Thi công lắp đặt đường ống dẫn nước tại Q.12, TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Dân Sài Gòn phải dùng nước sông
Hàng trăm hộ dân ở khu phố Trường Khánh, P.Long Phước, Q.9 nhiều năm nay thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Trong 6 tháng mùa mưa, người dân phải huy động bồn chứa, can nhựa các loại để chứa nước mưa. Mùa khô, tình trạng thiếu nước càng trở nên nguy cấp. Người dân phải đi gần hai cây số mới mua được nước sạch với giá cao nên chỉ dùng để ăn uống, còn việc tắm giặt và các nhu cầu sinh hoạt khác đều trông chờ vào các con mương, kênh rạch gần nhà.
Nước từ kênh rạch được bơm trực tiếp vào bồn chứa mà không thông qua một quy trình xử lý nào. Dù vậy người dân vẫn phải chấp nhận bởi vào những thời điểm nước cạn, kênh rạch khô khốc không còn lấy một giọt, việc phải nhịn tắm nhịn giặt đôi ba ngày là chuyện bình thường.
Bà Nguyễn Thị Hạnh ở 873/34 Long Phước, tổ 32, khu phố Trường Khánh, P.Long Phước, Q.9 cho biết: “Mùa khô, chúng tôi bơm nước sông để sinh hoạt kể cả ăn uống, tắm giặt vì mua nước máy giá rất cao. Cũng biết nước sông độ rày rất dơ, không còn sạch như xưa và nhiễm mặn, nhưng dù sao có còn hơn không…”.
Gần 20 hộ dân ngụ hẻm 76 Dương Cát Lợi, thị trấn Nhà Bè, H.Nhà Bè lâu nay vẫn phải sống trong cảnh khổ sở vì không có nước máy. Mặc dù ở ngay trung tâm thị trấn nhưng phải câu nhờ nước của những hộ bên ngoài, với giá cao gấp 3, 4 lần giá nước quy định. Các hộ dân đã kiến nghị nhiều lần lên Công ty CP cấp nước Nhà Bè nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Lý do là các hộ dân phía bên ngoài hùn tiền làm đường ống trước đó không đồng ý cho các hộ bên trong đấu ống.
Khó kêu gọi đầu tư đường ống
|
Ông Trần Đình Phú, TGĐ TCT cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, Nhà máy nước Thủ Đức 3, công suất 300.000 m3/ngày đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành cuối năm 2014, nâng tổng công suất cấp nước của Sawaco lên 1.950.000 m3/ngày. Nhà máy nước Tân Hiệp 2, công suất 300.000 m3/ngày, vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng cũng sẽ hoàn thành năm 2015, nâng tổng công suất cấp nước của TP lên 2.250.000 m3/ngày. Tổng công suất phát nước của TP hiện 1.650.000 m3/ngày.
Nhưng theo ông Bạch Vũ Hải, Phó TGĐ Sawaco, để tiếp nhận và tiêu thụ hết công suất cấp nước trên, nhất là cung cấp cho những hộ dân đang cần nước sạch, TP cần phải đầu tư lắp đặt thêm gần 94 km đường ống cấp 1, cấp 2 (đường kính 300 - 1.800 mm) với tổng vốn đầu tư gần 2.322 tỉ đồng để bổ sung nguồn nước sạch cho các quận 3, 5, 7, 9, 10, Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú, H.Nhà Bè, H.Bình Chánh. Đồng thời còn phải lắp đặt thêm 1.085 km đường ống cấp 3 (đường kính 100 - 300 mm) trên các tuyến đường chính, để dẫn nước đến các khu vực dân cư; lắp đặt đồng hồ tổng tại những khu vực quy hoạch chưa giải tỏa, hoặc tại đầu các hẻm không đủ điều kiện lắp đặt đường ống cấp nước… với tổng vốn đầu tư trên 2.200 tỉ đồng.
Lý giải tình trạng thừa nhà máy, thiếu đường ống, ông Bạch Vũ Hải cho biết, việc kêu gọi nhà đầu tư xây dựng các nhà máy nước lâu nay khá dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần đã và đang tham gia góp vốn hoặc làm chủ đầu tư xây dựng các nhà máy nước rồi bán sỉ cho Sawaco. Ngược lại, việc kêu gọi đầu tư vào mạng lưới đường ống cấp nước rất khó khăn, do thời gian thu hồi vốn rất lâu, trầy trật. Chưa kể, vốn đầu tư mạng lưới đường ống cao gấp 1,5 lần so với đầu tư nhà máy nước khiến các nhà đầu tư không mặn mòi. Vì vậy mạng lưới đường ống cấp nước lâu nay vẫn chỉ có nhà nước đầu tư.
Mục tiêu 100% hộ dân được cấp nước sạch cuối năm 2014 là nhiệm vụ rất khó khăn khi tình trạng thiếu đường ống vẫn chưa có giải pháp hiệu quả.
Đình Mười
>> 70.000 hộ dân ở Hà Nội vẫn chưa có nước sạch vì vỡ đường ống
>> Nước sạch cho cư dân
>> Nước sạch tăng giá: Người dân phải tính toán lại thu chi hằng ngày
>> Khổ vì thiếu nước sạch
Bình luận (0)