Thua lỗ vì "lô cốt" - Bài 3: Miễn, giảm thuế cho các hộ kinh doanh

17/03/2009 22:08 GMT+7

Trong khi việc khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do “lô cốt” đang được các cơ quan chức năng xem xét, thì yêu cầu xem xét miễn, giảm thuế để bù đắp phần nào khó khăn, thua lỗ cho các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng xem ra khả thi. Mời nghe đọc bài

Được miễn, giảm thuế cũng chưa hết lo 

Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP.HCM cho rằng, đã đến lúc phải xem xét việc đặt rào chắn thi công các công trình xây dựng phục vụ nhu cầu dân sinh diễn ra trên đường phố không còn ở góc độ bụi bặm, cản trở giao thông... mà còn là vấn đề kinh tế. “Dù chưa có con số chính thức thống kê mức độ thiệt hại, nhưng qua quan sát, cộng với sự hiểu biết ít nhiều trong kinh doanh, tôi thấy những nơi có đặt lô cốt, thì hầu như mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng...”, ông Khoa nói. Trước tiếng kêu của các hộ kinh doanh bị thiệt hại do “lô cốt” gây ra, theo ông Khoa, các cơ quan chức năng cần xem xét xử lý vấn đề này một cách thấu đáo và công bằng. Sự ảnh hưởng này cần được ngành thuế và chính quyền các cấp xem xét, xử lý thấu tình, đạt lý, nhằm giảm bớt thiệt hại cho các hộ kinh doanh, cụ thể việc miễn, giảm thuế được tính theo tháng, quý hoặc năm. 

Trao đổi với Thanh Niên, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Nguyễn Đình Tấn nói đối với các hộ kinh doanh cá thể thì “vì bất kỳ lý do gì chứ không chỉ bị ảnh hưởng do “lô cốt” gây ra, khiến doanh thu giảm sút thì phải đến chi cục thuế quận, huyện đề nghị giảm thuế”.

Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo hôm qua cho biết đã chuyển kiến nghị về hỗ trợ miễn, giảm thuế đối với các hộ buôn bán, kinh doanh bị ảnh hưởng trong thời gian thi công các công trình rào chắn đào đường. “Đề nghị này đã được UBND TP chấp thuận”, bà Thảo nói.

Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh Nguyễn Thị Thu Hà sau khi nhìn nhận việc thi công các công trình thoát nước đặt rào chắn làm ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh của các hộ dân trên địa bàn, cũng cho biết: “Đã chỉ đạo Chi cục Thuế tập hợp các trường hợp bị ảnh hưởng trình cho Hội đồng tư vấn thuế quận xem xét việc giảm thuế”. 

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Sở GTVT TP cũng đồng tình: “Sở hoàn toàn ủng hộ việc giảm thuế cho các hộ dân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi “lô cốt”, thậm chí cần thiết tính đến miễn thuế cũng thỏa đáng. 

Tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi, việc miễn, giảm thuế cũng chưa làm người dân vơi đi nỗi lo. Bà Lê Thị Loan, chủ cửa hàng giày N&T, số 408B Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.25, Q.Bình Thạnh, bày tỏ: Việc miễn, giảm thuế cũng chẳng thấm vào đâu so với tiền thuê mặt bằng, tiền thuê nhân viên, tiền điện nước. “Do lô cốt án ngữ mặt tiền kinh doanh, tính ra tôi lỗ 10 triệu đồng/tháng, trong khi tiền thuế hằng tháng cửa hàng tôi chỉ đóng khoảng 1 triệu đồng”. 

Còn bà Đỗ Thị Phương Thủy, chủ cửa hàng giày Trang (số 408C Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.25, Q.Bình Thạnh) thì tha thiết: “Điều mong mỏi của những người buôn bán kinh doanh như tụi tui là làm sao đơn vị thi công phải thấy được nỗi khổ của người dân, đẩy nhanh thi công, dỡ bỏ lô cốt đúng tiến độ, chứ đừng hứa suông rồi đâu lại vào đấy”. 

Nơi giảm, nơi không

Trong khi đó, vào vai một hộ dân bị ảnh hưởng bởi “lô cốt” của dự án Nâng cấp đô thị VN, lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, đoạn đường u Cơ (P.Tân Thành, Q.Tân Phú) chúng tôi đến liên hệ Chi cục Thuế Q.Tân Phú để hỏi thủ tục xin miễn, giảm thuế. Nhưng thật bất ngờ vì nhân viên bộ phận tư vấn thuế, tên Nguyễn Tấn Phát, trả lời thẳng: “Không có chuyện miễn giảm thuế, chỉ khi nào Chính phủ có văn bản mới áp dụng được”. Sau một hồi nghe chúng tôi than, anh Phát mới chịu hướng dẫn: “Nếu không kinh doanh được thì đóng cửa, có đơn xin tạm nghỉ kinh doanh trong thời gian dự án thi công thì sẽ được miễn thuế. Không có doanh thu đương nhiên không phải nộp thuế”.

Trái ngược với cách giải thích trên, tại Chi cục Thuế Q.1, Đội trưởng Đội tư vấn thuế Nguyễn Thanh Lâm giải thích cặn kẽ với chúng tôi rằng: “Theo Thông tư 60 ngày 14.6.2007 của Bộ Tài chính đã quy định rất rõ về trường hợp này. Nếu kinh doanh giảm sút vì “lô cốt” chẳng hạn, thuộc vào trường hợp có thay đổi quy mô kinh doanh, quy mô khai thác. Thông tư 60 quy định trường hợp này hộ kinh doanh liên hệ với cơ quan thuế kê khai bổ sung để cơ quan thuế xác định lại số thuế khoán cho phù hợp với thực tế. Số thuế khoán được xác định cho từng tháng, ổn định khoán trong một năm, nếu có thay đổi thì vẫn được tính lại”. Ông Lâm cho biết thêm, ở Chi cục Thuế Q.1, với những hộ kinh doanh bị vướng lô cốt phải đóng cửa nghỉ thì được miễn thuế, còn hoạt động cầm chừng thì cơ quan thuế sẽ lập danh sách thực hiện việc giảm thuế theo quy định chung. “Tuy nhiên nếu có hộ nào bị sót thì có thể chủ động làm đơn yêu cầu xem xét lại mức thuế khoán. Nhân viên thuế sẽ tiến hành kiểm tra, trình lãnh đạo giải quyết theo đúng quy định của pháp luật”, ông Lâm nói.

“Lô cốt” án ngữ các cửa tiệm đồ điện gia dụng trên đường Nguyễn Biểu - Ảnh: Minh Nam

Minh Nam - Lê Nga - Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.