Thủ tướng kêu gọi hướng tới 'Cộng đồng ASEAN số hóa'

23/04/2024 17:00 GMT+7

Doanh thu kinh tế số năm 2023 của ASEAN ước đạt 100 tỉ USD, tăng 8 lần so với năm 2016; dự báo đạt trên 1.000 tỉ USD vào năm 2030. Hiệp định khung ASEAN về Kinh tế số (DEFA) sẽ hoàn tất vào cuối năm 2025, nhiều khả năng là hiệp định kinh tế số khu vực đầu tiên trên thế giới.

Trưa 23.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone - nước Chủ tịch ASEAN 2024 đồng chủ trì tọa đàm với doanh nghiệp các nước ASEAN và các đối tác với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số".

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ

NHẬT BẮC

Theo Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, do đó, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp, khối tư nhân với Chính phủ các nước và giữa các nước với nhau. 

Với vai trò nước Chủ tịch ASEAN 2024, Lào đang thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số. Lào cũng thúc đẩy xây dựng các khung chính sách, thúc đẩy chuyển đổi số trong ASEAN, biến ASEAN thành chủ thể có tính cạnh tranh cao, ứng phó hiệu quả với các thách thức.

Kinh tế số ASEAN có thể tăng gấp đôi

Ông Scott Beaumont, Chủ tịch Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng ASEAN là khu vực đang phát triển mạnh, minh chứng sống động cho hội nhập và liên kết. Cùng với phát triển các nền tảng, ứng dụng trên môi trường số, tại Việt Nam, Google đang hợp tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ, nhất là nhân lực trong lĩnh vực AI, cung cấp tài nguyên, xây dựng các nguồn dữ liệu lớn…

Ông Scott Beaumont, Chủ tịch Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương (phải)

Ông Scott Beaumont, Chủ tịch Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương (phải)

NHẬT BẮC

Theo đại diện Google, kinh tế số của ASEAN có thể tăng gấp đôi hiện nay. ASEAN cần đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cho nghiên cứu phát triển, xây dựng các trung tâm dữ liệu, nhất là dữ liệu quốc gia. Cùng với đó, các nước ASEAN cần đảm bảo môi trường pháp lý đủ mạnh, đảm bảo cho các nhà đầu tư đạt được các mục tiêu đề ra…

Còn theo ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến đầu tư và thương mại Nhật Bản tại Hà Nội, để thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, các nước cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách; xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng số có chất lượng cao...

Ông Brian D. McFeeters, Phó chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), tái khẳng định cam kết hợp tác của các tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ với Việt Nam trong các lĩnh vực, trong đó có chuyển đổi số. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy hợp tác đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực này.

Đại diện doanh nghiệp số tại Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, cho biết nền kinh tế số Việt Nam dự kiến chạm mốc 45 tỉ USD vào năm 2025, nhờ sự thúc đẩy của thương mại điện tử và du lịch trực tuyến.

Đại diện Shopee cũng khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh hợp tác công tư, chung tay giải quyết những thách thức quan trọng như khả năng tiếp cận, kết nối và cải thiện mạng lưới logistics, cũng như xây dựng một môi trường an toàn và bảo mật để người tiêu dùng và doanh nghiệp thực hiện giao dịch.

"Chúng tôi mong muốn các nước ASEAN thiết lập một sân chơi thương mại điện tử công bằng, nơi các nền tảng nội địa như Shopee hoạt động trong môi trường kinh doanh tương tự như các nền tảng xuyên biên giới", ông Trần Tuấn Anh nói.

3 ưu tiên và 3 đột phá

Đánh giá cao các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính tái khẳng định, cùng với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu, là những động lực tăng trưởng mới cho phát triển nhanh, bền vững, vì tương lai thịnh vượng của ASEAN, khu vực và toàn cầu.

Với Kế hoạch tổng thể số ASEAN 2025, ASEAN đã thống nhất cách tiếp cận tổng thể, chiến lược để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện - coi đây là một động lực then chốt để phát triển kinh tế bao trùm và bền vững.

Thủ tướng kêu gọi 3 lĩnh vực ưu tiên và 3 giải pháp đột phá chuyển đổi số ASEAN

Thủ tướng kêu gọi 3 lĩnh vực ưu tiên và 3 giải pháp đột phá chuyển đổi số ASEAN

NHẬT BẮC

Sự phát triển kinh tế số của ASEAN được thúc đẩy bởi 5 yếu tố thuận lợi, gồm: vị trí địa chiến lược, địa kinh tế quan trọng; thị trường tiêu dùng lớn, cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng; tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh; mạng lưới liên kết, hợp tác kinh tế rộng rãi; hệ sinh thái kinh tế số ASEAN đang phát triển mạnh mẽ.

Doanh thu kinh tế số năm 2023 của ASEAN ước đạt 100 tỉ USD, tăng 8 lần so với năm 2016; dự báo đạt trên 1.000 tỉ USD vào năm 2030. Hiệp định khung ASEAN về Kinh tế số (DEFA) sẽ hoàn tất cuối năm 2025, nhiều khả năng là hiệp định kinh tế số khu vực đầu tiên trên thế giới.

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư ASEAN và các đối tác thúc đẩy 3 lĩnh vực ưu tiên, gồm phát triển ngành công nghệ thông tin, truyền thông; thúc đẩy số hóa các ngành, lĩnh vực gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực quản trị số, phát triển dữ liệu số. Đặc biệt là sự hợp tác, gắn kết chặt chẽ của các đối tác khu vực, quốc tế về một Cộng đồng ASEAN số hóa trong tương lai không xa. 

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đề xuất 3 định hướng đột phá nhằm đưa ASEAN trở thành một hình mẫu trong chuyển đổi số trên toàn cầu. Trong đó, cần thúc đẩy tiếp cận bình đẳng trong chuyển đổi số, kinh tế số; mạnh mẽ tự lực, tự cường, tự chủ; thúc đẩy cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.