Tạo kháng thể
''Bạn ăn như thế nào thì sức khỏe của bạn sẽ phản ánh điều đó'', PGS - TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, lưu ý.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, dinh dưỡng hợp lý để tăng cường miễn dịch cho cơ thể cần cung cấp đủ chất đạm (protein) cho cơ thể, vì đây là nguyên liệu quan trọng để tạo nên các kháng thể. Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu protein động vật (như các loại cá, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa...) và protein thực vật (từ các loại đậu, đỗ…). Cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất như: vitamin A, C, D, E; sắt; kẽm; selen - là những chất quan trọng góp phần tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Trong đó, vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và đường tiêu hóa. Việc sản xuất các kháng thể trên bề mặt niêm mạc có tác dụng lớn trong việc chống lại sự tấn công của virus gây bệnh.
Thực phẩm giàu vitamin A, gồm: gan động vật, lòng đỏ trứng. Các loại rau và trái cây cũng chứa nhiều Beta-caroten (tiền chất của vitamin A) như: cà rốt, khoai lang, bí ngô, đu đủ, và các loại quả có màu vàng, hoặc màu đỏ…
Ức chế virus mới
Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch thông qua hỗ trợ sản xuất interferon (loại protein chống lại tác nhân gây bệnh, là thành phần quan trọng của hệ miễn dịch). Đây là chất dinh dưỡng giúp ức chế sự tổng hợp của virus mới, từ đó có tác dụng chống lại virus xâm nhập.
Nguồn thực phẩm giàu vitamin C đến từ trái cây và rau tươi như: cam, quýt, bưởi, nho, cà chua, súp lơ, củ cải, ớt chuông.
|
Vitamin E có thể làm tăng đáng kể khả năng miễn dịch, giúp cơ thể đề kháng tốt hơn với các tác nhân gây bệnh. Trong cơ thể, vitamin E tham gia chuyển hóa của các tế bào; bảo vệ màng tế bào khỏi bị ô xy hóa.
Thực phẩm giàu vitamin E chủ yếu có nguồn gốc thực vật như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ô liu, các loại hạt và các loại rau có lá màu xanh đậm.
Selen là một chất chống ô xy hóa mạnh. Đủ lượng selen sẽ giúp tăng cường khả năng chống nhiễm trùng cho cơ thể. Nguồn cung cấp selen là các loại thực phẩm như gạo nâu, lúa mạch, cá, tôm, rong biển.
Sắt và kẽm giúp duy trì hoạt động hệ thống miễn dịch. Các loại động vật có vỏ và hải sản như: hàu, cua... là nguồn cung cấp kẽm vô cùng phong phú. Bên cạnh đó, gan động vật và thịt nạc cũng rất giàu sắt, cơ thể có thể dễ dàng hấp thụ.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, uống đủ nước, ăn đa dạng thức ăn, các nhóm thực phẩm giúp hỗ trợ hiệu quả hệ dịch của cơ thể. Có thể bổ sung hợp lý chất dinh dưỡng (viên đa vi chất dinh dưỡng, hoặc sản phẩm dinh dưỡng có chứa vi chất sắt, kẽm, vitamin A, D, E, lysine, thymomodulin…) khi khẩu phần ăn không đủ các chất dinh dưỡng nói trên, hoặc trường hợp được bác sĩ dinh dưỡng chẩn đoán là bị thiếu vi chất dinh dưỡng.
“Bổ sung phù hợp các chất dinh dưỡng từ thực phẩm giúp tăng khả năng chống đỡ các tác nhân gây bệnh theo cơ chế thúc đẩy sự gia tăng cao số lượng tế bào lympho T. (tế bào miễn dịch quan trọng nhất của cơ thể), củng cố, làm mạnh hơn hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh’’, TS Bạch Mai cho hay.
Theo PGS Lê Bạch Mai, dinh dưỡng đúng, trước hết là chế độ ăn hợp lý, đáp ứng được nhu cầu theo độ tuổi, giới, mức độ lao động, và lưu ý với những người có nhu cầu cao hơn mức bình thường như: phụ nữ mang thai hoặc khi cho con bú; với trẻ em (hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh), người già sức đề kháng yếu hơn. Đồng thời, phải đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cần duy trì tập luyện, thể dục vận động an toàn tại nơi có môi trường thông thông thoáng.
''Giấc ngủ vô cùng quan trọng. Mất ngủ sinh ra nhiều các gốc tự do, là tác nhân gây bệnh đối với tế bào, suy yếu hệ miễn dịch, khiến sức đề kháng kém đi. Chính vì vậy, trong thời gian đang xảy ra dịch Covid-19, không nên quá hoang mang đến nỗi mất ăn mất ngủ, mà vẫn phải duy trì ngủ đủ. Ngủ tốt sẽ có được sức khỏe tốt nhất'', PGS Lê Bạch Mai khuyến cáo.
|
Bình luận (0)