Thủ tướng: 'Nhận diện điểm nghẽn để phát huy tốt hơn nguồn lực doanh nghiệp Nhà nước'

Chí Hiếu
Chí Hiếu
24/03/2022 12:44 GMT+7

Thủ tướng khẳng định DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, song khu vực kinh tế này vẫn chưa phát huy được lợi thế về nắm giữ.

Hôm nay, 24.3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội".

Thủ tướng phát biểu khai mạc hội nghị

nhật bắc

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong việc triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của các địa phương và của DNNN.

"Chúng ta xác định DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội", Thủ tướng song cũng cho rằng, khu vực DNNN vẫn chưa thể hiện tốt vị thế của mình, chưa phát huy được lợi thế về nắm giữ nguồn lực trong thực hiện sứ mệnh của mình.

Để thúc đẩy DNNN phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh, tiềm năng của mình, thực sự là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, Thủ tướng chỉ rõ, rất cần nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực này, những vướng mắc, hạn chế trong chính doanh nghiệp để từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế xã hội thời gian tới.

Hàng loạt câu hỏi của Thủ tướng

Gợi ý các nội dung thảo luận, Thủ tướng đặt vấn đề: Vì sao các DNNN chưa thể hiện được vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, hướng dẫn, thu hút, thúc đẩy các thành phần khác phát triển.

"Tại sao hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều DNNN còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ? Tại sao lại có tình trạng như vậy, nguyên nhân là gì, chủ quan và khách quan như nào? Do cơ chế chính sách hay tổ chức thực hiện hay do con người? Phải chăng là do các doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư phát triển ngành nghề chính của mình hay vì nguyên nhân nào khác?", Thủ tướng nêu hàng loạt câu hỏi.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng cho rằng cần thảo luận thêm về vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đã tốt chưa, vướng mắc những gì? Mô hình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần phải như thế nào để phát huy được hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN?

Người đứng đầu Chính phủ còn đặt ra là nhóm vấn đề về cổ phẩn hoá như: Tại sao công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước lại không đạt kế hoạch, vướng mắc vấn đề gì, nên thoái vốn ở những loại hình doanh nghiệp nào? Xác định giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế quyền thuê đất, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp… đã đầy đủ chưa, chặt chẽ chưa? Vì sao thời gian qua làm chưa đạt yêu cầu, mong muốn, để người dân, xã hội có ý kiến liên quan đến lĩnh vực này?

Về công tác quản trị DNNN chậm được đổi mới, chưa theo kịp với quy mô tài sản doanh nghiệp quản lý, Thủ tướng nêu rõ, thực tế cho thấy, cùng một chủ trương, cơ chế, chính sách nhưng có nơi thực hiện tốt, có nơi chậm trễ, có nơi làm không được, có nơi đùn đẩy trách nhiệm...

"Vậy nguyên nhân là gì, có phải do chính người đứng đầu tổ chức đó hay không? Hay do cơ chế, chính sách hay sự phối hợp giữa các bộ, các ngành hay do chỉ đạo?", Thủ tướng nêu, đồng thời nhấn mạnh "phải cố gắng tìm ra nguyên nhân để có giải pháp thích hợp".

"Mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong DNNN như thế nào để phù hợp, nhất là ở những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhằm phát huy vai trò của tổ chức Đảng tại các doanh nghiệp này?", Thủ tướng nói thêm.

Thủ tướng cho biết ngay sau hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết với các nhiệm vụ và giải pháp để thúc đẩy đổi mới, nâng cao hiệu quả nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho hay, đến đầu năm 2021, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Hiện nay, nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp thì chỉ còn 94 DNNN quy mô lớn gồm: 9 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ, công ty con.

Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động tại thời điểm 31.12.2020) nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế (khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh).

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 10,46%; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 4,87%, cao hơn khối doanh nghiệp ngoài nhà nước (1,26%).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.