Thắng lợi ngay vụ đầu tiên
Anh Vinh cho biết cách đây 2 năm, thấy nhiều người trong xóm trồng khoai mỡ khá hiệu quả, anh quyết định thuê 8 công đất của hàng xóm rồi học hỏi, tìm hiểu kỹ thuật để trồng nhằm cải thiện thu nhập cho gia đình. “Sau khi thuê với giá 30 giạ lúa/công/năm, do sợ lỗ vốn tôi đi khắp nơi học kỹ thuật trồng khoai mỡ, thậm chí lấy tài liệu từ trên mạng internet về áp dụng”, anh Vinh nói.
Theo anh Vinh, 8 công đất được anh trồng 2 loại là khoai muống (tím) và khoai thục linh (khoai trắng). Sau khoảng 7 tháng, mỗi công khoai bán được gần 22 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh còn lời 13 triệu đồng. Như vậy, tổng số 8 công đất anh thuê lời trên 100 triệu đồng. “Nhờ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ 1,2 tấn khoai giống và 240 kg phân hữu cơ với tổng kinh phí hơn 6 triệu đồng. Bên cạnh đó, tôi học hỏi thêm những người đi trước nên ruộng khoai của tôi trúng và lời gấp 8 lần so với trồng lúa”, anh Vinh cho biết thêm.
Sau thắng lợi trong vụ đầu tiên, năm 2015, anh Vinh tiếp tục thuê thêm 20 công đất ruộng kém hiệu quả của hàng xóm để tăng diện tích sản xuất. Đến năm 2016 này, toàn bộ diện tích đất thuê được anh trồng khoai mỡ, hiện anh đã thu hoạch được 5 công với sản lượng 19,5 tấn. Do khoai cho thu hoạch sớm nên bán được giá 6.800 đồng/kg, lời trên 60 triệu đồng. Phần diện tích còn lại nửa tháng nữa sẽ cho thu hoạch, dự kiến tổng sản lượng không dưới 60 tấn, với giá như hiện nay sẽ lời khoảng 250 triệu đồng.
Những kinh nghiệm hay
Anh Vinh cho biết khoai mỡ dễ chăm sóc, có giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn và đặc biệt hiệu quả khi trồng trên nền đất lúa. Để tăng lợi nhuận cho cây khoai mỡ, theo anh Vinh, ngoài việc áp dụng kỹ thuật, người trồng cần phải tính toán được mùa thuận (tháng 9 thu hoạch) hay nghịch (tháng 5 và những tháng giáp tết thu hoạch) để bán với giá cao hơn. Ngoài ra, các khâu chọn giống, làm đất và chăm sóc cũng rất quan trọng.
“Trước khi đặt giống, tôi tiến hành xới rồi phơi đất khoảng một tuần, dùng máy kéo vun giồng cao 0,4 m, rãnh rộng 0,5 m, đưa nước vào ngập rãnh đến khi mềm thì tháo ra rồi dùng leng đào sâu khoảng một lưỡi vừa ốp đất lên giồng vừa tạo rãnh tưới. Khi hom khoai giâm khoảng 25 - 30 ngày sẽ mọc mầm cỡ bằng hạt bắp thì tiến hành đem trồng. Khi đặt hom khoai vào lỗ thì cần chú ý mầm khoai quay xuống đáy lỗ, phủ lên một lớp tro trấu, xong phủ giồng bằng 1 lớp rơm giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. Sau khi phủ rơm thì tưới nước ngay nhằm tạo độ ẩm để mầm khoai phát triển, sau đó 1 ngày tưới 1 ngày nghỉ. Bón phân được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (25 - 30 ngày), giai đoạn 2 (60 ngày) và giai đoạn 3 (90 - 95 ngày). Bón nhiều phân hữu cơ và hạn chế phân vô cơ sẽ làm khoai to củ, bán giá cao hơn.
Ông Võ Hiếu Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Mỹ, cho biết: “Đến nay toàn xã đã có 45 ha đất trồng khoai mỡ, chủ yếu nông dân trồng giống khoai thục linh và khoai muống. Tất cả diện tích trồng khoai mỡ đều cho năng suất và lợi nhuận ổn định. Trong đó, Vinh là thanh niên trẻ, thuê đất trồng sau nhưng đã nhanh nhạy trong áp dụng các kỹ thuật nên khoai đẹp, củ to, bán được giá cao. Ngoài ra, anh Vinh còn chia sẻ kỹ thuật và hướng dẫn tận tình cho những người mới trồng khoai mỡ ở địa phương. Vinh đã từng báo cáo điển hình mô hình trồng khoai mỡ ở các hội thảo cấp khu vực. Chúng tôi đang làm hồ sơ đề nghị công nhận Vinh là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh”.
Bình luận (0)