Những dự báo về “chiến tranh tiền tệ” từ việc Trung Quốc phá giá đồng nội tệ; việc VN tăng tỷ giá ... khiến giá vàng ăn theo tăng đột biến và thực hư câu chuyện một nhà đầu tư “lướt sóng” kiếm lời 10 tỉ đồng chỉ trong một ngày khiến nhiều người đang lao vào vàng. Tuy nhiên, “bữa tiệc vàng” ẩn chứa rất nhiều rủi ro.
Chênh lệch giá mua - bán vàng rút ngắn còn 500.000 đồng/lượng vào cuối tuần, người mua vàng đã lỗ ngay 500.000 đồng/lượng - Ảnh: Ngọc Thạch
|
Không có cơ sở lời 10 tỉ đồng
Giới kinh doanh vàng có tiếng tại TP.HCM đều tỏ ra nghi ngờ trước thông tin một nhà đầu tư vàng kiếm lời 10 tỉ đồng chỉ trong ngày 12.8. Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty kinh doanh nữ trang New Partners Jewelry khẳng định: “Đây chỉ là tin đồn không có căn cứ”. Bởi nếu tính lời 1 triệu đồng/lượng thì để đút túi 10 tỉ đồng, khối lượng giao dịch của nhà đầu tư này phải tương đương 10.000 lượng vàng. Điều này là không thể có đối với thị trường ngày 12.8.
|
Thị trường vàng miếng nhiều tháng nay co hẹp, mỗi ngày chỉ có thể giao dịch vài trăm lượng, cộng cả phần tăng 20 - 30% trong ngày 12.8 cũng không có được một khối lượng lớn 10.000 lượng/ngày. Đặt giả thuyết nhà đầu tư có thể thực hiện mua bán vàng “ảo” cũng không thể vì dù “ảo” hay vật chất thì với khối lượng 10.000 lượng/ngày cũng sẽ tác động rất mạnh lên thị trường. Đó là chưa kể, từ đầu năm đến nay, giá vàng thấp, “ì” ra không chạy nên thị trường im ắng. Số lượng doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng cũng bị hạn chế nhiều vì ngân hàng không còn cho vay vào vàng nhiều nữa. Vì vậy, ít ai dám giữ vàng số lượng lớn để đầu cơ. Nên xét về mặt khối lượng là đã không đủ căn cứ.
Một lãnh đạo trong giới tài chính phân tích, những người kinh doanh vàng cho giới ngân hàng hiện cũng rất thận trong trong việc trữ vàng. Sản xuất vàng miếng và vàng tài khoản của ngân hàng đã hoàn toàn bị dẹp bỏ. Đồng thời, hiện nay giá mua giá bán chênh lệch lớn, lên đến 700.000 - 800.000 đồng/lượt. Nếu mua vào rồi thì ngân hàng phải đợi giá vàng lên hợp lý mới bán được. Như vậy ngân hàng cần bỏ vào một lượng tiền lớn mới chịu đựng được. Còn nhà đầu tư muốn có được mức lời lớn phải sử dụng đòn bẩy tài chính cực cao. Tuy nhiên ngân hàng hạn chế tín dụng vào vàng, đồng thời cơ quan quản lý nhà nước đã cấm mua bán vàng thì trữ vàng số lượng lớn cùng với lượng tiền vay lớn đổ vào vàng chờ sẵn là không có cơ sở.
Lời chưa thấy, lỗ thấy ngay
Đáng nói là thông tin có người trúng hàng chục tỉ đồng từ cơn biến động vàng khiến nhiều người vội vã chạy theo sự tăng giá của vàng và không ít người đã “thấm đòn” thua lỗ chỉ sau 1 đêm.
Ngày 13.8, chị Loan (Q.1, TP.HCM) quyết định mua 2 lượng vàng SJC với giá 34,9 triệu đồng/lượng. Qua ngày hôm sau, giá vàng chỉ còn 33,8 - 34,2 triệu đồng/lượng. Chỉ với 2 lượng vàng sau 1 ngày chị Loan đã mất 1,4 - 2,2 triệu đồng.
TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả, nhận xét sở dĩ giá vàng trong nước “điên đảo” như vừa qua là do giá vàng thế giới tăng lên, cộng hưởng với Trung Quốc phá giá nhân dân tệ kéo theo việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, việc giá vàng trong nước “leo” lên đỉnh còn do yếu tố tâm lý người dân. “Nếu người dân cứ theo tâm lý bầy đàn lao vào mua vàng là rất nguy hiểm. Bởi dự báo trong ngắn hạn, giá vàng còn tiếp tục giảm”, ông nói. Hơn nữa, nhà nước cũng không khuyến khích người dân nắm giữ vàng, vì vậy nếu coi vàng là nơi trú ẩn có thể gây rủi ro lớn cho đồng tiền nhà đầu tư.
Một người kinh doanh 30 năm trên thị trường vàng cho rằng, giá vàng vừa qua tăng mạnh bất thường và không theo một quy luật nào, diễn biến này rất khó có thể đưa ra kế hoạch kinh doanh cụ thể. Thị trường giao dịch “mỏng” (khối lượng giao dịch ít - PV), giá lại tăng vù vù, nếu Ngân hàng Nhà nước VN bật tín hiệu sẽ cung ứng vàng trên thị trường cũng đủ làm cho giá “sụp” nhanh. Người nắm giữ vàng không kịp tháo chạy sẽ chịu lỗ.
Theo ông Trương Công Nhơn, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng hiện vẫn thấp hơn khoảng 800.000 đồng so với đầu năm. Vì vậy, với những ai ôm giữ vàng từ đầu năm đến nay, chưa chắc đã có lợi hơn so với kênh tiết kiệm. “Không ai biết trước giá vàng lên xuống như thế nào, vì vậy việc đổ tiền đầu tư vàng là một việc đầy rủi ro”, ông nhận định.
Các chuyên gia nói gì ?
Dựa trên những thông tin từ phía Trung Quốc đưa ra về việc phá giá nhân dân tệ (CNY), chuyên gia Trần Thanh Hải cho rằng phía Trung Quốc muốn CNY được đưa vào rổ tiền tệ được rút vốn đặc biệt của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Trong khi CNY chưa phải là đồng tiền mạnh, đồng tiền chuyển đổi. Việc phá giá CNY là để đối phó trước khi Mỹ quyết định tăng lãi suất USD trong những tháng tới. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có tăng lãi suất USD hay không vào tháng 9 tới sẽ không bị ảnh hưởng gì nhiều bởi quyết định phá giá CNY của Trung Quốc mà nó phụ thuộc vào những chỉ số kinh tế được công bố vào cuối tháng 8 này của Mỹ, như tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp... Khả năng Fed tăng lãi suất trong năm 2015 rất lớn bởi sau một thời gian triển khai các gói nới lỏng định lượng QE (là một công cụ tiền tệ được các Ngân hàng Trung ương sử dụng nhằm kích thích nền kinh tế), Mỹ đã đưa ra thị trường khoảng 4.000 tỉ USD, việc tăng lãi suất sẽ giúp Mỹ thu hút nguồn vốn này về nếu không sẽ xảy ra lạm phát. Khi lãi suất tăng, USD sẽ tăng và giá các mặt hàng hóa trong đó có vàng sẽ giảm. Mức giảm giá hàng hóa nhiều hay ít phụ thuộc vào mức điều chỉnh tăng lên của lãi suất USD mà Fed đưa ra. Riêng đối với vàng, mức thấp nhất đạt được trong năm nay là 1.082 USD/ounce và khả năng sẽ “thủng” qua mức này khi Fed tăng lãi suất.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng cho biết: “Các chuyên gia thế giới phân tích giá vàng sẽ còn tiếp tục giảm. Theo tôi, vàng đang gặp phải sự giằng co giữa tăng và giảm. Những tín hiệu giảm giá vàng đang bị lung lay khi đồng tiền các nước liên tục bị phá giá. Tháng 9 tới đây, Fed có tăng lãi suất USD hay không vẫn là một dấu hỏi lớn khi đồng tiền các nước đã giảm giá khá mạnh, đồng nghĩa đồng USD tăng giá. Có khả năng Mỹ chưa tăng lãi suất vào tháng 9 này mà lùi thêm vài tháng nữa”.
Đối với giá vàng trong nước, ông Trọng dự báo giá sẽ đứng ở mức cao. Giá hiện nay chịu tác động của thị trường trong nước nhiều hơn bởi cung - cầu, sức ép tăng giá USD vào thời điểm cuối năm nay và sang năm 2016 rất lớn. Giá vàng hiện chứa đựng nhiều rủi ro khi chênh lệch giá trong và ngoài nước lên 4,5 triệu đồng/lượng, giá mua - giá bán lên 500.000 - 800.000 đồng/lượng... do đó những người có nhu cầu thật sự liên quan đến vàng miếng hẵng mua, còn không có thể lựa chọn vàng nhẫn có giá hợp lý hơn.
|
Nhân dân tệ sẽ tiếp tục biến động
Đó là nhận định do Kinh tế gia trưởng Mã Tuấn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đưa ra ngày 16.8, sau khi nhân dân tệ (CNY) giảm giá liên tiếp trong 3 ngày vào tuần trước, gây ra những quan ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ. CNY đã giảm giá gần 2% so với USD trong ngày 11.8 và tiếp tục giảm 2 ngày sau đó trước khi tăng nhẹ trở lại vào ngày 14.8. PBOC mô tả đợt phá giá CNY là sự cải cách hướng đến thị trường tự do nhưng vài nhà phân tích cho rằng động thái đó là khởi đầu của quá trình phá giá lâu dài nhằm thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn Reuters hôm qua, ông Mã Tuấn nhận định rằng việc phá giá NDY và gia tăng tính linh hoạt của nó có thể giúp “giảm đáng kể khả năng điều chỉnh tương tự” trong tương lai. Trong ngắn hạn, giá CNY nhiều khả năng sẽ “biến động hai chiều”, theo hướng tăng hoặc giảm, và PBOC chỉ can thiệp vào những “tình huống bất thường” để ngăn chặn “biến động quá mức” về tỷ giá hối đoái. Ông Mã cũng xua tan những quan ngại về nguy cơ nổ ra cuộc chiến tiền tệ xuất phát từ việc hạ giá CNY vừa qua. “Trung Quốc không có ý định hoặc nhu cầu tham gia vào một cuộc chiến tranh tiền tệ”, quan chức này nói.
Minh Trung
|
Bình luận (0)