Khai mạc buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh TP.HCM là đầu tàu của cả nước, cả về đóng góp GDP, đóng góp ngân sách cũng như những tác động vô hình tới kinh tế cả nước. TP.HCM phát triển tốt thì cả nước sẽ nhận tác động lan tỏa. TP.HCM khó khăn, cả nước cũng ảnh hưởng rất mạnh.
Chính sách tháo gỡ khó khăn ban hành, TP vận hành tới đâu rồi ?
Trước kết quả tăng trưởng kinh tế quý 1 của TP.HCM giảm sâu, Thủ tướng nhận định TP.HCM cũng như kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn vô cùng có khăn sau 2 năm gồng mình đẩy lùi dịch bệnh. Hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn còn rất lớn, không phải ngày 1, ngày 2 có thể khắc phục được.
Trong khi đó, kinh tế khu vực và thế giới đang trên đà suy giảm, ảnh hưởng tới cơ cấu, thị trường của kinh tế Việt Nam. Chính sách tiền tệ thay đổi, chủ trương tăng lãi suất của các nước cũng gây tác động lớn, khiến đồng tiền Việt Nam bị mất giá, gây nhiều khó khăn, thách thức trong vấn đề xử lý bài toán tỷ giá và lãi suất.
Song song, vấn đề cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, tác động trực tiếp tới giá nguyên liệu đầu vào, nhất là xăng dầu, ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất. Đặc biệt, hiện nay Trung Quốc đã mở cửa kinh tế trở lại sau thời gian thực hiện chính sách "zero Covid". Điều này một mặt mang tới nhiều thuận lợi, nhưng một mặt cũng tạo cạnh tranh lớn với kinh tế Việt Nam về thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Về vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam, Thủ tướng nhận định những điểm tốt, đã làm được vẫn đang phát huy, song, những khó khăn, vướng mắc sau đại dịch lại càng bộc lộ rõ hơn.
"Từ những yếu tố khách quan, chủ quan, thành phố cần phân tích kỹ, xử lý từng yếu tố tác động tới nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như kinh tế TP.HCM nói riêng. Đơn cử, từ đầu năm đến nay, chúng ta đã ban hành rất nhiều chính sách, nhiều Nghị quyết, Nghị định, Thông tư, tháo gỡ nhiều nút thắt về pháp lý nhưng đã vào tới TP.HCM chưa? Vào đến đâu rồi? Mức độ thế nào? Quá trình vận hành, áp dụng các chính sách còn vướng mắc gì, cần bổ sung gì không? Phối hợp giữa TP.HCM với Chính phủ, với các Bộ, ngành cần rút kinh nghiệm cái gì, thúc đẩy cái gì để tốt hơn? Trước tình hình như vậy, cần có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, kịp thời, chắc chắn, linh hoạt và hiệu quả. Cần tìm lời giải theo phương châm như vậy" - Thủ tướng Phạm Minh Chính "đặt đề bài".
Thành phố đề nghị hỗ trợ đặc biệt cho xuất khẩu, cung tiền, thủ tục...
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng kết quả tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong quý 1 giảm sâu, chưa đạt mong đợi. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1 của TP.HCM ước đạt 360.622,1 tỉ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Thu ngân sách nhà nước đạt 26,6% dự toán năm. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn trong quý 1 năm 2023 ước thực hiện 69.679,7 tỉ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Một số nhiệm vụ tập trung trong quý 2 được UBND TP xác định, gồm: Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện 26 đề án, chương trình, hoàn thiện trình Bộ Xây dựng thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án quy hoạch chung TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040; Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thực hiện Chủ đề năm 2023 "Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội"; Ban hành, triển khai thực hiện Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; Triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản;…
Trong đó, lãnh đạo thành phố xác định tập trung quyết liệt tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho người dân và doanh nghiệp để thúc đẩy các dự án, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, bảo đảm đầu tư công diễn ra đúng tiến độ. Cụ thể, trong quý 2 giải ngân 35%, quý 3 giải ngân 58%, quý 4 giải ngân 91%, hết biên độ là 95%. Song song, tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển thị trường, tiếp cận nguồn vốn, giải quyết thủ tục...
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành hỗ trợ thành phố phân tích tìm các giải pháp trước mắt và lâu dài để củng cố tăng trưởng; đề nghị có chính sách hỗ trợ đặc biệt xuất nhập khẩu, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại - du lịch, cung tiền cho các doanh nghiệp; Đồng thời, gỡ vướng chính sách, thủ tục và nguồn vốn để TP.HCM nhanh chóng triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Vành đai 4...
Xem nhanh 12h ngày 16.4: Ca sĩ Vy Oanh ‘bốc hơi’ trên mạng | Thót tim cô bé kẹt trong thang máy
Bình luận (0)