Thức tỉnh giữa ngôn từ

19/12/2010 10:54 GMT+7

Theo cựu chiến binh, nhà thơ Bruce Weigl, quá khứ đã sang trang và cả hai nước VN - Mỹ đều nên hướng về một chân trời mới, tâm thế mới với nhiều giấc mơ, điềm lành cho tương lai.

Không tự nhận mình là người viết văn chuyên nghiệp, nhà thơ Mỹ Bruce Weigl bày tỏ: “Nghịch lý trong nghiệp viết của tôi là chiến tranh đã làm tan nát cuộc đời mình nhưng bù lại, nó đã cho tôi một tiếng nói”. Tiếng nói đó được thể hiện trong hơn 20 tác phẩm văn học của ông cùng với 20 lần đến VN để thực hiện sứ mệnh mà ông bảo là “hàn gắn”. 

Lưu lại sự khủng khiếp của chiến tranh
 
Chiến tranh VN bất ngờ đến với Bruce Weigl khi ông mới 18 tuổi. Nó buộc Bruce Weigl phải chứng kiến những sự thật quá sức chịu đựng với một chàng trai mới lớn.
 
Xuất thân trong một gia đình lao động, có một cuộc sống đơn điệu tại thành phố Lorain, bang Ohio - Mỹ, Bruce Weigl đăng ký đi lính chỉ vì được hứa hẹn là sau khi xuất ngũ sẽ được đi học. Cha mẹ ông cũng chỉ ước mơ cậu con trai của họ sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ xin được việc làm để nuôi sống được mình.
 
Bruce đến VN từ năm 1967 đến 1968, trong Trung đoàn Kỵ binh không quân. Chỉ chừng ấy thời gian thôi nhưng đã làm thay đổi toàn bộ suy nghĩ và đời sống của Bruce: “Chiến tranh cướp đi sự sống trong tôi nhưng ngược lại, nó đã tặng tôi thơ ca. Chiến tranh đã dạy tôi về sự mỉa mai: Rằng chính tôi chứ không phải  những người khác được sống sót.
 

Bruce Weigl từng là chủ tịch chương trình viết văn quốc gia, hiện là Chủ tịch Hội đồng Thẩm định thơ của Giải thưởng Sách quốc gia Mỹ. Năm 2006, ông được trao Giải thưởng Văn học Lannan cho lĩnh vực thơ. Năm 2010, Hội Nhà văn VN đã trao tặng Bruce Huy chương Hòa bình.
Những người anh hùng  của tôi đều đã chết. Định mệnh số phận tôi là phải cố gắng viết để lưu lại sự khủng khiếp của chiến tranh và ảnh hưởng của nó đối với tôi, với xã hội và với loài người”. Sau này, Bruce cũng đã viết như thế trong tác phẩm Vòng tròn của Hạnh.
 
Sau khi xuất ngũ, Bruce về Mỹ. Ông theo học rồi lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ ngữ văn. Con đường đến với thơ ca của Bruce là những dằn vặt sau chiến tranh: “Khi tỉnh khỏi cơn mê dài của những năm tháng không thể tưởng tượng được sau chiến tranh, tôi thức tỉnh giữa ngôn từ.
 
Tôi đã cố uống và dựng các từ ngữ thành những gì tôi cho là sẽ có ích, những câu chuyện có thể trở thành phao cứu sinh khi chúng ta đang chết đuối”. Ông viết như thể tuyên ngôn cho sự nghiệp thơ ca của mình.
 
Dòng sông nơi trăng hạ
 
Vòng tròn của Hạnh là cuốn hồi ký của Bruce Weigl kể lại quá trình ông sang VN nhận con nuôi. Đó là cô bé 8 tuổi có cái tên dung dị Nguyễn Thị Hạnh, sống trong trại trẻ mồ côi thuộc huyện Lục Bình - tỉnh Hà Nam. Khi Bruce nhìn bức ảnh Hạnh mặc chiếc váy màu hồng, miệng mỉm cười, ông đã thấy cô bé  xinh đẹp như “một dòng sông nơi trăng hạ”.
 
Ám ảnh chiến tranh đã đeo đẳng cuộc sống của Bruce khôn nguôi. Chỉ một năm có mặt tại chiến trường Quảng Trị, Bruce đã sống với ký ức của cuộc chiến thấm đẫm máu lửa, tàn nhẫn và hận thù. “Chúng tôi đã chứng kiến máu thịt chảy thành sông từ những thi thể bị xé nát.


Bruce Weigl ký tặng sách cho độc giả VN

Sau chiến tranh, lính Việt cộng đôi lúc vẫn mặc bộ quần áo màu đen. Lúc đó, chúng tôi đang ở trên quê hương của họ. Chúng tôi đã đi như những ông vua trên mảnh đất đó, qua những mảnh vườn và đồng lúa của họ” - ông viết những dòng chữ ám ảnh đến ma mị.

Chân thật và êm dịu

Bruce Weigl đang có chuyến thăm VN một tuần để chia sẻ những cảm xúc và kinh nghiệm về nghề viết văn cũng như cho ra mắt tập thơ Sau mưa thôi nã đạn và cuốn sách Vòng tròn của Hạnh, vừa được xuất bản tại nước ta. 

“Đa số những người Việt tôi đã biết bao giờ cũng có phản ứng như nhau sau khi tôi nói tôi yêu đất nước quê hương của họ. Họ sững lại một lúc và nhìn sâu vào ánh mắt tôi. Chắc câu nói đó khiến họ hết sức ngạc nhiên bởi quá khứ mới cách không xa giữa hai nước. Tôi cũng cảm thấy kỳ lạ nhưng đó là cảm giác quá chân thật và êm dịu khi nói ra điều đó” – Bruce thổ lộ trong Vòng tròn của Hạnh.

Bruce, cũng như những người lính trong Trung đoàn Kỵ binh không quân, đều không hiểu mình đến VN để chiến đấu vì điều gì. Bản thân Bruce cũng bị nhiễm chất độc da cam trong thời gian chinh chiến. Chính vì vậy, Bruce đã nung nấu giấc mơ nhận một đứa trẻ VN làm con nuôi để tri ân đất nước mà ông đã đến chỉ để đem tới sự hoang tàn và đổ nát.
 
Hành trình để có được cô con gái nuôi không dễ dàng. Bruce gặp không ít khó khăn nhưng khao khát và niềm tin vào tình yêu thương của con người đã giúp ông chiến thắng. Ngay cả khi buộc phải rời VN vì visa hết hạn, Bruce vẫn cảm thấy ông sẽ thành công với  niềm tin mãnh liệt “Chúa đã trao sứ mệnh này cho mình”.
 
Vòng tròn của Hạnh là một cuốn phim quay chậm quá trình tìm lại bản thân của Bruce từ tuổi thơ khốn khó đến thời gian quân ngũ làm thay đổi đời ông, những năm tháng hậu chiến với những ám ảnh quá khứ khôn nguôi.
 
Ông thân thương gọi cô bé Hạnh ngày nào là  “con gái yêu của tôi”. Hạnh, giờ đã là một thiếu nữ, tốt nghiệp đại học y ở Mỹ và đang theo học cao học. Cũng chính cô là dịch giả cho cuốn sách của cha mình.
 
Mất ngôn ngữ - mất văn hóa
 
Bruce kể: “Con gái tôi lớn lên trong cảnh nghèo khó. Tôi đưa Hạnh đến nước Mỹ với hy vọng cháu sẽ hiểu về văn hóa của VN và Mỹ. Tôi và vợ, Jean Kondo, đã mua nhiều sách báo, đĩa nhạc, thuê giáo viên dạy tiếng Việt cho Hạnh để bé không quên tiếng mẹ đẻ”.
 
Bởi vợ chồng Bruce luôn tâm niệm: “Mất ngôn ngữ là mất đi văn hóa”. Sống ở Mỹ, học văn hóa Mỹ, cô gái gốc Việt vẫn không quên ngôn ngữ mẹ đẻ. Hạnh biết sử dụng tiếng Việt thuần thục với những câu chữ giàu hình ảnh, đậm đà chất Việt.
 
Vòng tròn của Hạnh ra đời tại Mỹ đã được đón nhận nồng nhiệt từ độc giả đến các nhà phê bình. “Tôi có may mắn vì đã nhận được những lời khích lệ từ độc giả Mỹ. Họ nói với tôi rằng họ thật sự bất ngờ vì tôi đã nhận một cô bé người Việt làm con nuôi. Họ cũng nói rằng đó là một việc tốt lành nhất mà tôi đã làm được” - Bruce tự hào kể. 
 
Đối với Bruce, khi bản dịch tiếng Việt Vòng tròn của Hạnh đến tay độc giả, “vòng tròn” của cuốn sách đã xoay thành một vòng kín cũng như cuộc đời của con gái ông vậy nhưng nó vẫn tiếp tục mở ra những hành trình mới mẻ, đầy hy vọng hơn. Bruce cởi mở: “Tôi muốn đến VN với tư cách là một người bạn chứ không phải là một nhà văn, nhà thơ hay một cựu chiến binh”. Theo ông, quá khứ đã sang trang, cả hai nước đều nên hướng về một chân trời mới, tâm thế mới với nhiều giấc mơ và điềm lành cho tương lai.
 
Giấc mơ ấy của Bruce là tiếp tục viết sách về VN, dịch văn học VN sang tiếng Anh cũng như làm những dự án về sách cho trẻ em. Ẩn giấu sâu thẳm trong lòng Bruce là một ước mơ nữa: Cô con gái yêu quý của ông sẽ quay về VN và đóng góp cho đất nước nguồn cội của mình.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.