Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống và xác định Nam Phi là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Phi.
Nam Phi hiện là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi; trao đổi thương mại hai nước những năm gần đây đạt trung bình 1,2 tỉ USD/năm. Nam Phi đầu tư tại Việt Nam khoảng 0,62 triệu USD và Việt Nam đầu tư khoảng 8,16 triệu USD vào Nam Phi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của Nam Phi tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; chúc mừng Nam Phi tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh BRICS 15 tháng 8.2023 và sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên G20 trong năm 2025; đề nghị Nam Phi làm cầu nối cho hợp tác giữa ASEAN với Liên minh châu Phi cũng như với các cộng đồng kinh tế khu vực. Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Nam Phi phát triển quan hệ với ASEAN một cách hiệu quả, thực chất trong thời gian tới.
Hai bên hài lòng về những bước phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước thời gian qua. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, trước những diễn biến nhanh chóng của tình hình khu vực và trên thế giới, hai nhà lãnh đạo đã thống nhất, trên cơ sở kết quả 30 năm qua, Việt Nam và Nam Phi sẽ tiếp tục tìm những hướng đi, cách làm mới, động lực mới để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ giữa hai nước trong 30 năm tới.
Về hợp tác kinh tế, thương mại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hai bên cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo an toàn, tin cậy, góp phần khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước đầu tư vào các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các mặt hàng của hai nước thâm nhập vào thị trường của nhau, trong đó có việc đàm phán, ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản - lĩnh vực hai nước có tiềm năng lớn và có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị hai bên mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, cấp học bổng cho sinh viên và có chính sách tạo điều kiện thuận lợi về thị thực cho công dân hai nước.
Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy quan hệ Đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong triển khai huy động các nguồn lực tài chính, nhất là trong 5 lĩnh vực chuyển đổi, bao gồm phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, truyền tải và lưu trữ năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chuyển đổi năng lượng xanh và giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải.
Bình luận (0)