Có thể nói, ngành dệt may là chịu tác động nhiều nhất khi thực hiện cam kết mức giảm thuế nhập khẩu tới 63%. Cụ thể, mặt hàng vải giảm từ 40% xuống còn 12%, một số mặt hàng sợi giảm từ 20% xuống còn 5%, quần, áo từ 50% xuống còn 20%. Đây là cơ hội lớn cho quần áo, vải vóc nước ngoài thâm nhập vào thị trường nội địa và có thể nói cuộc cạnh tranh gay gắt giữa hàng nhập khẩu với hàng sản xuất trong nước đã khởi động.
Đã có nhiều ý kiến lo ngại cho ngành dệt may trong nước trước tình hình này. Tuy nhiên, một số người trong cuộc thì lại đầy lạc quan. Ông Phạm Xuân Hồng, Giám đốc Công ty may Sài Gòn 3 nhận định: "Từ trước tới nay, thị trường nội địa vẫn luôn bị cạnh tranh với hàng không thuế (hàng nhập lậu) nhưng các DN vẫn phát triển tốt. Trên thực tế, hàng Việt Nam chất lượng rất tốt, không thua kém hàng nhập nhưng do không có thương hiệu nên vẫn thường bị chèn ép. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các DN trong nước cũng đã xác định đúng đắn phân khúc thị trường. Hàng nhập khẩu muốn cạnh tranh tại thị trường trong nước phải là những nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới. Mà với mặt hàng này, kể cả khi đã giảm thuế, giá vẫn khá cao nên thị phần còn rất nhỏ".
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM phân tích cụ thể: "Đối với mặt hàng may sẵn cao cấp, tôi nghĩ đây là cơ hội cho hàng hiệu của các "đại gia" thế giới khai thác thị trường Việt Nam. Nhưng những người yêu thích hàng hiệu khoan hãy mừng vội vì chỉ giảm thuế thôi thì chưa chắc giá bán sẽ giảm nhiều. Riêng ở phân khúc hàng trung cấp và thấp cấp tôi nghĩ sức ép sẽ rất lớn vì đây chính là phân khúc mà các doanh nghiệp VN đang khai thác mạnh.
Về lý thuyết, ai cũng cho rằng với mức cắt giảm thuế như vậy hàng ngoại, đặc biệt ở các nước ASEAN, sẽ tràn vào. Nhưng trên thực tế khi ta giảm thuế theo AFTA (khu vực thương mại tự do ASEAN) với mức thuế suất 0-5%, hàng may sẵn Việt Nam vẫn đứng vững. Tôi nghĩ lần này cũng vậy, sẽ không có biến động gây sốc cho ngành may sẵn nội địa. Tuy nhiên, ở phân khúc thị trường cấp thấp, gần như chúng ta đang bỏ ngỏ. Tôi nghĩ hàng Trung Quốc, lâu nay vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch, sẽ có cơ hội tràn vào, nhất là khu vực nông thôn".
Mặt hàng bánh kẹo trong dịp Tết này theo dự đoán sẽ vô cùng đa dạng bởi sự xuất hiện của nhiều thương hiệu mới từ nước ngoài do mức thuế suất cắt giảm từ 30% xuống còn 20%. Giám đốc Công ty bánh kẹo Biên Hòa (Bibica) cho rằng công ty đã dự đoán được tình hình nên để giữ được thị phần trên sân nhà, Bibica đã chủ động đổi mới công nghệ, sản xuất những sản phẩm đón đầu nhu cầu thị trường, phù hợp với xu hướng tiêu dùng bảo đảm dinh dưỡng và sức khỏe trên thế giới.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô tự tin: "Việc giảm thuế nhập khẩu bánh kẹo từ 30% xuống 20% chỉ tác động chủ yếu đến một số mặt hàng bánh kẹo cao cấp như socola, bánh kookie... Với những loại bánh hạng trung và thấp thì không có gì đáng lo vì giá của ta hiện nay còn xuất khẩu được. Chúng tôi có ưu thế về giá cả và sự hiểu biết sâu sắc khẩu vị của người tiêu dùng nội địa, bánh kẹo nhập khẩu không dễ cạnh tranh".
Một số mặt hàng sẽ được cắt giảm thuế nhập khẩu từ ngày 1.1.2007 Sản phẩm nhựa dùng trong gia đình: giảm 20%; hàng dệt may: giảm 63%; giày dép mũ các loại: giảm 20%; đồng hồ các loại: giảm 25%; chè: giảm 20%; thịt chế biến (hộp): giảm 20%; gạch ốp: giảm 17%; đồ sứ: giảm 17% - 20%; thủy tinh, kính: giảm 10%; bia: giảm 20%; một số loại ắc quy: giảm 20%; mỹ phẩm các loại, xà phòng: giảm 20 - 40%; đồ trang sức bằng kim loại quý, đá quý, ngọc trai: giảm 25%; quạt điện: giảm 25%; một số linh kiện chính của ô tô: giảm 10 - 17%; bánh kẹo các loại: 20 - 30%; một số dầu thực vật: giảm 20 - 40%; hoa, cây cảnh: giảm 25%; một số loại rau (cà tím, nấm, ớt): giảm 40%; ngô loại đã rang nở: giảm 40%; giấy in báo: giảm 12%... |
Trung Bình - - Nguyên Hằng
Bình luận (0)