Thú vui đi chợ đồ xưa ở xứ Thanh

13/07/2017 08:00 GMT+7

Đều đặn cuối tuần, những người yêu đồ cổ , đồ xưa cũ từ khắp các nơi lại đổ về phiên chợ đồ xưa trong khuôn viên Bảo tàng cổ vật Hoàng Long (phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa) để thỏa đam mê sưu tầm cổ vật.

Chợ đồ xưa Thanh Hóa đã tồn tại hơn 10 năm qua, là nơi trưng bày, trao đổi và mua bán những đồ cổ có từ hàng nghìn năm trước, hay những món đồ xưa hiếm thấy. Có người hàng tuần vượt hàng trăm ki lô mét chọn mua đồ để làm phong phú hơn bộ sưu tập của mình, nhưng cũng không ít người đến chỉ để ngắm nhìn, bình phẩm, thậm chí là tranh luận về niên đại, họa tiết trên đồ cổ.
Khoảng 3 năm nay, gần như tuần nào anh Đường Quốc Anh (ngụ tại  huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng lặn lội hơn 150 km từ Hà Nội vào Thanh Hóa để đi chợ đồ xưa. Anh Quốc Anh cho biết: “Có lần tôi đến tìm kiếm một cái đĩa đời Minh để bổ sung vào bộ sưu tập của mình. Tôi thường đến chợ để nhìn ngắm, để nghe nhiều người yêu đồ cổ nói về một chiếc bình, chiếc đĩa đời Trần, đời Lý... Những người đến đây ai cũng có thú vui sưu tầm đồ cổ, đồ xưa. Với tôi, trong cuộc sống, nhiều lúc gặp khó khăn nhưng chỉ cần nhìn vào một cái bình cổ, cái bát cổ là tinh thần lại cảm thấy thoải mái”. Theo anh Quốc Anh, chợ đồ xưa Thanh Hóa tổ chức rất có ý nghĩa, ngoài thỏa thú vui sưu tầm đồ cổ còn là nơi lưu giữ được các giá trị về văn hóa dân tộc, bởi thế khi đến đây, mua bán không phải điều quan trọng.

tin liên quan

Bạn trẻ đi 'săn' và lạc vào thế giới đam mê đồng hồ cũ
Chưa hẳn đã “săn” được những chiếc đồng hồ đeo tay có giá trị đắt đỏ đến từ các thương hiệu lừng danh nhưng một số bạn trẻ đã và đang say mê những chiếc đồng hồ có tuổi bằng chính tuổi đời của họ. n” được những chiếc đồng hồ đeo tay có giá trị đắt đỏ đến từ các thương hiệu lừng danh nhưng một số bạn trẻ đã và đang say mê những chiếc đồng hồ có tuổi bằng chính tuổi đời của họ. 
Hòa mình vào không gian xưa cũ
Ông Lê Bá Tuyển (ngụ tại TP.Thanh Hóa) cho biết ông rất say mê và đã dày công sưu tầm cổ vật. Hồi còn công tác, ông không có thời gian sưu tầm, nhưng nay tuần nào ông cũng đến chợ đồ xưa để được hòa mình vào không gian xưa. “Khi tôi nhìn vào những món đồ xưa thì cảm thấy thời gian cả nghìn năm trước đọng lại. Tôi thú nhất là đắm mình vào những đồ cổ, nghĩ thử xem chiếc chén đó, chiếc bát đó, cái đĩa đó, cả nghìn năm trước, các bậc tiền nhân đã điêu luyện, tinh tế và tài năng như thế nào để làm ra”, ông Tuyển nói.
Ông Lê Hạc (78 tuổi, ngụ tại TP.Thanh Hóa) cũng thường tới chợ đồ xưa để sưu tầm ấm trà cổ. Trong giới chơi đồ cổ ở xứ Thanh, ông Hạc vốn rất nổi tiếng bởi chỉ "chơi", sưu tầm độc nhất một loại đồ cổ là ấm trà. Ông Hạc cho biết trong bộ sưu tập gần 2.000 ấm trà của mình, nhiều chiếc được ông tìm thấy ở chợ đồ xưa này. “Tôi say sưa với ấm trà cổ gần 50 năm nay bởi yêu những đường nét, hoa văn thể hiện trên từng chiếc ấm. Một số đồ cổ “độc” tôi sưu tầm được ở phiên chợ đồ xưa. Phiên chợ là không gian rất đặc biệt để những người yêu đồ cổ như tôi có nơi giao lưu, trao đổi, qua đó giữ gìn được những cổ vật quý hiếm của dân tộc”, Hạc nói.
Ông Hoàng Văn Thông, Giám đốc Bảo tàng cổ vật Hoàng Long cho hay, vì mong muốn có một không gian riêng cho những người yêu đồ cổ, đồ xưa nên từ năm 2003 ông đứng ra tổ chức chợ đồ xưa. “Cốt lõi của chợ không phải chỉ để mua - bán mà qua đó nâng cao ý thức của mỗi người trong việc giữ gìn các giá trị về văn hóa, lịch sử của dân tộc bằng hiện vật”, ông Thông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.