>> Ngòi nổ mới trong thế giới Hồi giáo
>> Iran, Ả Rập Xê Út: Sóng gió Trung Đông
>> Iran phản ứng với cáo buộc khủng bố của Mỹ
>> Mỹ phá âm mưu ám sát Đại sứ Ả Rập Xê Út
m mưu bị Mỹ phanh phui hôm 11.10 vốn tập trung vào kế hoạch thuê một băng tội phạm ma túy Mexico nhằm ám sát đại sứ Ả Rập Xê Út.
Như kịch bản Hollywood
Khi tiết lộ về âm mưu, giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ Robert S. Mueller III đã thừa nhận rằng cáo trạng của chính phủ Mỹ mô tả vụ án “giống như kịch bản của Hollywood”.
Gary Sick, một học giả tại Viện Trung Đông thuộc Đại học Columbia, người theo dõi Iran cho Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ trong cuộc cách mạng Iran cách đây ba thập kỷ, gợi ý rằng âm mưu ít nhất được hư cấu một phần.
“Tôi thấy rất khó tin”, ông Sick nhận xét, “Thực tế, nếu có thật, âm mưu này tách biệt hoàn toàn với những gì người ta biết về Iran… Và thật khó tin rằng họ sẽ trông cậy vào một băng nhóm tội phạm không phải Hồi giáo để tiến hành nhiệm vụ vô cùng bí mật này. Trong trường hợp này, họ được cho là trông cậy vào một kẻ nghiệp dư và một băng tội phạm ma túy nổi tiếng bị theo dõi cẩn mật bởi các đặc vụ của Mỹ và Mexico”.
|
Kenneth Katzman, một chuyên gia về Trung Đông thuộc Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, cũng nói rằng ông thấy khó có thể chấp nhận ý tưởng Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) sử dụng một băng buôn ma túy người Mexico để thực hiện nhiệm vụ.
“Không nhân vật cao cấp nào trong lực lượng Quds, bộ chỉ huy IRGC, Ủy ban An ninh Quốc gia Tối cao của Iran hay bất kỳ ai khác trong bộ máy lãnh đạo của Iran lại tin rằng một âm mưu như thế có thể được giữ bí mật hay thực hiện chính xác bởi một đám buôn ma túy người Mexico”, ông Katzman nói.
Diễn biến âm mưu ám sát đại sứ Ả Rập Xê Út 24.5: Arbabsiar tiếp xúc lần đầu với một nhân vật đóng giả là thành viên của tổ chức buôn ma túy tại Mexico, người thực tế là người cung cấp tin tức cho Cơ quan chống ma túy Mỹ (DEA) có bí danh là CS-1. Arbabsiar hỏi CS-1 về chất nổ và giải thích hắn muốn tấn công tòa đại sứ Ả Rập Xê Út. 2.6: Arbabsiar trở lại Mexico và gặp mặt CS-1 nhiều lần vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7. Hắn nói rằng những cộng sự ở Iran đã bàn bạc về một số “nhiệm vụ bạo lực” bao gồm vụ ám sát đại sứ Ả Rập Xê Út tại Washington Adel Al-Jubeir. 14.7: Arbabsiar lại gặp CS-1. Họ thảo luận chi tiết âm mưu, vạch ra quân số gồm bốn người và khoản chi phí 1,5 triệu USD. 17.7: Cả hai gặp nhau tại Mexico. CS-1 nói một thành viên của băng nhóm đã thực hiện việc do thám viên đại sứ và họ bàn bạc việc đánh bom một khách sạn ở Mỹ nơi viên đại sứ thường lui tới dùng bữa tối. 1 và 9.8: Arbabsiar thực hiện hai vụ chuyển tiền với tổng số tiền xấp xỉ 100.000 USD. 28.9: Arbabsiar bay đến Mexico song bị từ chối nhập cảnh và bị gửi về sân bay JFK ở New York. 29.9: Arbabsiar bị các đặc vụ FBI bắt tại sân bay JFK. 4 và 5.10: Arbabsiar, dưới sự giám sát của các đặc vụ Mỹ, điện thoại cho Shakuri, người được mô tả là thành viên của lực lượng Quds. Người này được cho là ở tại Iran. Shakuri xác nhận với Arbabsiar là âm mưu phải được tiến hành càng sớm càng tốt. |
Các mục tiêu đánh bom khác là các tòa đại sứ Israel và Ả Rập Xê Út tại Washington và Argentina, theo giới chức Mỹ. Tổng cộng chi phí cho các vụ tấn công là 5 triệu USD, theo Bộ Tài chính Mỹ.
Theo tờ Wall Street Journal, các quan chức Mỹ nói ban đầu họ cũng ngờ vực về sự dính líu của Iran song ngày càng bị thuyết phục khi lần dấu vết khoản tiền 100.000 USD trả cho kẻ âm mưu dẫn đến lực lượng tinh nhuệ Quds của IRGC.
Họ khẳng định là hợp lý khi tin rằng chỉ huy của Quds biết về kế hoạch và nói kế hoạch ám sát được xem là vụ tập dượt cho một loạt các vụ tấn công khác.
Quá nhiều kẻ hở
Tuy nhiên, theo tờ Wall Street Journal, vụ án mà giới chức Mỹ trưng ra phần lớn dựa vào suy luận và chứa nhiều lỗ hổng, bao gồm việc thiếu bằng chứng trực tiếp cho rằng các lãnh đạo cao cấp nhất của Iran biết về kế hoạch.
Mối liên hệ rõ ràng nhất với chính quyền Iran, theo các quan chức Mỹ, là sự dính líu của Ali Gholam Shakuri, thành viên của Quds. Ông Shakuri, người thứ hai bị truy tố, đã bàn bạc với Arbabsiar và cung cấp tiền cho kế hoạch, theo Mỹ.
Ngoại trừ chuyện này, vụ án dựa vào suy luận. Một quan chức cao cấp của Mỹ cho rằng vì một âm mưu trên đất Mỹ quá nhạy cảm, và tư lệnh của lực lượng Quds, Qasem Soleimani nắm rõ từ chân tơ kẽ tóc hoạt động của lực lượng này, nên rất khó có chuyện Shakuri theo đuổi kế hoạch mà ông Soleimani không biết đến.
Iran đã cực lực bác bỏ tố cáo của Mỹ về âm mưu nói trên. Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Iran cho biết Iran đã ra lệnh cho lực lượng vũ trang đặt trong tình trạng báo động cao để đề phòng căng thẳng chính trị có thể leo thang thành đối đầu quân sự.
Trò ném đá giấu tay?
Trong khi đó, các chuyên gia về Iran nghiêng về khả năng âm mưu là một trò “ném đá giấu tay” trong nội bộ quân đội Iran hoặc một tổ chức nào khác. Theo tờ Washington Post, một số gợi ý rằng thủ phạm có thể trải rộng từ Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cho đến một đơn vị thuộc IRGC hoặc một phe phái nào đó trong cơ cấu quyền lực của Iran.
Các chuyên gia chỉ ra rằng với kinh nghiệm và tiềm lực của mình, lực lượng Quds khó có thể thực hiện một kế hoạch đầy sơ hở như thế.
Chuyên gia phân tích chính trị Iran Roozbeh Mirebrahimi phát biểu: “Cách hoạt động của lực lượng Quds quá thông minh và kinh nghiệm để có thể thực hiện một chiến dịch cẩu thả như thế. Gần như không thể có chuyện đây là một âm mưu được phê chuẩn chính thức”.
Hamid Serri, một học giả người Mỹ gốc Iran tại Đại học quốc tế Florida gợi ý rằng có khả năng một tổ chức không thuộc Iran hoặc tổ chức có lợi ích khi kích động sự đối đầu giữa Mỹ, Iran và Ả Rập Xê Út đã lên kế hoạch thực hiện âm mưu. Ông Serri nhận xét 100.000 USD là “cái giá rẻ” mà một kẻ thù của Iran sẽ trả cho “những dòng tít nguyền rủa” xuất hiện tràn làn từ khi âm mưu bị phanh phui.
|
Các chuyên gia về Iran đồng ý rằng thậm chí nếu tố cáo của Mỹ về sự dính líu của Iran là có thật, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad và chính phủ Iran rõ ràng không dính dáng gì đến âm mưu.
Lực lượng Quds và Quân đoàn Vệ binh Cách mạng không nằm trong tầm ảnh hưởng của ông Ahmadinejad. Lãnh đạo của những lực lượng này đứng về phía tầng lớp giáo sĩ Hồi giáo người Shiite đầy quyền lực trong cuộc đấu đá với ông Ahmadinejad.
Trong cuộc đấu đá nội bộ của Iran, ông Ahmadinejad ít hoặc không có ảnh hưởng với hai tổ chức tình báo chính của nước này là Bộ Tình báo và IRGC. Hai tổ chức này nằm dưới quyền điều khiển của lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei.
Tuy nhiên, trong lúc các chuyên gia vẫn chưa thấy thuyết phục về tính xác thực của âm mưu, kênh truyền hình Al Arabiya của Ả Rập Xê Út cho biết các nguồn tin của Ả Rập Xê Út nhìn nhận sự việc rất nghiêm trọng và thậm chí khẳng định Tổng thống Ahmadinejad là chủ mưu của kế hoạch.
Theo tờ Financial Times, Al Arabiya khẳng định với sự hợp tác của IRGC, ông Ahmadinejad đã thành lập một đội sát thủ để thực hiện các chiến dịch ám sát những chính trị gia Ả Rập, các nhân vật đối lập và các nhà báo chống Iran ở nước ngoài.
Trong một bài báo trên website của mình, Al Arabiya cho biết trong một cuộc họp gần đây với lãnh đạo tối cao Khamenei, ông Ahmadinejad gợi ý Tehran “sẽ quay trở lại với chính sách ám sát các nhà chỉ trích ở hải ngoại để ngăn ngừa tác động của cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập với chế độ của mình”.
Lực lượng Quds Lực lượng Quds, đặt theo tên trong tiếng Ả Rập của Jerusalem, được khai sinh từ Văn phòng Các phong trào Giải phóng của Iran vốn thành lập ngay sau cuộc cách mạng Iran nhằm giúp đỡ các phong trào cực đoan, đặc biệt tại Trung Đông. Đơn vị này hiện là một trong năm nhánh của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng và là nhánh độc lập nhất. Các chỉ huy của Quds báo cáo trực tiếp cho lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei. Nó được xem như pháo đài của phong trào cách mạng Iran, với từ 5.000 đến 14.000 binh sĩ tuyển chọn từ các binh sĩ ưu tú nhất của các nhánh còn lại. Ahmad Vahedi, Bộ trưởng Quốc phòng hiện tại của Iran, từng là chỉ huy của Quds. Ông bị Interpol truy nã dựa trên cáo buộc về vai trò của Iran trong việc âm mưu đánh bom một trung tâm văn hóa của Israel vào năm 1994 ở Argentina làm 85 người thiệt mạng. Các vụ tấn công khét tiếng nhất được cho là do Quds đạo diễn bao gồm vụ đánh bom tháp Khobar ở Ả Rập Xê Út vào năm 1996 và vụ ám sát các nhân vật đối lập Iran ở châu u. Tuy nhiên, Tổng thống Iran Mohammad Khatami được cho là từng kiềm chế các hoạt động ngoài vòng pháp luật như thế khi lên cầm quyền vào năm 1997 vì lo sợ những bóng gió về sự dính líu của Iran có thể gia tăng sự cô lập của nước này. |
Sơn Duân
(Theo New York Times, Washington Post, Wall Street Journal, Financial Times)
Bình luận (0)