Thư viện một điều ước

12/04/2009 16:41 GMT+7

Ở cuối làng Chăm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận có một thư viện khá đặc biệt đặt tại nhà riêng ông Quảng Đầm: Thư viện một điều ước.

Đầu năm 2008, khi tham gia Chương trình một điều ước trên truyền hình, anh Quảng Đại Hoàng Băng (con trai ông Đầm) ước ao có một thư viện giúp người nghèo nơi quê anh có sách để đọc, tham khảo. Từ điều ước giản dị ấy, Chương trình hỗ trợ 14 triệu đồng giúp ông Đầm nới rộng căn nhà của mình thêm 25 m2 làm thư viện.  Thư viện có từ điển Pháp-Việt, Anh-Việt; sách về luật, truyện thiếu nhi... tất cả đều là sách cũ, do chương trình quyên góp được. 

Ông Đầm kể: “Trước đây, không có tiền mua sách, con tôi phải đi bộ chục cây số, đến thư viện huyện tìm sách để đọc. Chúng nói sau này có điều kiện sẽ xây dựng thư viện ở làng mình để phục vụ miễn phí cho người nghèo. Thế là mong ước đó đã trở thành hiện thực”. Bạn đọc Thư viện một điều ước chủ yếu là nông dân, học sinh, nên giờ giấc thất thường. Ông Đầm cho biết: “Từ ngày có thư viện, tôi kiêm thêm chức thủ thư, luôn mang chùm chìa khóa bên người để phục vụ bạn đọc. Đôi lúc đang làm cỏ ngoài vườn, thấy có người tới gọi mượn sách, liền chạy vào mở cửa phục vụ bạn đọc. Tuy có bận rộn thêm một chút nhưng tôi thấy rất vui, vì thư viện được hình thành từ điều ước phục vụ người nghèo mà!”.

Để giúp ông Đầm thực hiện điều ước giản dị của mình, Bưu điện tỉnh Ninh Thuận cho biết sẽ trang bị bàn ghế và hỗ trợ sách, báo cũ. Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại Nha Trang sẽ tặng báo Thanh Niên cho thư viện trong một năm.

Do không có bàn ghế nên mọi người đến thư viện đọc sách phải ngồi bệt giữa nền nhà. Ai thích đọc gì thì đến giá sách tự chọn, đọc xong tự giác để lại chỗ cũ. Nhiều bác nông dân không có thời gian ngồi đọc ở thư viện thì có thể mượn sách về nhà. Thư viện đi vào hoạt động chưa được một năm nhưng có nhiều chuyện thú vị. Ông Đầm kể: “Có một cụ già dẫn theo đứa trẻ học lớp 5 đến thư viện xin đọc cuốn sách Mẹo lạ thuốc hay. Cả hai ông cháu cặm cụi, vừa đọc vừa chép vào sổ tay. Khi ra về, ông cụ cảm ơn rối rít vì đã sưu tầm được bài thuốc hay...”.

Tuy đầu sách của thư viện không nhiều nhưng cũng đáp ứng một phần nhu cầu tham khảo sách, báo của người dân trong làng. Nông dân thì tham khảo các tài liệu về kỹ thuật chăn nuôi bò, heo; cách trồng mía, lúa. Nhiều bạn trẻ đến tham khảo các loại sách viết về hôn nhân và gia đình, tập làm cha mẹ. Các em thiếu nhi thì đọc truyện tranh... “Nếu bây giờ cho tôi một điều ước nữa thì tôi ước thư viện có thêm nhiều đầu sách, báo và vài bộ bàn ghế để phục vụ người dân”, ông Đầm nói.

Thiện Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.