Thuê người nuôi cha mẹ

30/10/2008 10:56 GMT+7

Trong lòng mỗi người dân Việt đều thấm nhuần hai chữ hiếu thuận. Tuy nhiên, do tác động của cuộc sống xã hội con cái phải đi làm hoặc ở xa gia đình, không có điều kiện để chăm sóc cha mẹ già. Vì thế, đã có trường hợp con cái phải thuê người chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ

Chị H., nhà ở huyện Bình Chánh - TPHCM, đã tìm đến trung tâm tư vấn để xin ý kiến của các chuyên gia. Chị tâm sự: “Tôi là con út trong gia đình có đến mười người con. Các anh chị em của chúng tôi đều được sinh ra trước giải phóng. Tuy nhiên, khi các con lớn lên thì đi khắp nơi để lập nghiệp, không ai ở chung với cha mẹ. Giờ đây ai cũng đã có gia đình riêng và đều phải lo cuộc sống của gia đình mình nên cha mẹ già không ai lo”.

Thoái thác trách nhiệm

Ngưng một hồi, chị H. kể tiếp: “Mới đây, anh chị em chúng tôi tổ chức họp gia đình bàn về việc chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ thì ai cũng viện lý do này, lý do khác để trốn tránh trách nhiệm. Cuối cùng, chúng tôi chọn giải pháp là thuê một người ở dưới quê lên nuôi và chăm sóc cha mẹ. Các anh chị em sẽ góp tiền và thỉnh thoảng sẽ tới lui thăm viếng! Trong số mười anh chị em cũng có một vài người, trong đó có tôi đang băn khoăn, không biết làm thế liệu có được không?...”.

Không có nhiều con như gia đình chị H., bà L., 79 tuổi, nhà ở quận Gò Vấp - TPHCM, tuy có cuộc sống vật chất đủ đầy, nhưng đời sống tinh thần nhất là về tình cảm gia đình thì cô đơn, buồn tẻ... Tiếp xúc với bà tại một văn phòng tư vấn, luật sư không khỏi ngạc nhiên khi bà bày tỏ nguyện vọng hơi... kỳ lạ! “Cuối đời, tôi muốn làm di chúc hiến toàn bộ tài sản cho Nhà nước. Phần tôi tìm đến một miền biển xa xôi nào đó mua một cái chòi tranh vách lá, sống một mình, đến khi nào không còn sức để sống nữa thì tôi buông mình xuống biển khơi, về nơi chín suối. Tôi không cần ai biết đến, không muốn phiền đến ai, dù là con hay cháu!...”. Khi luật sư hỏi vì sao bà làm như thế thì giọng bà đượm buồn, đầy vẻ chán chường, trách móc.

Trước giải phóng, chồng bà mất vì bệnh hiểm nghèo. Và bà được hưởng phần di sản khá lớn, một mình nuôi hai con, một trai, một gái. Khi lớn lên, người con trai đi hợp tác lao động rồi lấy vợ định cư luôn ở bên Đức, vài năm mới có dịp về thăm bà một lần. Còn cô con gái lấy chồng rồi cũng theo chồng, bà phải sống thui thủi một mình. Tuy nhiên, chung sống với chồng được bảy năm, có hai đứa con thì người con gái này lại ly hôn do không thể chung sống được với người chồng vũ phu. Sau khi ly hôn, người con gái và hai đứa cháu ngoại về sống chung với bà. Dù trong lòng rất buồn, nhưng bà tự nhủ rằng trong cái rủi có cái may và bà có dịp sống chung với con, với cháu. Thế nhưng, niềm vui chỉ chưa đầy một năm...

Trái đạo đức, vi phạm pháp luật

Việc thuê “người ngoài” để chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, trong khi các con có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng là trái với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình; không phù hợp với tình cảm, đạo lý của người dân Việt Nam.

Từ khi chồng mất cho đến nay, bà L. sống chủ yếu là từ nguồn tiền cho thuê nhà. Hằng tháng bà thu được khoảng 30 triệu đồng và chia cho người con gái một nửa. Cô con gái sau khi ly dị với chồng về sống với bà không chịu làm lụng gì, đã vậy sinh chứng cờ bạc suốt ngày. Thay vì có thể trực tiếp chăm sóc bà, đằng này cô con gái thuê người giúp việc nhà và chăm sóc cho mẹ luôn, việc ăn uống cũng riêng biệt. Gần đây, trong lần cậu con trai về thăm bà, tình cờ bà nghe được hai người con, trong đó có cô con dâu tranh giành di sản thừa kế, nếu bà mất. Các đứa cháu thì hư hỏng, chơi bời lêu lổng, có lần bọn chúng còn “trù” cho bà chết sớm để hưởng gia tài... Bà lắc đầu ngao ngán!

Luật Hôn nhân và gia đình có quy định về nghĩa vụ của con đối với cha mẹ tại điều 35 như sau: “Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ”.

Để cụ thể hóa quy định trên, điều 14 Nghị định 70/2001/NĐ-CP, ngày 3-10-2001 của Chính phủ, có chỉ rõ: “Trong gia đình có nhiều con thì các con thỏa thuận về người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ và thỏa thuận đó phải được sự đồng ý của cha mẹ; các con không trực tiếp nuôi dưỡng cha mẹ, có nghĩa vụ và quyền thăm nom, chăm sóc, cấp dưỡng cho cha mẹ theo quy định của pháp luật”.

Trong trường hợp các con không thỏa thuận được với nhau về người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, thì có quyền làm đơn khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết, tòa án sẽ xét xử, chỉ định cụ thể người nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ. Việc thuê “người ngoài” để chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, trong khi các con có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng là trái với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình; không phù hợp với tình cảm, đạo lý của người dân Việt Nam.

Theo luật sư Huỳnh Minh Vũ / Báo NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.