường sắt, cao tốc, nên cần vay lượng vốn lớn. Chẳng hạn, một dự án giao thông, cao tốc cần vốn 5 - 10 tỉ USD. Vì thế, Thủ tướng đề nghị SFD tăng cấp vốn và điều chỉnh điều kiện vay theo hướng ưu đãi hơn với Việt Nam.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng, ông Yasir Al-Rumayyan, Thống đốc Quỹ đầu tư công Ả Rập Xê Út (PIF), cho biết hiện nay PIF đã đầu tư 160 triệu USD vào Việt Nam thông qua hình thức gián tiếp.
Ông Yasir Al-Rumayyan cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa để quỹ hoạt động hiệu quả tại Việt Nam và cam kết sẽ dành nguồn lực nhiều hơn cho các dự án lớn hơn tại Việt Nam để phát triển hạ tầng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Ả Rập Xê Út thời gian qua đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ, tuy vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng.
Để tạo đột phá cho hợp tác về đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị quỹ mở rộng và đa dạng hóa hoạt động đầu tư dưới các hình thức trực tiếp, gián tiếp, hợp tác nhiều bên... vào các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên. Trong đó có chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, công nghiệp, du lịch, công nghiệp Halal...
Đặc biệt là đầu tư vào hạ tầng giao thông như đường sắt, đường kết nối liên vùng, đô thị và chống biến đổi khí hậu nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, tăng cường nguồn vốn nhiều hơn vào các lĩnh vực này của Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị Việt Nam và Ả Rập Xê Út nghiên cứu thành lập quỹ đầu tư chung để thực hiện các dự án đầu tư tại mỗi nước. Đây là mô hình hợp tác đầu tư đã được triển khai thành công giữa Việt Nam và Oman, cũng như giữa Ả Rập Xê Út và một số nước trên thế giới.
Cùng với đó là tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan phụ trách đầu tư của hai nước, đặc biệt trong việc chia sẻ thông tin, chính sách, giới thiệu cơ hội đầu tư tại các dự án tiềm năng tại mỗi nước và tăng cường hợp tác xúc tiến đầu tư tại Việt Nam.
Nhân dịp này, Thủ tướng trân trọng mời ông Yasser Al- Rumayyan và ban lãnh đạo PIF sớm sang thăm Việt Nam để khảo sát thị trường, tìm hiểu cơ hội, kết nối, trao đổi cụ thể với các đối tác Việt Nam về khả năng hợp tác đầu tư.
Quỹ phát triển Ả Rập Xê Út là quỹ quốc gia do Chính phủ Ả Rập Xê Út thành lập nhằm cung cấp vốn hỗ trợ phát triển cho các nước đang phát triển. Kể từ năm 2010, Việt Nam đã vay vốn của quỹ cho 12 dự án, trị giá trên 165 triệu USD.
Quỹ Đầu tư công Ả Rập Xê Út (PIF) được thành lập năm 1971, với nhiệm vụ thành lập và quản lý các công ty hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng. Hiện số vốn của quỹ ước tính lên tới 620 tỉ USD. PIF hiện là một trong 10 quỹ đầu tư công lớn nhất thế giới.
PIF hiện là cơ quan đầu tư và giám sát việc triển khai các siêu dự án của Ả Rập Xê Út như dự án phát triển khu vực Biển Đỏ, dự án thành phố thông minh NEOM... Trên bình diện quốc tế, PIF đã đầu tư vào các khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, Mỹ Latinh, châu Phi..., trên các lĩnh vực y tế, công nghệ, bất động sản, cơ sở hạ tầng, dịch vụ... PIF đang nắm giữ cổ phần tại nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Softbank, Uber, Blackstone...
Kêu gọi đầu tư nhà máy lọc hóa dầu
Chiều cùng ngày, Thủ tướng tiếp ông Yasser M.Mufti, Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Aramco.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đang đa dạng hóa thị trường, nhất là trong lĩnh vực hóa dầu, trong đó có thu hút đầu tư để xây dựng nhà máy lọc hóa dầu. Thủ tướng mong muốn Tập đoàn Aramco sẽ đầu tư vào các nhà máy lọc hóa dầu tại Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Theo ông Yasser M.Mufti, Tập đoàn Aramco đang hoạt động rất tích cực tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, song chưa có hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Dù vậy, Aramco đã cung cấp rất nhiều mặt hàng dầu thô cho các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Phó chủ tịch Tập đoàn Aramco mong muốn có cơ hội đầu tư vào Việt Nam, xây dựng nhà máy lọc hóa dầu mới. Ông Yasser M.Mufti đề nghị Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho đoàn chuyên gia vào Việt Nam khảo sát và tìm hiểu thị trường.
Trước đề nghị này, Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho Aramco trong việc đầu tư kinh doanh và mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Bình luận (0)