Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu thăm chính thức Qatar

30/10/2024 23:30 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa tới sân bay quốc tế Doha, Qatar, bắt đầu chương trình thăm chính thức quốc gia này.

Sau khi kết thúc chuyến thăm và tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 tại Vương quốc Ả Rập Xê Út, tối 30.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã lên đường thăm chính thức Qatar. 

Chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nhà nước Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jasim Al-Thani.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu thăm chính thức Qatar- Ảnh 1.

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Qatar sau 15 năm

ẢNH: NHẬT BẮC

Đón Thủ tướng và phu nhân tại sân bay có Quốc vụ khanh Ahmed bin Mohammed Al Sayed; Vụ trưởng Vụ Lễ tân, Bộ Ngoại giao Ibrahim Yousuf Abdullah Fakhro và Đại sứ Qatar tại Việt Nam.

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Qatar sau 15 năm, diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang trên đà phát triển tốt đẹp với nhiều kết quả thực chất.

Qatar là một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới; là trung tâm tài chính - thương mại hàng đầu ở Trung Đông; quốc gia xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới.

Trong cơ cấu kinh tế Qatar, lĩnh vực nông nghiệp chiếm 0,3%, công nghiệp 60%, dịch vụ 44,75%. Tài nguyên chính của Qatar là dầu mỏ với trữ lượng 25,24 tỉ thùng (đứng thứ 14 thế giới), sản lượng 1,53 triệu thùng/ngày; khí đốt với trữ lượng hơn 25.000 tỉ m3, đứng thứ 3 thế giới.

Nền kinh tế của Qatar chủ yếu dựa vào công nghiệp khai thác, chế biến dầu mỏ và khí đốt (khoảng 85% nguồn thu xuất khẩu). Thực hiện chiến lược đa dạng hóa nền kinh tế, Qatar chú trọng phát triển các ngành kinh tế phi dầu khí như công nghiệp hóa chất, phân bón, sản xuất sắt thép, nhôm và đặc biệt ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ như hàng không, cảng biển, ngân hàng, giáo dục, y tế, du lịch.

Qatar đang thực hiện Tầm nhìn quốc gia 2030 (Vision 2030) với mục tiêu đưa Qatar trở thành nước phát triển với hạ tầng xã hội tiên tiến, chất lượng sống cao thông qua việc thực hiện 4 trụ cột chính sách về kinh tế, xã hội, con người và môi trường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu thăm chính thức Qatar- Ảnh 2.

Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực, mở ra giai đoạn hợp tác mới trong quan hệ Việt Nam-Qatar

ẢNH: NHẬT BẮC

Trao đổi thương mại Việt Nam - Qatar bình quân 400 triệu USD/năm

Việt Nam và Qatar thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8.2.1993. Trong giai đoạn 2019 - 2023, tổng trao đổi thương mại hai chiều của Việt Nam và Qatar bình quân đạt 400 triệu USD mỗi năm. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt 497 triệu USD (tăng 32% so với năm 2022), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Qatar 211,6 triệu USD.

Việt Nam nhập khẩu từ Qatar chủ yếu các sản phẩm khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, phân urê… và xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng thủy sản, dây và cáp điện, sản phẩm gỗ, sản phẩm mây tre, gốm sứ, rau quả, hàng điện tử…

Hiện Qatar có 1 dự án đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đăng ký 3,23 triệu USD. Theo thông tin từ phía Qatar, Quỹ Đầu tư Qatar (QIA) đang tham gia đầu tư gián tiếp (qua các ngân hàng phát triển, quỹ đầu tư của bên thứ 3) tại một số dự án bất động sản và công nghiệp tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 500 triệu USD.

Tổng Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) đang triển khai một số hợp đồng cung ứng thiết bị, dịch vụ thiết kế và nhân lực cho Công ty dầu khí North Oil Company của Qatar giai đoạn 2019 - 2025.

Năm 2008, Việt Nam từng có trên 10.000 lao động tại Qatar nhưng hiện chỉ còn khoảng 300 lao động ở Qatar.

Cộng đồng người Việt Nam tại Qatar chủ yếu được hình thành năm 2008 sau khi Chính phủ thực hiện chính sách xuất khẩu lao động sang các nước trong khu vực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.