Từ 50 m2...
Trường CĐ Kinh tế đối ngoại hiện có khoảng 10.000 SV, là một trong những trường CĐ có số lượng SV đông nhất và chất lượng đầu vào khá cao tại TP.HCM. Trường hiện có tới 4 cơ sở, nhưng mới chỉ có một cơ sở ở đường Trần Bình Trọng, Q.5 là có TV. Vốn là một địa điểm thuê không mấy rộng rãi, nên TV có diện tích khoảng 235 m2, nhưng các phòng lại không được liền kề nhau.
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Hải, Giám đốc TT Thông tin và kiểm định chất lượng của trường chia sẻ: “Đúng là điều kiện cơ sở vật chất của trường còn khó khăn nên chỉ có một TV và cũng chưa được rộng rãi lắm. Để đáp ứng được nhu cầu của SV, TV phải rộng khoảng 1.000 m2, đầu sách phải trên 25.000 thay vì 15.000 như hiện tại.
Tương tự, trường CĐ Kinh tế công nghệ TP.HCM có 5 cơ sở thì chỉ 2 cơ sở có TV, nhưng diện tích cũng rất khiêm tốn. Giám đốc TV, ông Hồ Thanh Ngân công nhận: “Vì là địa điểm đi thuê nên trường chưa mở rộng được TV, hiện phòng đọc có khoảng 50 bàn cho SV ngồi đọc và tự học”. Minh Uy - SV năm 3 ngành Quản trị kinh doanh trường này cho biết, khu vực cho mượn sách của TV tại cơ sở đang học chỉ khoảng 10m2, khu vực internet - phòng máy vi tính khoảng 40 m2: “Vì TV không đủ tài liệu nghiên cứu nên để làm được báo cáo tốt nghiệp, tôi phải tìm hiểu, lấy thông tin từ các trang web nước ngoài”.
Ý kiến “TV chỉ đáp ứng vừa đủ giáo trình cho SV học tập còn sách dạy kỹ năng sống, sách nghiên cứu chuyên sâu từng lĩnh vực ngành, sách mới xuất bản thì phải tìm ở nhà sách”. (Trần Thị Ngọc Hân - SV Tài chính Ngân hàng trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) “SV tụi em vẫn thường ra nhà sách đọc ké. Có khi một bạn đọc, một bạn cầm điện thoại ghi âm lại hoặc chụp ảnh, quay phim. Thế là có được những thông tin cần thiết”. (Lê Thị Hồng Vân - SV ngành SP Lịch sử trường ĐH Sài Gòn) |
Một số trường ĐH cũng có TV khiêm tốn. Nhiều trường ĐH có ít nhất 2 cơ sở nhưng không phải cơ sở nào cũng có TV. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chỉ có TV ở cơ sở B, trong khi lượng SV học tại cơ sở A hằng ngày rất lớn. Huỳnh Kim Tài, SV năm 3 ngành Thống kê kinh doanh cho hay: “Tụi em thường xuyên học ở cơ sở A và cũng có nhu cầu vào TV nhưng lại không có”. SV Nguyễn Đàn Việt học ngành Tài chính nhà nước năm 3 cũng lên tiếng: “TV của trường tương đối đủ sách nhưng chỗ ngồi đọc và tự học thì thiếu. Chỉ có vài phòng đọc trong khi trường em có tới 20.000 SV”.
Ở những trường có TV chật hẹp, bao giờ cũng diễn ra tình trạng quá tải. TV trường ĐH Mở TP.HCM mỗi năm đầu tư khoảng 500 triệu đồng, với khoảng 6.000 bản sách và 1.800 tên sách được bổ sung nhưng do diện tích không lớn nên lúc nào cũng kín chỗ. Phòng máy nối mạng mới có khoảng 20 máy tính nên SV có thể mang máy tính xách tay, nhưng vấn đề là không phải ai cũng có chỗ để ngồi. Phạm Tân Tân, SV năm 2 ngành Luật kinh tế của trường bày tỏ: “Mỗi ngày SV chỉ được ngồi 1 giờ máy tính, mà không phải lúc nào cũng có máy trống”.
...đến 4.500 m2
Phần lớn TV của các trường ĐH đang trong giai đoạn “số hóa”. Nhiều trường mới chỉ có dữ liệu về tên sách để SV lên tra cứu chứ chưa có toàn văn. Cơ sở dữ liệu điện tử của trường ĐH Sài Gòn bao gồm tập hợp những đề tài nghiên cứu. TV điện tử trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cũng mới chỉ có danh mục tên sách chứ chưa có e-book. TV trường ĐH Kinh tế TP.HCM thông qua Quỹ Dự án giáo dục ĐH II (TRIG) đã tiến hành mua các cơ sở dữ liệu lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh... |
Thạc sĩ Dương Thúy Hương, Phó giám đốc TV trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cho biết, hiện nay TV của trường có trên 60 ngàn đầu sách và hằng năm trường đầu tư khoảng 500 triệu đồng cho việc bổ sung sách, thiết bị. Trường dành hẳn 2 lầu làm TV, gồm các phòng lưu hành, phòng đọc, phòng máy, phòng tạp chí, phòng đa phương tiện...
Trường ĐH Luật TP.HCM được xem là một trong những trường có TV tốt ở khu vực phía Nam với sự tài trợ của tổ chức SIDA (Thụy Điển). TV điện tử chuyên ngành luật của trường có vốn đầu tư 1 triệu USD gồm tòa nhà 3 tầng, trang bị hệ thống máy lạnh với tổng diện tích sử dụng là 2.100 m2.
“Một số trường do chưa có điều kiện xây dựng nên TV còn cũ kỹ, lạc hậu. Nhưng một số trường đầu tư xây dựng những tòa nhà TV quá lớn lại có dấu hiệu lãng phí”, thạc sĩ Nguyễn Minh Hiệp, GĐ Thư viện trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM tâm tư như vậy trước thực trạng này. Ông giải thích thêm, có nhiều TV đầu tư lớn nhưng chủ yếu là cái vỏ bên ngoài, SV đến đây phần lớn cũng không phải để học tập hay nghiên cứu mà chủ yếu để... giải trí!
Sinh viên không hài lòng Năm 2009, Trần Phương Thanh, SV trường ĐH Ngân hàng TP.HCM thực hiện tiểu luận “Nghiên cứu chất lượng TV ở các trường ĐH tại Thủ Đức TP.HCM”. Thanh đã khảo sát 130 SV các trường khác nhau và đều nhận được ý kiến không hài lòng với TV của trường. Theo tiểu luận này, những vấn đề bị SV phản ánh nhiều nhất là cơ sở vật chất, thời gian phục vụ và thái độ phục vụ của thủ thư. |
Tuyết Vân - Mỹ Quyên
Bình luận (0)