Khu nhà ở xã hội Thống Nhất có diện tích 1,58 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỉ đồng, cung cấp 1.080 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 4.000 người. Dự án được vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỉ đồng phát triển nhà ở xã hội, đã giải ngân 100%, với thủ tục hoàn thành trong khoảng 1 tháng.
Báo cáo của tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh đã và đang triển khai 54 dự án nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Trong đó 29 dự án đã hoàn thành, hoàn thành một phần, đang thi công xây dựng, 25 dự án đang thực hiện ở bước chuẩn bị đầu tư xây dựng.
Tổng diện tích đất các dự án khoảng 173 ha, các dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng khoảng 7,1 triệu m2 sàn với hơn 77.000 căn hộ cho khoảng 231.000 người.
Trước đó, Bắc Ninh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, tháng 7.2023, trong chuyến công tác tại Bắc Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm một số dự án trên địa bàn, sau đó chỉ đạo tổ công tác về làm việc trực tiếp với tỉnh để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
Theo đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội cả nước, Bắc Ninh dự kiến sẽ xây dựng 30.600 căn hộ trong giai đoạn 2021 - 2025 và 41.500 căn hộ trong giai đoạn 2026 - 2030.
Về gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, UBND tỉnh đã công bố danh mục các dự án đủ điều kiện, tiêu chí vay vốn ưu đãi, báo cáo Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 6 dự án với tổng mức đầu tư hơn 14.500 tỉ đồng với số vốn dự kiến vay khoảng 3.380 tỉ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bắc Ninh, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn có 2 dự án nhà ở xã hội đã được vay vốn ưu đãi với số hạn mức được duyệt vay là 170 tỉ đồng, đã giải ngân được 170 tỉ đồng.
Thăm hỏi, tặng quà các hộ dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính phấn khởi trước những căn hộ khá khang trang và đánh giá cao nỗ lực, cách làm của tỉnh Bắc Ninh trong triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Thủ tướng lưu ý, nhà ở xã hội được ưu đãi về vốn vay, đất đai nên có giá thành phù hợp hơn với những người thu nhập thấp, công nhân. Việc làm các thủ tục nhanh, thi công nhanh cũng giúp giảm chi phí và giá thành.
Tuy nhiên, các hạ tầng giao thông, điện, nước, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, điều kiện vệ sinh, môi trường… phải bảo đảm đầy đủ, thuận tiện cho người dân như với các dự án nhà ở thương mại.
Hoàn thành Vành đai 4 - Vùng thủ đô qua Bắc Ninh cuối 2025
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua địa bàn và tặng quà công nhân trên công trường.
Dự án đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85.800 tỉ đồng; khởi công tháng 6.2023.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, Bắc Ninh được giao thực hiện 2 dự án thành phần, gồm dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư địa phận tỉnh Bắc Ninh và dự án xây dựng đường song hành địa phận tỉnh Bắc Ninh.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn cung cát, đất đắp do Bắc Ninh không có mỏ vật liệu nên không chủ động được. Tỉnh đã thành lập tổ công tác liên ngành chủ động liên hệ với các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ để tiếp cận với các nguồn cung.
Thủ tướng yêu cầu rút ngắn tiến độ hơn nữa, đến ngày 31.12.2025 phải hoàn thành dự án đoạn qua tỉnh Bắc Ninh. Dự án sớm hoàn thành thì sớm mở ra không gian phát triển mới. người dân, doanh nghiệp Bắc Ninh được hưởng thụ.
Cũng trên công trường, Thủ tướng đã cho ý kiến về hướng giải quyết vướng mắc liên quan việc triển khai đầu tư 3 cây cầu trên Vành đai 4, gồm cầu Mễ Sở (tỉnh Hưng Yên), cầu Hồng Hà (Hà Nội) bắc qua sông Hồng và cầu Hoài Thượng (tỉnh Bắc Ninh) bắc qua sông Đuống.
Đồng thời, yêu cầu Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ GTVT và 3 địa phương khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để bảo đảm tiến độ toàn tuyến.
Bình luận (0)