|
Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến công tác này có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh; Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng.
Thời gian qua, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, trong đó, kinh tế là một trong những điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011); là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam và cũng là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam (cả về tổng vốn đầu tư và vốn đã giải ngân).
Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước năm 2012 đạt khoảng 24,7 tỷ USD, 11 tháng đầu năm 2013 đạt 22,933 tỷ USD. Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Bên cạnh đó, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (tháng 12/2004), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA) (tháng 10/2009)... tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Hiện hai bên đang hợp tác triển khai Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...
Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác về văn hoá thông tin, giáo dục đào tạo, khoa học-công nghệ, lao động, du lịch,... thời gian qua cũng đạt được những kết quả hết sức tích cực.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm hai nước Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao nhằm góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản, đặc biệt là hợp tác kinh tế, đầu tư, viện trợ phát triển cũng như sự phối hợp giữa Việt Nam, Nhật Bản tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
*Cũng trong dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ Đối thoại ASEAN-Nhật Bản và Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 5.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Nhật Bản
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Ngưng hoạt động hồ đập thủy điện không an toàn
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cắt chi hành chính, không tăng thêm biên chế
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng
Bình luận (0)