Năm 2018, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và giao thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty (trước đây thuộc 5 bộ).
Sau gần 5 năm thành lập, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận, đồng ý chủ trương tiếp tục thực hiện mô hình ủy ban là cơ quan trực thuộc Chính phủ, làm đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đồng thời yêu cầu hoàn thiện và đổi mới mô hình hoạt động của ủy ban.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đến cuối năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước và nắm giữ khoảng 65% tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất quan trọng, cơ bản, đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty chưa thực sự tương xứng với nguồn lực nắm giữ và dư địa phát triển còn rất lớn.
Thủ tướng đề nghị thảo luận, đánh giá kỹ lưỡng về những thành tựu, kết quả đã đạt được để tiếp tục phát huy, chỉ ra những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, rút ra các bài học kinh nghiệm.
Trong đó, tập trung vào một số nội dung như mô hình, tổ chức hoạt động của ủy ban; cơ chế, chính sách với các doanh nghiệp; sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với các doanh nghiệp; các vấn đề quản trị, đào tạo nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu…
Dự kiến sau hội nghị, Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị hoặc Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong giai đoạn hiện nay, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững.
Bình luận (0)