Khi còn ở Cà Mau, ông Yên khám chữa bệnh (KCB) nhưng không được cấp phép nên 3 năm liền (2009, 2010 và 2011) bị chính quyền địa phương ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi “KCB và cung cấp dịch vụ y tế không phép”.
3 lần bị phạt hành chính
Lần cuối ông Yên bị chính quyền tỉnh Cà Mau phạt hành chính là khoảng tháng 6.2011. Theo đó, ngày 26.5.2011, đoàn công tác liên ngành của H.Cái Nước (Cà Mau) kiểm tra nhà cha vợ ông Yên là ông N.T.B (thời điểm đó ông B. là Trưởng ban Nhân dân ấp Cái Nước, TT.Cái Nước - PV), là điểm tụ tập đông người để ông Yên KCB. Trên căn gác lửng, nơi ông Yên trị bệnh, đoàn công tác phát hiện có vỏ ống bơm tiêm đã qua sử dụng và chưa sử dụng; nhiều hộp găng tay chưa sử dụng; nhiều lọ dầu nóng hiệu T.S và lọ nước có màu vàng…
Ông Phạm Thanh Trung, Giám đốc Trung tâm y tế H.Cái Nước, kể: “Thời điểm đó (2009 - 2011), người ta đồn thổi “thần y” Võ Hoàng Yên có thể trị được bệnh câm, mù bẩm sinh và cả bệnh ung thư, bại liệt, viêm màng não… Tôi biết trước kia có nhiều người địa phương tìm đến ông Yên điều trị nhưng chưa phát hiện trường hợp nào khỏi bệnh. Sau 3 lần bị phạt hành chính, ông Yên đã rời khỏi địa phương, đi nơi khác hành nghề”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, một bác sĩ từng công tác tại một bệnh viện ở TP.Cần Thơ bức xúc kể: “Khi đó (tháng 6.2012), tôi thấy ông Yên và các đệ tử về Cần Thơ tổ chức khám bệnh. Họ nói là từ thiện nhưng có 1 cái thùng để người bệnh bỏ tiền vô. Họ cũng bán dầu nóng, bán thuốc đông y... Tôi thấy như vậy là rất kỳ nên có ý kiến với người có trách nhiệm là không để nhóm người này mượn danh cơ quan chức năng để KCB như thế vì không hiệu quả mà hậu quả lại rất lớn”.
Ông A.H (ngụ TP.Cần Thơ) cho biết con trai ông là A.P bị câm bẩm sinh. Nghe lời chỉ dẫn ông Yên trị hết bệnh nên ông đưa con đi điều trị. “Cả hai vợ chồng con tôi đều bị câm nhưng gia đình quyết đưa con trai tôi đi trước để xem thầy trị như thế nào. Sau khi thầy trị, con trai tôi sưng họng cả tuần vì bị thầy nắm lưỡi giật. Thấy con trai như vậy, gia đình hoảng quá nên không dám đưa con dâu đi trị”, ông A.H kể và cho biết thêm con trai ông sau khi được “thầy” Yên trị bệnh câm về vẫn hoàn toàn không nói chuyện được.
|
Còn bà B.N (ngụ TP.Cần Thơ) có con gái bị bại liệt từ nhỏ. Tin lời đồn thổi, bà đưa con tìm đến “thầy” Yên cậy nhờ chữa trị. “Khi đó, mẹ con tôi còn ở xã Khánh Tiến, H.U Minh (Cà Mau). Nghe người ta chỉ dẫn, tôi đưa con mình đến để cho ông bấm nguyệt, nắn bóp tay chân... chữa bệnh. Đưa con đi mấy lần nhưng thấy không hiệu quả nên tôi không đưa đi nữa”, bà B.N nói.
Hoang tàn trung tâm chữa bệnh của “thần y”
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ngô Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh (H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), cho biết vào năm 2015, “thần y” Võ Hoàng Yên được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho khu đất rộng hơn 2 ha ở thôn Yên Khánh của xã để mở Trung tâm phục hồi chức năng và dưỡng sinh (khu đất này trước đây là của Trường THCS Cẩm Vịnh cũ - PV). Sau khi tiếp nhận, ông Yên cho sửa sang, ngăn thành từng phòng để phục vụ cho việc KCB.
“Từ khi mở cửa, trung tâm của ông Yên luôn có rất đông người dân ở khắp các tỉnh, thành tìm đến chữa bệnh câm, điếc, bại liệt, xương khớp. Phương pháp chữa bệnh của trung tâm này là bằng y học cổ truyền. Tôi cũng từng đưa người thân đến nhờ ông Yên chữa bệnh xương khớp nhưng bệnh tình không thuyên giảm”, ông Chiến nói. Theo ông Chiến, trung tâm của ông Yên chỉ KCB theo từng đợt (thường là 10 ngày cuối tháng). Đầu năm 2016 thì trung tâm này đóng cửa cho đến nay.
|
Còn ông Nguyễn Đình Dũng, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh), cho hay vào tháng 10.2015, sở này đã đặc cách cấp phép cho ông Yên mở Trung tâm phục hồi chức năng và dưỡng sinh để hoạt động KCB. “Thực tế thì ông Yên bắt đầu về Hà Tĩnh thực hiện việc KCB bằng phương pháp bấm huyệt, xoa bóp từ năm 2011. Khi xin mở trung tâm, ông Yên vẫn chưa có các chứng chỉ hành nghề”.
Cũng theo ông Dũng, trung tâm của ông Yên thời điểm mở cửa hoạt động lúc nào cũng có rất đông bệnh nhân (BN) trong tỉnh và các địa phương khác tìm đến. Thậm chí, có rất nhiều BN phải chờ lâu mới có lịch gặp ông Yên. Sở Y tế cũng đã mời cơ quan chuyên môn về đánh giá tính hiệu quả chữa bệnh của ông Yên nhưng không chứng minh được về mặt khoa học, mà chỉ đánh giá bằng cảm tính. “Đến đầu năm 2016, ông Yên viết đơn xin nghỉ để đi học chứng chỉ hành nghề, bàn giao lại toàn bộ cơ sở vật chất của trung tâm cho tỉnh quản lý”, ông Dũng thông tin. Trung tâm Phục hồi chức năng và dưỡng sinh của ông Yên đóng cửa từ đó cho đến nay. Do để không nhiều năm nên hiện toàn bộ cơ sở vật chất của trung tâm này đã xuống cấp, hoang tàn.
PV Thanh Niên cũng đã tìm hiểu thêm thông tin về việc KCB của ông Yên tại Bình Thuận. Ông Giáp Hà Bắc, Chủ tịch UBND H.Tánh Linh (Bình Thuận), cho biết ông Võ Hoàng Yên đến Tánh Linh để chữa bệnh tại cơ sở chữa bệnh đông y do ông Nguyễn Bửu, Chủ tịch Chi hội Đông y H.Tánh Linh, đứng tên. Khi PV Thanh Niên hỏi về hiệu quả trong điều trị bệnh của ông Yên, ông Lê Văn Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Thuận, nói: “Cái đó phải có hội đồng đánh giá mới có thể biết được”.
Còn tại Bình Phước, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, cách đây khoảng hơn 10 năm (năm 2011), ông Võ Hoàng Yên có đến KCB cho một số trường hợp bị câm điếc, bại liệt, thoái hóa cột sống. Đặc biệt, ngày 29.7.2011, tại trụ sở Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh Bình Phước đã tổ chức hội thảo và cho ông Võ Hoàng Yên KCB để kiểm chứng tay nghề. Tại hội thảo, có 6 BN được ông Yên chữa trị, gồm: 2 BN bị điếc, 2 người thoái hóa cột sống, 2 người bị tai biến mạch máu não liệt nửa người. Sau khi được xoa bóp, bấm huyệt, các BN thuyên giảm được phần nào trong thời gian ngắn, sau đó bệnh trở lại tình trạng cũ.
Tuy nhiên, liên quan đến việc cấp phép hành nghề, hoạt động của ông Võ Hoàng Yên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước Quách Ái Đức khẳng định: “Từ trước đến nay, Sở chưa cấp phép hoạt động hành nghề KCB trên địa bàn đối với ông Võ Hoàng Yên”. Tương tự, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hội Đông y tỉnh Bình Phước, cũng khẳng định chưa từng cấp phép hay cho phép ông Võ Hoàng Yên KCB trên địa bàn.
Sẽ rà soát lại việc cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh y học cổ truyềnMột lãnh đạo của Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết về chuyên môn, chữa câm điếc bẩm sinh cần thời gian và không dễ. “Một người, nếu đã cấp chứng chỉ nhưng hành nghề sai trái thì bị tạm đình chỉ; nếu liên quan pháp lý có thể bị cấm hành nghề”, vị lãnh đạo này nói và cho biết thêm, một người được cấp chứng chỉ ở đâu thì hành nghề ở khu vực đó. Nghĩa là dù đã được cấp chứng chỉ hành nghề, nhưng khi hành nghề phải đăng ký với Sở Y tế địa phương. “Ông Yên từng đi chữa bệnh ở các nơi, như vậy là quản lý còn lỏng lẻo”, vị lãnh đạo này nói.
Lãnh đạo Cục Quản lý y dược cổ truyền cũng lưu ý “có hiện tượng một số người là lương y lợi dụng việc vào hội này, hội khác để làm việc khác” hoặc đã được cấp chứng chỉ hợp pháp nhưng lợi dụng sự hợp pháp đó làm điều không đúng. Bộ Y tế sẽ rà soát tổng thể các vấn đề về cấp phép, hành nghề KCB bằng y học cổ truyền; còn với người đã được cấp rồi, phải bổ sung, cập nhật chuyên môn; quá trình hành nghề nếu có sai thì do cơ sở địa phương quản lý chịu trách nhiệm. Bộ Y tế sẽ cùng địa phương làm mạnh để quản lý hành nghề y học cổ truyền.
Liên Châu
|
Bình luận (0)