Tòa nhà bằng gạch là nơi ở chính thức của thủ tướng Nhật, được xây từ năm 1929 |
Ảnh chụp màn hình Mashable |
Thủ tướng Fumio Kishida mới đây đã dọn vào sống trong nơi ở chính thức của thủ tướng Nhật, được xây dựng vào năm 1929. Tòa nhà gạch 2 tầng rộng 5.183 m2 nằm kế bên tòa nhà văn phòng thủ tướng bằng kính và thép hiện đại xây hồi năm 2002, theo Bloomberg.
Trước khi dọn đến, ông Kishida sống trong khu nhà dành cho các nghị sĩ, cách phủ thủ tướng 3 phút lái xe. Việc chuyển chỗ giúp ông Kishida tiết kiệm thời gian, đặc biệt trong trường hợp có tình huống khẩn cấp.
Tuy nhiên, lịch sử u ám của tòa nhà khiến cho nó bị bỏ không trong suốt 9 năm qua. Người gần nhất sống trong tòa nhà này là Thủ tướng Yoshihiko Noda.
Khi tại nhiệm, Thủ tướng Yoshihide Suga sống ở khu dành cho các nghị sĩ trong khi Thủ tướng Shinzo Abe từ khi bắt đầu nhiệm kỳ hai vào năm 2012 sống ở tư dinh, cách văn phòng 15 phút lái xe.
Nơi ở thủ tướng Nhật (trái) và văn phòng làm việc (phải) |
Ảnh chụp màn hình Mashable |
Theo Bloomberg, nơi ở chính thức của thủ tướng Nhật từng là nơi xảy ra vụ ám sát Thủ tướng Tsuyoshi Inukai vào năm 1932. Bốn năm sau, một cuộc đảo chính bất thành khác diễn ra tại đây khiến một số người thiệt mạng, còn Thủ tướng Keisuke Okada may mắn sống sót.
Tòa nhà sau đó được đồn đoán là “bị ám” và Thủ tướng Yoshiro Mori (tại vị từ tháng 4.2000 - tháng 4.2001) từng kể với ông Abe rằng đã "thấy ma" tại đây, theo tờ Sankei.
Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Abe kết thúc trong 1 năm ngắn ngủi (tháng 9.2006 – tháng 9.2007). Nhật Bản liên tục thay thủ tướng trong giai đoạn đó và cả 6 vị đều ở trong tòa nhà này. Sau khi quay trở lại vào năm 2012, ông Abe dọn ra ở tư dinh và trở thành thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Nhật.
Theo Kyodo News, khi được hỏi cảm giác ở đây như thế nào, Thủ tướng Kishida ngày 13.12 cho biết ông "ngủ ngon và cảm thấy tươi mới". Khi được hỏi có thấy bóng ma nào hay không, ông trả lời: “Đến giờ, tôi chưa thấy gì cả”.
Một số nghị sĩ đối lập trước đó đã chỉ trích các thủ tướng của đảng LDP tiền nhiệm ông Kishida vì không sống trong tòa nhà, gây chậm trễ trong công tác ứng phó thảm họa hay tình huống khẩn cấp. Theo Kyodo News, chi phí để bảo trì tòa nhà mỗi năm tốn 1,4 triệu USD.
Bình luận (0)