|
Đối với những trường học vùng cao khác, hình ảnh như nói trên tưởng như chỉ có trong chuyện cổ tích, chỉ xảy ra khi cái cây mọc rễ lên trời, con nai thôi không muốn ở rừng nữa. Dẫu rằng lũ trẻ đen nhẻm ở trên này đều được đến lớp nhưng có vẻ như ngày trước đối với hết thảy, đến thư viện là một cực hình. Việc đi rẫy cùng với bố mẹ lo cái ăn, đi bắt con chim con cá quen với chúng hơn.
Nhưng hôm nay, hình ảnh những em nhỏ người Pa Kô, Vân Kiều tranh thủ những phút ra chơi ít ỏi để đọc ngấu nghiến những cuốn sách vừa “hái” trên cây xuống đã làm tôi thực sự choáng. Tưởng như đó đã trở thành một thói quen, một phản xạ không điều kiện “Nhờ thư viện treo cả đấy”, thủ thư trẻ Lê Thị Tứ “trấn an” trước vẻ ngạc nhiên của tôi.
Thì ra, các thầy cô giáo ở ngôi trường nép bên núi rừng này đã đặt cho khoảng không gian toàn chai lọ ấy là “thư viện treo”. Ý tưởng có một không hai này do cô Tứ sáng tạo ra và áp dụng từ năm ngoái, thấy hiệu quả bất ngờ nên “bổn cũ soạn lại”. Cô Tứ cho biết ngày đầu lên nhận công tác thấy chẳng em nào ngó ngàng đến thư viện nên cũng hơi buồn. Nhưng cô đã lên mạng, đọc sách và tìm cách để hàng ngàn cuốn sách không bị nằm yên trên giá, làm mồi cho mối mọt.
“Để gầy dựng thư viện, chúng tôi tận dụng những vỏ chai nhựa, sau khi trang trí thật bắt mắt thì cuộn tròn sách vào chai và treo trên cây. Các em học sinh của chúng tôi vốn rất nhút nhát nhưng được đọc sách trong một không gian hoàn toàn thiên nhiên này chẳng em nào có thể cưỡng lại. Giờ chúng tôi chẳng cần phải nhắc, cứ đến giờ nghỉ là các em lại ra gốc cây, hái sách, vừa hóng mát vừa đọc cho nhau nghe…”, Tứ giải thích thêm.
Khỏi phải nói lũ trẻ con đón nhận cái thư viện mới mẻ này hồ hởi đến mức nào, tưởng như những trò chơi hằng ngày như nhảy dây, rượt đuổi chẳng còn sức hấp dẫn nào với chúng. “Có thư viện trên cây, em được đọc bao nhiêu là sách mà cũng được vui vẻ với bạn bè. Hôm nay đọc chưa xong thì gấp lại hôm sau lại lấy ra đọc tiếp. Chúng em còn thi nhau xem trong 1 tuần ai đọc được nhiều sách hơn. Những ngày mưa, chúng em buồn lắm vì thầy cô không treo sách đâu vì sợ ướt”, Hồ Xuân Lý, học sinh lớp 7, thật thà nói.
Phấn khởi với kết quả ngoài mong đợi, ông Trần Văn Hoàng, Hiệu phó Trường THCS Hướng Lộc, nói vui rằng may mà nhà trường được trang bị 10.000 đầu sách các loại không thì thư viện không đáp ứng được nhu cầu đọc của các học sinh. “Đối với học sinh vùng biên giới thì đây là điều diệu kỳ. Các em đã rất hứng thú với văn hóa đọc nên sự hiểu biết được nâng lên và thích đến lớp hơn. Chúng tôi đang nghiên cứu để phát triển ý tưởng này ở các khu vực lẻ, khu vực xa hơn, tạo điều kiện cho các em tiếp cận với các đầu sách mới, hay”, ông Hoàng nói.
Nguyễn Phúc
>> Thư viện sách cho học sinh vùng sâu
>> Xây dựng thư viện phục vụ học sinh
>> Thư viện làng
>> Thư viện làng thắp sáng ước mơ
>> Thư viện lưu động
Bình luận (0)