Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới: Nhiều nỗi lo dạy học 2 buổi/ngày

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
24/05/2019 07:27 GMT+7

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới , một trong những thay đổi cơ bản ở bậc tiểu học là thực hiện bắt buộc dạy và học 2 buổi/ngày. Thực tế về trường lớp, đội ngũ giáo viên... liệu có đáp ứng được yêu cầu này?

Toàn quốc chưa đủ mỗi lớp 1 phòng học

Cần thêm hàng chục ngàn phòng học
Theo Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 đã được Chính phủ ban hành, giai đoạn 2017 - 2020, đối với tiểu học, đầu tư xây dựng 5.900 phòng học kiên cố thay thế các phòng học tạm thời. Xây dựng bổ sung 6.000 phòng học, 7.770 phòng chức năng (giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, thiết bị giáo dục, hỗ trợ giáo dục khuyết tật học hòa nhập), 3.420 phòng thư viện... Mua sắm bổ sung 39.070 bộ thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 1 và lớp 2, có 258.620 bộ bàn ghế 2 chỗ ngồi, 13.910 bộ máy tính và 1.980 bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết tỷ lệ học sinh (HS) tiểu học học 2 buổi/ngày toàn quốc hiện gần 80%. Nhiều địa phương đã đạt tỷ lệ 100% HS học 2 buổi/ngày như: Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam. Những tỉnh có tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày thấp là Tuyên Quang (40,3%), Bình Thuận (41,9%), Cà Mau (48,7%), Trà Vinh (48,3%), An Giang (48,3%), Đồng Nai (30%), Hưng Yên (40%)...
Toàn quốc hiện có 15.525 trường, trung bình 1,39 trường tiểu học/xã phường. Tỷ lệ phòng học của tiểu học trung bình chung cả nước là 0,89 (miền núi phía bắc 0,9; Tây nguyên 0,85; Tây Nam bộ 0,7). Như vậy, vẫn chưa đảm bảo mỗi lớp có một phòng học riêng, trong khi đó để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì điều kiện tối thiểu là tỷ lệ phòng học phải đạt 1,0 (1 lớp/phòng học).
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị góp ý cho dự thảo hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo ông Tài, các địa phương cần tập trung nguồn lực, lồng ghép các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án để đủ phòng học theo lộ trình thực hiện sách giáo khoa (SGK) ở cấp tiểu học.
Để đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025. Theo đó, sẽ xây dựng lại và xây mới nhiều trường lớp học, phòng học chức năng... để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Hàng chục ngàn giáo viên chưa yên tâm công tác


Về đội ngũ giáo viên (GV) để đáp ứng nhu cầu dạy học 2 buổi/ngày, ông Tài cho biết tỷ lệ GV toàn quốc là 1,42, cơ bản đủ để thực hiện. Tuy nhiên, số GV đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động khá nhiều (toàn quốc có 383.771 GV tiểu học, trong đó biên chế chính thức 324.856, còn lại 58.915 thực hiện chế độ hợp đồng). Số GV chưa được xét tuyển biên chế chính thức không yên tâm công tác.
Theo ông Tài, Bộ GD-ĐT đã báo cáo Chính phủ về đề xuất định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện chương trình mới, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ thực hiện và Bộ Nội vụ đã có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, TP rà soát bổ sung biên chế sự nghiệp cho ngành giáo dục và y tế để có phương án giao bổ sung trong thời gian tới. Kết quả rà soát cho thấy, các địa phương hiện có tỷ lệ GV thấp cần tiến hành lên phương án tuyển dụng để đảm bảo thực hiện dạy học 2 buổi/ngày có thể kể đến Sơn La, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Hà Giang, Tuyên Quang, Hưng Yên...
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn tiếng Anh và tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc (từ lớp 3) thay vì môn học tự chọn như hiện nay. Trong khi đó, số lượng GV hợp đồng ở tiểu học hiện nay tập trung rất nhiều ở 2 môn học này. Do vậy, Bộ GD-ĐT cũng xác định các địa phương cần đặc biệt ưu tiên tuyển dụng GV tin học và tiếng Anh để thực hiện chương trình mới.
Mặc dù vậy, ông Tài khẳng định: “Do tiếng Anh và tin học chỉ bắt buộc từ lớp 3, đến năm học 2022 - 2023 mới bắt đầu triển khai chương trình mới ở lớp này nên chúng tôi tin các địa phương sẽ có đủ thời gian chuẩn bị cho đội ngũ và cơ sở vật chất. Hơn nữa, theo chương trình hiện hành, môn tin học và tiếng Anh là môn tự chọn nên các địa phương chưa có căn cứ để tuyển GV. Khi 2 môn này trở thành môn học bắt buộc sẽ là căn cứ pháp lý để các địa phương tiến hành tuyển dụng GV theo vị trí việc làm đảm bảo thực hiện chương trình mới”.
Áp lực lớn cho nhiều địa phương
Tại hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn dạy học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 với sự tham gia của đại diện 31 sở GD-ĐT tỉnh thành khu vực phía nam diễn ra tuần qua, nhiều đại diện cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay để triển khai chương trình là điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ GV.
Bà Huỳnh Thị Kim Trang, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay năm học 2018 - 2019, do TP tăng thêm 42.613 HS tiểu học vì vậy tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày giảm khoảng 3% so với năm học trước đó. Tăng dân số cơ học tạo áp lực lớn về cơ sở vật chất nên khó thực hiện việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đặc biệt ở một số quận, huyện có tỷ lệ dân nhập cư cao như Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp, 12...
Bích Thanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.