Thực sự thì những ai nên hạn chế tiêu thụ đậu nành

Thiên Lan
Thiên Lan
19/10/2022 00:06 GMT+7

Đậu nành không chỉ có hàm lượng đạm cao mà còn là một nguồn giàu chất xơ, chất chống oxy hóa, axit béo omega-3, phytoestrogen, chất béo bão hòa và các dưỡng chất cần thiết khác cho cơ thể.

Ăn một chế độ ăn nhiều đậu nành giúp giảm mức đường huyết và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Chất xơ giúp giảm lượng cholesterol toàn phần và cholesterol xấu LDL, giảm huyết áp từ đó giảm bệnh tim, theo chuyên trang y tế của Mỹ WebMD.

Tuy nhiên, tiến sĩ Archana Sukumaran, bác sĩ y học cổ truyền tại Bệnh viện Y học cổ truyền Kerala (Ấn Độ), đã lưu ý đậu nành cũng gây nhiều tranh cãi về dinh dưỡng vì nhiều lý do, theo trang tin Search News.

Loại đậu này cũng thường gây nhiều tranh cãi về dinh dưỡng vì nhiều lý do

Shutterstock

Tác dụng giống estrogen: Hợp chất Isoflavone trong đậu nành có cấu trúc giống với estrogen, nên chúng có thể làm tăng mức hoóc môn estrogen trong cơ thể.

Lượng isoflavone quá cao có thể thúc đẩy sự phát triển của một số tế bào ung thư và rối loạn tuyến giáp.

Một số người nên hạn chế tiêu thụ đậu nành, bao gồm:

Phụ nữ mang thai: Đậu nành có thể không an toàn nếu sử dụng với số lượng lớn đối với phụ nữ mang thai. Tiêu thụ nhiều trong thời kỳ mang thai có thể gây hại cho sự phát triển của thai nhi.

Ung thư vú: Tác dụng của đậu nành đối với những người bị ung thư vú còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng Amy K. Fischer của Viện dinh dưỡng Good Housekeeping (Mỹ) khuyên người bị ung thư vú tốt nhất nên bỏ đậu nành hoàn toàn, theo trang tin Search News.

Người dị ứng với đậu phộng: Đậu nành có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng ở những người bị dị ứng với đậu phộng và các loại đậu tương tự.

Người bị suy giáp: Một số người bị tình trạng này cũng có mức i ốt thấp. Tiêu thụ đậu nành có thể làm cho tình trạng này trở nên tồi tệ hơn ở những người có lượng i ốt thấp.

Các nghiên cứu đã chứng minh đậu nành can thiệp vào việc hấp thụ thuốc điều trị tuyến giáp.

Các chuyên gia khuyên nên đợi ít nhất 4 giờ sau khi ăn đậu nành để uống thuốc tuyến giáp.

Các nghiên cứu đã chứng minh đậu nành can thiệp vào việc hấp thụ thuốc điều trị tuyến giáp

Shutterstock

Người bị suy thận: Đậu nành có chứa phytoestrogen. Những người bị suy thận sử dụng các sản phẩm từ đậu nành có thể có nồng độ phytoestrogen trong máu trở nên quá cao. Vì vậy nên tránh tiêu thụ đậu nành.

Người bị sỏi thận: Các sản phẩm từ đậu nành có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Đậu nành có chứa nhiều oxalate - thành phần chính gây ra sỏi thận. Người có tiền sử bị sỏi thận nên tránh dùng nhiều đậu nành.

Ung thư bàng quang: Các sản phẩm từ đậu nành có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Người bị ung thư bàng quang hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao nên tránh thực phẩm từ đậu nành, theo WebMD.

Rối loạn tiêu hóa: Theo nghiên cứu trên động vật, các chất kháng dinh dưỡng của đậu nành có thể làm suy yếu hàng rào bảo vệ của ruột, dẫn đến viêm nhiễm và các vấn đề tiêu hóa.

Tác dụng nữ hóa ở nam giới: Có lo ngại cho rằng isoflavone trong đậu nành có thể làm giảm sản xuất nội tiết tố nam testosterone. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên người cho thấy chỉ khi tiêu thụ đậu nành với số lượng rất lớn mới gây ảnh hưởng. Nam giới tiêu thụ lượng đậu nành lớn gấp 9 lần so với mức trung bình, mới có dấu hiệu nữ hóa, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.