Chiều 12.11, chất vấn Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho biết công tác phòng, chống lãng phí thời gian qua nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.
Tháo gỡ vướng mắc, xây dựng cơ chế xử lý dự án tồn đọng
Theo bà Thúy, cử tri đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc giải quyết các dự án tồn đọng, kéo dài. Tuy nhiên, nữ đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về một số dự án vẫn chưa được xử lý và tình hình của các tổ chức tín dụng yếu kém.
Đại biểu đề nghị Thủ tướng làm rõ nguyên nhân của những vấn đề này và đưa ra các giải pháp cụ thể, đồng thời chia sẻ về tiến độ thực hiện trong thời gian tới.
Hồi đáp đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, thời gian qua có nhiều dự án tồn đọng, kéo dài. Điều này đã được nêu rõ tại báo cáo mà Thủ tướng trình bày trước khi chất vấn.
Đề cập tới 12 đại dự án tồn đọng, kéo dài, Thủ tướng nói, với sự nỗ lực của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, việc giải quyết đến nay đã đạt được nhiều kết quả.
Sau khi xin chủ trương và được Bộ Chính trị đồng ý, Chính phủ thực hiện theo chức năng, quyền hạn của mình. "Cái nào vượt thẩm quyền thì Chính phủ xin ý kiến Quốc hội", Thủ tướng cho hay.
Vẫn theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát các dự án tương tự, áp dụng kinh nghiệm nêu trên để xử lý. Tinh thần là tôn trọng hiện trạng, thất thoát, mất mát đã xảy ra rồi, vi phạm cũng đã bị xử lý, việc cần làm hiện nay là tháo gỡ các vướng mắc pháp luật, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách để xử lý.
Với các tổ chức tín dụng yếu kém, Thủ tướng cho biết, đến nay đã hoàn tất việc chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng, còn lại 2 ngân hàng "đang làm". Riêng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là phải làm sao an toàn cho hệ thống cũng như bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Phải bứt phá, phải tăng trưởng, tháo gỡ điểm nghẽn"
"Phải bứt phá, phải tăng trưởng"
Cùng tham gia chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho hay, thời gian tới, nhiều dự án quan trọng quốc gia sẽ được triển khai, ví dụ như năng lượng hạt nhân, mở rộng cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc - Nam… Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp nào để thực hiện thành công các dự án này.
Trả lời chất vấn, Thủ tướng khẳng định tinh thần "phải bứt phá, phải tăng trưởng", "đây là điểm nghẽn chúng ta phải tháo", không chỉ với nhiệm kỳ này mà cả các nhiệm kỳ tới.
Đề cập đến các động lực tăng trưởng truyền thống, Thủ tướng nói về đầu tư, bao gồm việc đầu tư các công trình lớn của quốc gia.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, việc đầu tư các công trình này phải tạo ra đột phá về hạ tầng chiến lược, mang tính xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, "chứ không phải bình bình".
Trước băn khoăn của đại biểu về việc nguồn lực nào để thực hiện thành công các dự án, Thủ tướng cho hay, phải hoàn thiện thể chế, có cơ chế huy động nguồn lực của Nhà nước, địa phương, kết hợp đi vay, hợp tác công - tư. Đồng thời, phải đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, quản trị…
Thủ tướng dẫn câu chuyện về đường cao tốc. Theo đó, năm 2000, Việt Nam bắt đầu xây dựng đường cao tốc, đến năm 2021 thì bùng phát dịch Covid-19 và mới hoàn thành được khoảng 1.000 km. Nhiều ý kiến cũng từng đặt dấu hỏi về việc trong 3 năm tiếp theo làm thế nào để làm xây dựng được gấp đôi số km đã làm trong 20 năm qua.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cùng sự huy động nguồn lực từ T.Ư, địa phương, đồng thời áp dụng chính sách tăng thu tiết kiệm chi, không đầu tư dàn trải…, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Bình luận (0)