Thúc đẩy kinh tế số ‘Make in Vietnam’

13/05/2021 08:00 GMT+7

Trong cuộc đua tiên phong, dẫn dắt chuyển đổi số, kinh tế số quốc gia bằng chính nền tảng số hóa Make in Vietnam, những đầu tàu lớn đã dần lộ diện.

Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT: “Chuyển đổi số không chỉ là mệnh lệnh, sứ mệnh mà còn quyết định số mệnh của VNPT”

Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT: “Chuyển đổi số không chỉ là mệnh lệnh, sứ mệnh mà còn quyết định số mệnh của VNPT”

“Muốn đi xa, phải đi cùng nhau”

Cuối tháng 4, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN (VNPT) và Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã thông qua thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số, với kỳ vọng phát huy tối đa thế mạnh của 2 doanh nghiệp Make in Vietnam. Cái bắt tay này là hình ảnh biểu tượng cho nhiều dấu mốc: sự dịch chuyển đúng xu thế của Rạng Đông - doanh nghiệp công nghiệp truyền thống và vai trò, tầm nhìn của VNPT với vị thế Tập đoàn công nghệ cung cấp các nền tảng và dịch vụ công nghệ số hàng đầu của quốc gia và khu vực.
Ông Ngô Diên Hy, Tổng giám đốc Công ty VNPT-IT, đơn vị thành viên của VNPT cho biết, VNPT và Rạng Đông đã ký kết triển khai nền tảng internet kết nối vạn vật (IoT Platform), bước đầu ứng dụng cho hệ thống chiếu sáng thông minh dành cho đô thị, tiếp tới là tích hợp vào Trung tâm điều hành thành phố thông minh IOC. Giai đoạn sau đó trên một nền tảng IoT duy nhất sẽ mở rộng ra các lĩnh vực như chiếu sáng thông minh cho nông nghiệp, kết nối nhà máy thông minh.
VNPT và Rạng Đông cũng sẽ đồng hành phát triển kết nối IoT Platform và các thiết bị thông minh cho khách hàng, hợp tác xây dựng các mô hình chuyển đổi số Nông nghiệp thông minh, Bệnh viện thông minh, Lớp học thông minh có khả năng nhân rộng trên toàn quốc, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Đây cũng là tinh thần từng được ông Huỳnh Quang Liêm, quyền Tổng giám đốc VNPT đề cập: “có câu Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Tôi nghĩ rằng muốn đi nhanh trong chuyển đổi số chúng ta cần phải đi cùng nhau, tận dụng các thế mạnh, hợp tác với nhau để rút ngắn thời gian trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ rất cao”.
Ngoài chuyển đổi cho các ngành hay lĩnh vực, VNPT đang lĩnh sứ mệnh tiên phong chuyển đổi số cho các DN. Với khối Tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn, trước đó VNPT đã thực hiện chuyển đổi số cho Tổng công ty Xi măng VN, Vietnam Airlines, Tập đoàn Than và Khoáng sản VN, Tập đoàn cao su VN, Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV)…
Đặc biệt, VNPT còn đặc biệt quan tâm tới chuyển đổi số cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Đầu tháng 4, VNPT và Hội Tin học TP.HCM (HCA) đã thỏa thuận hợp tác trong chuyển đổi số, nhằm cung cấp trọn gói bộ giải pháp cho khách hàng. Với lợi thế cộng đồng khách hàng lớn, tiên phong về công nghệ và giải pháp, VNPT mong muốn kết nối hệ thống cộng đồng doanh nghiệp CNTT, để tạo bệ phóng giúp các DN đưa sản phẩm của mình ra thị trường nhanh và hiệu quả nhất.
VNPT đã phát triển hệ sinh thái các giải pháp để có thể giúp số hoá hoàn toàn một DN, từ hệ thống xác thực và định danh điện tử (eKYC), hệ thống quản lý kho hàng (VNPT Inventory), hệ thống kế toán doanh nghiệp (VNPT FMS), hệ thống quản trị nguồn nhân lực (VNPT HRM), hệ thống quản lý kênh phân phối (VNPT DMS), chữ ký số, hoá đơn điện tử…

Điểm tựa chuyển đổi số

Hiện, Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ TT-TT chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số, dự kiến hoàn thành trong tháng 8.2021. Theo Bộ TT-TT, VN đang đứng trước những cơ hội rất lớn để phát triển kinh tế số. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, VN đang đi cùng thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cách mạng chuyển đổi số và có cơ hội lớn để bứt phá, vươn lên.
Để sẵn sàng đón đầu lộ trình chuyển đổi số quốc gia, VNPT đã và đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp trong hệ sinh thái số của mình. Nói như ông Huỳnh Quang Liêm: “VNPT muốn dẫn dắt chuyển đổi số thì tự thân phải chuyển đổi số. VNPT phải làm, phải thành công, phải có năng lực giúp các tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi số thì họ mới có niềm tin đồng hành cùng”.
Ông Huỳnh Quang Liêm, quyền Tổng giám đốc VNPT: “Cần hợp tác để rút ngắn thời gian trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ rất cao”

Ông Huỳnh Quang Liêm, quyền Tổng giám đốc VNPT: “Cần hợp tác để rút ngắn thời gian trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ rất cao”

Từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống, VNPT đã chuyển mình mạnh mẽ sang một nhà cung cấp dịch vụ số, hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại VN và Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á vào năm 2025. Để xây dựng và triển khai các nền tảng công nghệ mới nhất thế giới tại VN, VNPT đang hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới để cùng nghiên cứu, phát triển, chuyển giao các ứng dụng công nghệ 4.0 như AI, Blockchain, Cloud, Cyber Security… Xây dựng các nền tảng Việt tiệm cận với thế giới, tăng hàm lượng công nghệ mới cùng nhịp với thế giới là lựa chọn của VNPT, giúp các sản phẩm dịch vụ số VNPT khác biệt và hiệu quả.
VNPT ký hợp tác chuyển đổi số cùng các doanh nghiệp thuộc Hội Tin học TP.HCM

VNPT ký hợp tác chuyển đổi số cùng các doanh nghiệp thuộc Hội Tin học TP.HCM

VNPT cũng đang định hình vai trò “điểm tựa” chuyển đổi số cho các doanh nghiệp VN ở tất cả các lĩnh vực và quy mô khác nhau. Theo ông Phạm Đức Long, với VNPT những năm tới đây chuyển đổi số không chỉ là mệnh lệnh, sứ mệnh mà còn quyết định số mệnh của VNPT. Lý do trong bối cảnh mảng viễn thông ngày càng suy thoái, cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì chuyển đổi số sẽ mở ra cơ hội sinh tồn và phát triển bằng việc cung cấp các dịch vụ số, công nghệ số mới cho doanh nghiệp, tổ chức, trong một nền kinh tế số đang ngày càng mở rộng.
Khát vọng của VNPT không chỉ dừng lại ở một lĩnh vực nhất định trong chuyển đổi số. Theo “thuyền trưởng” Phạm Đức Long - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT: “Ở VNPT khi nói đến dịch vụ số là nói đến khái niệm “Dải ngân hàng số”, với đầy đủ các dịch vụ số được kết nối với nhau để tạo thành một xã hội số thông minh. Trong xã hội số đó, sẽ có Chính phủ điện tử, Thành phố thông minh, Doanh nghiệp số và những Công dân số”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.