Thực hiện chính sách tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn ở Đức Trọng

30/07/2021 08:00 GMT+7

Huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã thực hiện hiệu quả các chế độ chính sách trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế xã hội ở những vùng này.

Nhờ thực hiện tốt chế độ chính sách, đầu tư có hiệu quả, vùng DTTS ở Đức Trọng đã “thay da đổi thịt”

Nhờ thực hiện tốt chế độ chính sách, đầu tư có hiệu quả, vùng DTTS ở Đức Trọng đã “thay da đổi thịt”

Đức Trọng có diện tích tự nhiên 90.180 ha, dân số 180.206 người (năm 2020), trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là 62.985 người, chiếm tỉ lệ 33,4% dân số toàn huyện, với 20 DTTS cùng sinh sống.
Theo UBND H.Đức Trọng, giai đoạn 2016 - 2020, huyện có xã Đa Quyn là xã ĐBKK theo quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20.6.2017 của Thủ tướng Chính phủ; 6 thôn (Tân Hạ, Tơmrang, Chơ Rung, Toa Cát thuộc xã Đa Quyn và Klong Bong, Cha Rang Hao thuộc xã Tà Năng) là thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) theo quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28.4.2017 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, theo các quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433/QĐ-UBND ngày 18.6.2021 của Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc v/v phê duyệt danh sách xã, thôn ĐBKK khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 thì Đức Trọng không còn xã ĐBKK, chỉ còn 5 thôn ĐBKK (thôn Ma Bó, Chơ Rung, Toa Cát xã Đa Quyn và thôn Klong Bong, Cha Rang Hao xã Tà Năng).
Những năm qua, việc thực hiện chính sách đối với xã ĐBKK (xã Đa Quyn) được địa phương quan tâm, chú trọng. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, mô hình giảm nghèo và chuyển đổi ngành nghề trên địa bàn xã đã thực hiện với kinh phí hơn 6,1 tỉ đồng (587 hộ thụ hưởng). Xây dựng 18 công trình đường giao thông nông thôn với hơn 21,3 tỉ đồng. Hàng năm thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh cũng như thực hiện đầy đủ việc trợ cấp cho học sinh, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh theo quy định. Từ năm 2016 - 2020, UBND xã đã mở 6 lớp đào tạo nghề cho 190 lao động nông thôn (chủ yếu là người đồng bào DTTS); xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm cho người lao động mang lại hiệu quả. Hằng năm, UBND xã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Năng nhận giao khoán rừng bảo vệ rừng cho người dân và đã có 1.402 lượt hộ nhận khoán bảo vệ rừng, tổng diện tích giao khoán hơn 25.000 ha, tổng kinh phí đã chi trả hơn 10 tỉ đồng. Cùng với đó, các hộ DTTS đều được hỗ trợ cấp thẻ BHYT 100%; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo đạt hơn 124,6 triệu đồng/ 248 lượt hộ; hỗ trợ 35 căn nhà cho 35 đối tượng thuộc hộ nghèo với hơn 1,8 tỉ đồng (trong đó NSNN hỗ trợ và xã hội hóa gần 1,4 tỉ đồng, còn lại người dân đối ứng).
Trường lớp được đầu tư khang trang, các chế độ chính sách cho học sinh DTTS vùng ĐBKK được thực hiện đầy đủ

Trường lớp được đầu tư khang trang, các chế độ chính sách cho học sinh DTTS vùng ĐBKK được thực hiện đầy đủ

Trong khi đó, các chính sách đối với 6 thôn ĐBKK (thôn Klong Bong, Cha Rang Hao – xã Tà Năng và thôn Tân Hạ, Tơmrang, Chơ Rung, Toa Cát - xã Đa Quyn) cũng được thực hiện rất tốt. Các chương trình dự án về hỗ trợ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách nhà ở, chính sách hỗ trợ y tế, chính sách giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, chính sách hỗ trợ giáo dục… với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng và được thực hiện rất thiết thực, mang lại hiệu quả cao.
UBND huyện Đức Trọng, nhìn nhận: dù vẫn còn những khó khăn nhất định, song việc triển khai thực hiện các chính sách đã giúp đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn xã, thôn ĐBKK vùng DTTS được nâng cao đáng kể. Kinh tế, xã hội tại các xã, thôn ĐBKK vùng DTTS nói riêng và trên toàn huyện nói chung ngày một phát triển, hệ thống giao thông vận tải, hạ tầng kỹ thuật từng bước được hoàn thiện. Hệ thống y tế, giáo dục và công tác vệ sinh môi trường ngày càng được quan tâm và đạt hiệu quả tích cực, an ninh trật tự được bảo đảm bảo. Qua 5 năm thực hiện, số hộ nghèo của xã Đa Quyn đã giảm 87% từ 341 hộ (năm 2016) xuống còn 41 hộ (năm 2020); số hộ nghèo tại 2 thôn ĐBKK của xã Tà Năng giảm 71% từ 46 hộ (năm 2016) xuống còn 13 hộ (năm 2020).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.