Sáng 25.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc toàn thể hội nghị thường niên các nhà tiên phong của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Đại Liên, Trung Quốc.
Đây là lần thứ ba liên tiếp WEF mời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội thường niên của WEF, không chỉ thể hiện sự coi trọng của WEF đối với Việt Nam mà còn là sự đánh giá cao của WEF với vai trò của Việt Nam trong đóng góp vào các thảo luận về các vấn đề toàn cầu cũng như chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng về Đổi mới, hội nhập và phát triển.
Hội nghị năm nay thu hút sự tham dự đông đảo nhất trong số 15 lần Hội nghị được tổ chức tại Trung Quốc với hơn 1.700 đại biểu đến từ 80 quốc gia, tổ chức quốc tế, học giả, các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của WEF. Các đại biểu tham dự Hội nghị đều là những đại diện tiên phong trong các sáng tạo mới, ý tưởng mới, cách làm mới, thúc đẩy và phát triển những ngành lĩnh vực kinh tế mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Lý Cường nhận định về vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra động lực tăng trưởng, mở ra những không gian phát triển mới. Thủ tướng Lý Cường đưa ra 4 đề xuất: tăng cường hợp tác phát triển và chia sẻ công nghệ trên tinh thần cùng thắng; phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên, thực hiện các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; thúc đẩy thị trưởng mở, tăng cường mở cửa, tương tác, phá bỏ các rào cản hướng đến chân trời mới; phát triển bao trùm, cùng có lợi; hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực cho người lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh Trung Quốc tiếp tục ưu tiên phát triển công nghệ cao để tạo động lực mới cho tăng trưởng, kêu gọi thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, liên kết các nghiên cứu và tăng cường hợp tác khoa học – công nghệ. Về kinh tế Trung Quốc, Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh vai trò của các ngành công nghiệp xanh, ngành công nghiệp mới, đổi mới sáng tạo đối với kinh tế Trung Quốc, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế Trung Quốc (Quý 1 tăng 5,3%, năm 2024 đạt mục tiêu 5%).
Tổng thống Ba Lan chia sẻ công thức thành công để đưa nền kinh tế Ba Lan trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh trong Liên minh châu Âu nhờ vào các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, tận dụng vị trí địa lý thuận lợi là trung tâm của châu Âu để kết nối với châu Á, thúc đẩy quá trình kết nối kinh tế giữa EU và châu Á, trong đó có Trung Quốc.
Trong phần giới thiệu Thủ tướng Việt Nam phát biểu, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab ca ngợi Việt Nam là nền kinh tế năng động, ngọn hải đăng về phát triển kinh tế và đầu tàu tăng trưởng của khu vực. Phát biểu tại Phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ nhận định sâu sắc về 5 đặc điểm nổi bật của kinh tế thế giới cùng 3 yếu tố chủ đạo tác động, ảnh hưởng tới thế giới hiện nay và 3 lĩnh vực tiên phong định hình thế giới tương lai. Thủ tướng nêu đậm những vấn đề này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra "chân trời tăng trưởng mới", đòi hỏi tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện, cùng thắng, vì lợi ích tổng thể cả trước mắt và lâu dài của nhân loại.
Thủ tướng đánh giá cao vai trò đầu tàu của kinh tế Trung Quốc đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Là nước láng giềng gần gũi, "núi liền núi", "sông liền sông", cùng xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược", Việt Nam vui mừng trước sự phát triển và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong điều kiện thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, thách thức.Việt Nam tin tưởng Trung Quốc tiếp tục phát huy vai trò, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; thúc đẩymạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Một nền kinh tế Trung Quốc tự cường, mạnh mẽ, cạnh tranh bình đẳng, hội nhập sâu rộng sẽ mang lại những tác động tích cực cho thế giới.
Chia sẻ câu chuyện của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh sự thành công của Việt Namtrong gần 40 năm qua gắn liền với những từ khóa then chốt: Đổi mới, sáng tạovà hội nhập. Từ một nước bị tàn phá sau 30 năm chiến tranh và bao vây cấm vận, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam được cộng đồng quốc tế coi là hình mẫu trong hàn gắn, khôi phục vết thương chiến tranh, gác lại quá khứ, tôn trọng sự khác biệt, hướng tới tương lai, biến thù thành bạn, thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ. Những thành tựu đạt được khẳng định sự đúng đắn của các chủ trương, quan điểm phát triển của Đảng, Nhà nước Việt Nam với 3 nền tảng, 6 chính sách trọng tâm, 3 đột phá chiến lược cùng quan điểm mang tính nguyên tắc xuyên suốt là: Giữ vững ổn định chính trị; lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lựcvà là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Để hướng tới "Những chân trời tăng trưởng mới", Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bên cùng xây dựng, củng cố lòng tin, đề cao đối thoại, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, hợp tác và phát triển, giải quyết hiệu quả các vấn đề dựa trên luật lệ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan; không chính trị hóa và phân biệt đối xử với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mang tính toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị WEF và các đối tác thúc đẩy hợp tác công tư, phát huy vai trò của những nhà tiên phong trong dẫn dắt, định hướng sự phát triển và quá trình tái cấu trúc kinh tế củacác quốc gia, khu vực, toàn cầu, nhất làtrong ba lĩnh vực quan trọng. Một là, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nhất là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia. Hai là, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng xã hội, hạ tầng y tế, giáo dục. Ba là, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các động lực tăng trưởng mới, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Đặc biệt, Việt Nam đề nghị tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Tăng cường hợp tác, ưu tiên cho tăng trưởng, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là giảm mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá; phối hợp đồng bộ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ tự do hoá thương mại, đầu tư; qua đó vừa góp phần kích thích tổng cầu trong ngắn hạn, vừa tác động tích cực đến tổng cung trong trung và dài hạn.
Cuối bài phát biểu, Thủ tướng đề nghị thực hiện "3 cùng": Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển, với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, vì một thế giới tốt đẹp, công bằng, bình đẳng, phát triển hài hoà, bền vững, cùng nhau hướng đến "Những chân trời tăng trưởng mới", những chân trời phát triển mới, vì sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của thế giới, vì cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp hơn của mọi người dân, của nhân loại.
Vào trưa cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận với các nhà lãnh đạo (IGWEL) về "Hợp tác để hướng tới tăng trưởng kinh tế". Phiên thảo luận có sự tham dự của Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF, Phó tổng thư ký LHQ Amina Mohammed, các bộ trưởng và lãnh đạo cấp cao các tập đoàn và các nhà tiên phong toàn cầu là thành viên WEF.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng nhận định trong bối cảnh sự chia rẽ về địa chính trị, địa kinh tế, phân mảnh, phân tách, xung đột, đứt gãy chuỗi cung ứng gia tăng; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, già hóa dân số… tác động, ảnh hưởng ngày càng nặng nề, hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết để hướng tới mục tiêu tăng trưởng toàn diện, bền vững, bao trùm.
Thủ tướng chia sẻ các bài học kinh nghiệm về điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Việt Nam duy trì "điểm sáng" cùa kinh tế toàn cầu, với đà tăng trưởng tích cực, thuộc nhóm tăng trưởng cao của khu vực.
Để hợp tác hướng đến tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh 5 giải pháp ưu tiên, bao gồm: xây dựng, đổi mới hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu theo hướng hiệu quả, minh bạch, bao trùm; xây dựng khuôn khổ phối hợp chính sách vĩ mô; thúc đẩy tự do hoá thương mại, đầu tư; tăng cường hợp tác huy động nguồn lực cho phát triển; chú trọng thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Bình luận (0)