Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp thẳng thắn hiến kế

29/04/2016 13:06 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sáng nay 29.4 đã chủ trì Hội nghị doanh nghiệp VN năm 2016 với chủ đề Doanh nghiệp VN - Động lực phát triển kinh tế của đất nước.

Hội nghị diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) còn có sự tham dự của các Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng, cùng Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm… và lãnh đạo nhiều bộ, ngành. Đặc biệt, hội nghị có sự góp mặt của gần 1.000 doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài tiêu biểu, đại diện các hiệp hội trong và ngoài nước. Ngoài ra còn có 62 điểm cầu trực tiếp tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thời gian qua, dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, Chính phủ mong muốn doanh nghiệp thẳng thắn phản ánh những khó khăn, vướng mắc đó, đồng thời hiến kế, góp ý để Chính phủ cùng các cơ quan liên quan tháo gỡ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị Ảnh: Đ.N.Thạch
“Tinh thần của Chính phủ là thực hiện đúng Hiến pháp, đổi mới sự lãnh đạo, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp”, Thủ tướng khẳng định. Chính vì vậy phải tháo gỡ mọi rào cản, đặc biệt là chống tiêu cực, tham nhũng, tinh thần lớn nhất không hình sự hóa các quan hệ hành chính và kinh tế. Chân thành cầu thị thẳng thắn sẽ là phương châm xuyên suốt trong đối thoại giữa Chính phủ và DN nhằm tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển.
Thủ tướng cho rằng kết quả của hội nghị phải tạo ra niềm tin mới để mọi người dân, doanh nghiệp hăng hái sản xuất, kinh doanh, phát triển.
Thay mặt cộng đồng DN, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết trước hội nghị VCCI đã tổng hợp gần 200 trang về thực trạng và giải pháp kiến nghị với Thủ tướng và các bộ, ngành. Theo đó, 5 năm tới nên được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, 5 năm cả nước tập trung toàn lực phát triển DN.
VCCI thay mặt cộng đồng DN đề xuất Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển DN cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển DN.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng theo định hướng chính sách đó, có hai việc cần làm ngay. Thứ nhất, phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” được cho DN. Thứ hai là vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển DN.

Doanh nghiệp bất động sản cầu cứu Thủ tướng

Tại cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM ngày 29.4, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP (HoREA) đã thay mặt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cầu cứu Thủ tướng tháo gỡ những khó khăn mà người dân, doanh nghiệp đang gặp phải.
Đại diện doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty THACO Trần Bá Dương, đề xuất nhóm giải pháp để tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Thứ nhất, Chính phủ cùng các bộ, ngành chủ quản cần đánh giá lại một cách tổng quát và chi tiết thực trạng các ngành, nghề kinh tế. Đặc biệt là các ngành công nghiệp trong bối cảnh hội nhập qua các tiêu chí: lực lượng doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp về trình độ công nghệ, năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực để cập nhật lại chiến lược đã được soạn thảo nhằm có định hướng đúng cho doanh nghiệp; đưa ra những chính sách nhất quán và thống nhất với các bộ, ngành liên quan và có giải pháp điều hành năng động, hiệu quả. Qua đó, điều hành và phân bổ các nguồn lực nhất là nguồn tài chính của toàn xã hội vào các ngành kinh tế có tác dụng đóng góp lớn và lâu dài cho nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập.
Thứ hai, đối với những ngành công nghiệp có động lực phát triển các ngành công nghiệp khác và các ngành công nghiệp mũi nhọn cần có chính sách bảo vệ thị trường phù hợp với cam kết hội nhập và lộ trình hợp lý nhằm thu hút các nhà công nghiệp nước ngoài vào sản xuất tại VN và tạo cơ hội, điều kiện để các doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết với các nhà công nghiệp nước ngoài để học công nghệ, quản trị và từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của họ.
Thứ ba, cần phải có chính sách chặt chẽ, biện pháp xử lý nặng và nghiêm minh để hạn chế tối đa các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại, hàng lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng để bảo vệ ngay (trước khi quá muộn) các doanh nghiệp làm ăn chân chính và đề cao việc làm ăn chân chính của doanh nghiệp đồng thời bảo vệ uy tín chung cho các sản phẩm và thương hiệu VN được tin dùng khi mà hàng hóa nước ngoài sẽ tràn ngập trong bối cảnh hội nhập.
Nhiều vấn đề vướng mắc, đề xuất đã được doanh nghiệp đưa ra tại hội nghị để Chính phủ cùng các cơ quan liên quan tháo gỡ Ảnh: Đ.N.Thạch
Thứ tư, giao cho các thành phố lớn là đầu tàu của nền kinh tế, nơi tập trung đông đảo các doanh nghiệp hàng đầu và thương hiệu lớn như TP.HCM, Hà Nội làm đầu mối nghiên cứu từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh, lắng nghe từ cộng đồng doanh nghiệp để phản ánh những bất cập trong chính sách, thủ tục hành chính và có những đề đạt các chiến lược đột phá và thể chế thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh….
Ông Dương cho rằng chủ thể chính tham gia hội nhập là cộng đồng doanh nghiệp thông qua sản phẩm, dịch vụ của mình và nền kinh tế của đất nước. Chúng ta chỉ có khả năng cạnh tranh và hội nhập chỉ thành công khi cộng đồng doanh nghiệp mạnh và nền kinh tế mạnh. So sánh tương quan trong bối cảnh hội nhập thì doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế của chúng ta còn nhỏ và yếu về mọi mặt. Hội nhập là con đường tất yếu để đất nước chúng ta phát triển và lộ trình hội nhập là đủ dài nhưng chúng ta đã có những sai lầm chủ quan để nền kinh tế và một số doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp lâm vào khó khăn. Khủng hoảng 2007 - 2008 và 2011 - 2013 và có những hệ lụy đến hôm nay khi mà chúng ta xa rời với triết lý kinh doanh và chủ quan trong chiến lược phát triển kinh doanh và năng lực của mình.
Ông Dương mong Chính phủ sẽ làm tốt vai trò định hướng, kiến tạo và điều hành nền kinh tế và có những chính sách, giải pháp thiết thực, kịp thời để giúp cộng đồng doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ là động lực phát triển kinh tế. Rất mong người tiêu dùng, xã hội hãy ủng hộ và giám sát để đất nước có một cộng đồng doanh nghiệp mạnh và nền kinh tế mạnh.
Dưới luật chỉ nên có Nghị định, bỏ thông tư và các hướng dẫn dưới luật
Chủ tịch BIDV, ông Trần Bắc Hà đề xuất 2 nội dung: Tuân thủ tinh thần Hiến pháp và các FTA. Đặc biệt, nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn luật Đầu tư, dưới luật chỉ nên có 1 nghị định, không ban hành thông tư; có cơ chế giám sát và chế tài mạnh mẽ đối với cán bộ thực thi nhất là các hành vi nhũng nhiễu DN… nhanh chóng ban hành luật Phá sản.
Liên quan đến cải cách hành chính ở lĩnh vực thuế và hải quan trong thực thi Nghị quyết 19, phải có tiếng nói kiểm chứng từ DN, chứ theo ông Hà, cơ quan quản lý báo cáo có kết quả trong khi DN lại nói không. Ông Hà cũng cho biết từ ngày mai, BIDV sẽ giảm lãi suất ngân hàng cho vay ngắn hạn và trung hạn.
Kết thúc phần phát biểu, ông Hà mong muốn nền kinh tế đất nước sẽ như một bản nhạc giao hưởng. “Trong đó Thủ tướng là nhạc trưởng, các bộ ngành, cơ quan Nhà nước là nhạc công và doanh nghiệp chúng tôi là ca sĩ để cùng tạo lập một bản nhạc bất hủ về kinh tế đất nước”, ông Hà ví von.
Nhà đầu tư ngoại đề xuất lập ủy ban cải cách thể chế
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng chính sách cấp giấy phép cho lao động người nước ngoài, đặc biệt lao động cao cấp thay đổi khiến nhiều DN nước ngoài gặp khó khăn. Theo vị đại diện này, các quy định phải phân tách DN lớn và nhỏ khác nhau, quy định chung gây khó cho DN nhỏ và mang tính cưỡng chế.
Doanh nhân Hàn Quốc cũng đề xuất Chính phủ nên lập ủy ban cải cách thể chế dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đây cũng là nơi để có thể lắng nghe kịp thời tư vấn Chính phủ có điều chỉnh quyết sách nhanh chóng hơn. Đề nghị của nhà đầu tư Hàn Quốc nhận được nhiều đồng tình của DN.
Bỏ bớt giấy phép con
 Đại diện Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk, bà Mai Kiều Liên kiến nghị TP.HCM nên mở thêm địa điểm đăng ký kinh doanh để giảm tải, bỏ bớt giấy phép con. Đặc biệt, phải có tính liên thông chặt chẽ giữa các bộ ngành. Và coi “doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý”.
Cũng liên quan đến cải cách hành chính, đại diện Hiệp hội Dệt may cũng cho biết DN phàn nàn bị kiểm tra liên tục, ngành nào cũng kiểm tra, gây ức chế: "Đề nghị gom hết đến cùng một lần, kiểm tra theo quý, hoặc theo nửa năm/lần. Chứ không thể kiểm tra bất chợt khiến DN đối phó và phát sinh tiêu cực…”. Đề nghị của vị đại diện DN dệt may nhận được nhiều ủng hộ của DN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.