Thực hiện Luật Nhà ở: "Mê hồn trận" giấy chủ quyền nhà đất !

01/07/2006 00:22 GMT+7

Luật Nhà ở bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay 1/7/2006. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều cơ quan quản lý nhà đất và người dân thì giữa Luật Nhà ở và Luật Đất đai 2003 có những điều chưa thống nhất, cũng như Luật Nhà ở và dự thảo Nghị định hướng dẫn luật này vẫn còn có những khoảng cách so với thực tế.

Cấp giấy chủ quyền, người dân biết theo luật nào?

Ông Đỗ Phi Hùng, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong khi chờ đợi Nghị định (NĐ) hướng dẫn Luật Nhà ở thì việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (GCNQSHNƠ) theo Luật Nhà ở vẫn chưa triển khai. Việc cấp GCNQSHNƠ sẽ không tiến hành đại trà mà cấp theo nhu cầu của người dân.

Chuyện tưởng đơn giản, nhưng trên thực tế, sau khi NĐ hướng dẫn được ban hành và cơ quan chức năng bắt đầu cấp GCN theo mẫu mới thì hệ thống nhà, đất sẽ tồn tại cùng lúc 4 loại "giấy hồng" về sở hữu nhà ở, đất ở cùng với 2 loại GCN riêng về đất. Đây là một "mê hồn trận", phiền hà rất lớn, khiến cho các giao dịch dân sự về nhà đất có thể gặp rắc rối.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM: Việc cấp thêm 2 loại giấy theo Luật Nhà ở (gồm GCNQSHNƠ và QSDĐƠ) sẽ "đụng phải" quy định của Luật Đất đai 2003. Khi cấp GCNQSHNƠ và QSDĐƠ hoặc khi xác nhận thay đổi trên GCN (Luật Đất đai gọi là chỉnh lý biến động về sử dụng đất) đều phải chịu "ảnh hưởng" của 2 bộ luật này. Như vậy, trình tự thủ tục sẽ ra sao cho mỗi loại? Những vấn đề trên, nếu không được kịp thời tháo gỡ sẽ gây ách tắc cho gần 500.000 căn nhà tại TP.HCM phải cấp GCN từ nay đến cuối năm 2006 theo kế hoạch của các quận, huyện.

Các loại giấy chủ quyền có giá trị giao dịch sau khi Luật Nhà ở có hiệu lực:

- GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (theo NĐ 60/CP)
- GCN quyền sở hữu công trình xây dựng (theo NĐ 95/CP)
- GCN quyền sở hữu Nhà ở và quyền sử dụng đất ở (theo Luật Nhà ở)
- GCN quyền sở hữu nhà ở (đối với trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là chủ sở hữu đất ở) (theo Luật Nhà ở)
- GCN quyền sử dụng đất (theo Luật Đất đai 1993)
- GCN quyền sử dụng đất ở (theo Luật Đất đai 2003)

Vừa đá bóng, vừa thổi còi!

Tất cả mọi trường hợp người dân khi làm thủ tục cấp GCN đều phải thực hiện đo vẽ hiện trạng nhà đất. Điều khiến nhiều người băn khoăn là tại điều 46 của dự thảo NĐ hướng dẫn Luật Nhà ở cho phép cả cơ quan cấp GCN thực hiện luôn việc đo vẽ. Hoặc: "trường hợp tổ chức, cá nhân không muốn thuê người khác đo vẽ thì được tự đo vẽ nhưng phải có sự thẩm tra xác nhận của cơ quan cấp GCN". Như vậy, cơ quan cấp GCN vừa có thể "hành nghề" đo vẽ sơ đồ nhà đất, vừa có thẩm quyền thẩm tra, xác nhận việc đo vẽ. Đây là một quy định "tiếp sức" cho cơ quan cấp GCN có thể "vừa đá bóng, vừa thổi còi" - một tình trạng mà trong nhiều năm qua chương trình cải cách hành chính của TP.HCM đang nỗ lực xóa bỏ.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM: Qua thực tế cấp GCNQSHNƠ và QSDĐƠ tại TP.HCM nhiều năm qua theo Nghị định 60/CP, khi giao quyền như vậy sẽ nhập nhằng, gây ảnh hưởng đến việc tập trung cho công tác cấp GCN và các nhiệm vụ quản lý Nhà nước khác. Sở này cũng đã kiên quyết đề nghị: "Không giao cho cơ quan cấp GCN chức năng đo vẽ, thiết lập bản vẽ sơ đồ nhà ở, đất ở do người dân thuê thực hiện". Kiến nghị này nhằm loại bỏ cơ hội nảy sinh tiêu cực trong quá trình giải quyết cấp GCN cho người dân của cơ quan chức năng.

Nhiều vấn đề khác liên quan đến Luật Nhà ở sau khi có hiệu lực cũng sẽ làm cho người dân trong nước, Việt kiều và các cơ quan triển khai thực hiện lúng túng. Do vậy, thiết nghĩ cần phải có sự đóng góp ý kiến và bổ sung thêm những điểm, điều khoản hợp lý trước khi ban hành NĐ hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.