Thực hư việc Thái Lan, Campuchia trồng lúa thơm VN

Chí Nhân
Chí Nhân
04/04/2024 04:18 GMT+7

Mới đây có thông tin về việc "Thái Lan lo lắng vì nông dân lén trồng giống lúa VN". Thông tin này thực hư thế nào? Nếu có, sẽ ảnh hưởng ra sao đến sản xuất và thương mại gạo của VN?

Thông tin bất ngờ từ Thái Lan

Ngày 2.4, tờ Bangkok Post của Thái Lan đăng bài báo tiêu đề Gạo Việt là nguyên nhân gây phản ứng dữ dội tại thị trường địa phương. Bài báo dẫn nguồn từ Hiệp hội Nông nghiệp Thái Lan, cho biết: Hiện giá lúa nội địa đang giảm, vụ lúa thứ hai trong năm lại sắp thu hoạch nên nông dân rất lo lắng. Một trong những nguyên nhân chính khiến giá gạo giảm là do sự phổ biến của giống lúa VN có tên gọi Jasmine 85. 

Ước tính nông dân Thái Lan đã trồng giống này trên diện tích khoảng 160.000 ha. Nông dân Thái Lan ưa thích giống lúa này nhờ những đặc tính nổi trội như năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn và có khả năng chống chịu thời tiết tốt (Thái Lan đang đối mặt với khô hạn và thiếu nước nghiêm trọng - PV).

Những giống lúa chất lượng góp phần nâng giá trị hạt gạo xuất khẩu. Những năm gần đây, giá gạo xuất khẩu của VN luôn cao nhất thế giới Ảnh: Công Hân

Những giống lúa chất lượng góp phần nâng giá trị hạt gạo xuất khẩu. Những năm gần đây, giá gạo xuất khẩu của VN luôn cao nhất thế giới

Công Hân

Liên quan đến việc này, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, cho biết có một thực tế là trong những năm gần đây, chất lượng giống lúa F1 và gạo VN rất tốt, vượt qua các nước trong khu vực. Đó là lý do giá gạo xuất khẩu của chúng ta thường xuyên dẫn đầu thế giới. Tuy nhiên, theo ông, thông tin nông dân Thái trồng giống lúa của VN thì cần xác minh lại vì Thái Lan quản lý vấn đề này rất nghiêm. Họ có cơ quan quản lý giống quốc gia, chỉ có những giống được nơi này cấp phép mới được sản xuất hợp pháp trên đất nước Thái Lan. Nếu ai không tuân thủ sẽ bị phạt rất nặng. 

Đại diện lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cũng cho biết: Sẽ kiểm tra lại thông tin này trước khi đưa ra bình luận chính thức về những tác động với sản xuất và thương mại gạo của VN.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ), đặt nghi vấn: Ở VN mấy năm nay nông dân không trồng lúa giống Jasmine 85 vì chúng ta có những giống khác tốt hơn và giá trị thương mại cao hơn. Bà con nông dân giờ muốn mua giống này cũng khó, không hiểu sao ở Thái Lan lại có. 

Một thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội Lương thực VN (VFA) lại xác nhận giống lúa Jasmine 85 của VN được trồng ở Thái Lan, đem lại hiệu quả tích cực là có thật. Tuy nhiên, việc Bangkok Post nêu một số thông tin tiêu cực về chất lượng của giống gạo này thì không đúng sự thật.

Đồng quan điểm, bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News, nói: Đúng là Thái Lan chưa cấp phép sử dụng giống Jasmine 85 của VN trên nước này. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó giống Jasmine 85 đã đi vào sản xuất ở Thái Lan một vài năm gần đây. Việc nó không ngừng mở rộng diện tích cho thấy tính hiệu quả của giống lúa này so với các giống hiện hữu của Thái Lan. Nông dân chỉ sản xuất theo yêu cầu thị trường; cái nào có lợi thì họ làm, không khác được. Thực tế là các cơ quan chuyên môn cũng biết nhưng cũng không thể cấm được nông dân. Trong khi đó, thị trường các nước Philippines, Malaysia… và một số nước châu Á khác rất thích các giống gạo thơm VN; vì vậy mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Thái Lan cũng rất hài lòng khi diện tích sản xuất lúa thơm giống VN được mở rộng.

"Không thể biết chắc lý do vì sao Hiệp hội Nông nghiệp Thái Lan bất ngờ lên tiếng cảnh báo. Tuy nhiên, chúng ta có thể hình dung là việc phát triển giống Jasmine 85 bất hợp pháp và đang tăng nhanh khiến một số quan chức và cơ quan chức năng lo lắng, phải lên tiếng", bà Hương phân tích.

Campuchia cũng đang sản xuất giống ST, ĐT, OM… của VN

Việc Thái Lan sản xuất lúa thơm giống VN không phải là điều quá bất ngờ vì những năm gần đây chất lượng gạo của nước này sụt giảm mạnh. Nguyên nhân là do Thái Lan chỉ cho phép viện nghiên cứu lúa của nhà nước được phát triển giống, khiến nước này không thường xuyên cung cấp được những giống mới, chất lượng cao cho thị trường. Trong khi đó, những giống cũ ngày càng thoái hóa và bị VN bỏ lại phía sau.

Campuchia mới chính là nước gây bất ngờ nhiều hơn. Nước này từng 4 lần giành giải "Gạo ngon nhất thế giới" nhưng đầu tháng 3 năm nay, trong báo cáo tham luận tại một hội nghị lúa gạo quốc tế ở Đà Nẵng, ông Chan Sokheang, Chủ tịch Liên đoàn Lúa gạo Campuchia (CRF), thừa nhận: "Năm 2023, nông dân chúng tôi đã chuyển đổi sản xuất từ các giống lúa địa phương sang những giống lúa thơm đặc sản, nổi tiếng của VN như 5451, ST và ĐT vì hiệu quả kinh tế cao hơn". 

Năm 2023, gạo Campuchia được xuất nhiều nhất vào thị trường EU, sau đó là Trung Quốc. Tại EU, gạo Campuchia bị cạnh tranh mạnh từ gạo VN. Vì thế, ông Chan Sokheang đề xuất Campuchia và VN nên liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ gạo để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hai quốc gia. Bên cạnh đó, các nước sản xuất gạo trong khu vực như Campuchia, Thái Lan và VN nên có những hợp tác trong việc cung cấp gạo cho các thị trường tiêu thụ lớn trong khu vực như Philippines hay Indonesia…

Theo bà Phan Mai Hương, thời gian qua nông dân và doanh nghiệp VN cũng sang phía bạn thuê đất và thu mua lúa gạo về chế biến xuất khẩu nên về cơ bản là đã có sự hợp tác dù không chính thức. Nếu phát triển thành mối quan hệ chính thức thì sẽ có nhiều điểm tích cực. Về công tác giống, khi các nước xuất khẩu gạo với giống có nguồn gốc từ VN cũng góp phần nâng giá trị, uy tín thương hiệu gạo VN. Ngược lại, chúng ta cũng đang có nền tảng của việc làm giống nên có thể xem đó là cơ hội thương mại hóa giống lúa và tiếp tục đầu tư vào phát triển giống mới chất lượng hơn.

Về mặt thương mại, việc hợp tác giữa các nước sẽ giảm sự cạnh tranh, hạn chế tiêu hao nguồn lực. Qua đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu gạo VN có điều kiện phát triển thành những doanh nghiệp thương mại gạo quốc tế. Doanh nghiệp VN cũng như các nước có thể sử dụng nguồn cung gạo của nhau để ổn định thị trường, hạn chế biến động giá.

Giữa VN và Campuchia có thể tạo thành những cộng đồng bền vững, có cùng lợi ích chung từ đó tránh được việc khai thác tài nguyên quá mức hay chuyển các nguồn tài nguyên quý như nước đi nơi khác. Việc hợp tác sản xuất lương thực giữa các nước cần được nhìn trên bình diện rộng lớn là an ninh lương thực của nhiều nước trong khu vực.

Bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.