Sau lần tăng giá tối 7.7, giá xăng đang ở mức cao nhất kể từ trước đến nay, thậm chí đã cao hơn ở nhiều quốc gia khác, kể cả Mỹ. Nhưng điều đáng lo ngại là giá xăng dầu vẫn có thể tăng mạnh nữa.
|
Theo nguồn tin của Thanh Niên, liên bộ Tài chính - Công thương vẫn dự phòng cho một đợt điều chỉnh nữa nên đợt tăng giá xăng dầu vừa rồi, liên bộ mới chỉ cho trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu thêm 200 đồng/lít (từ 300 đồng/lít theo mức trích trước đó, lên 500 đồng/lít) để vẫn còn nguồn trích, bình ổn giá cho đợt tiếp theo.
Đợt tăng giá xăng dầu lần này, không đơn giản như giải thích của Bộ Tài chính là do giá thế giới tăng cao, do những bất ổn chính trị ở các nước Iraq, Ukraine... làm suy giảm lượng dầu khai thác. Nhưng thực tế, giá xăng dầu ở Việt Nam hiện lại cao hơn một số nước, thậm chí cao hơn ở Mỹ vài ngàn đồng/lít. Cụ thể, ngày 26.6, giá xăng Việt Nam cao hơn Mỹ khoảng 4.000 đồng/lít. Theo các chuyên gia, đó là do tỷ lệ thuế, phí và nhiều khoản thu khác đã làm giá xăng dầu Việt Nam cao như nói trên.
|
Theo phân tích của một chuyên gia tài chính, hiện nay, tổng thuế, phí... trong giá xăng lên tới khoảng 42 - 45%. Ví dụ, như mức giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Nghị định 84 của Chính phủ gồm thuế nhập khẩu với xăng Ron 92 là 18% (2.940 đồng/lít), thuế tiêu thụ đặc biệt 10%; thuế bảo vệ môi trường: 1.000 đồng/lít; thuế giá trị gia tăng khoảng 2.377 đồng/lít...
Phải bóc tách phí, thuế
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, giá xăng dầu hiện nay đã quá cao, gây khó khăn lớn cho người dân và làm tăng chi phí rất lớn cho DN trong khi các loại phí cầu đường đánh vào hoạt động vận tải đã rất nhiều và cao. “Tôi thực sự lo ngại về vấn đề cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN khi các loại chi phí lại tiếp tục tăng cao như thế này. Với xăng dầu hiện nay, chính sách thuế, phí theo tôi đang rất bất hợp lý. Không thể vì khó khăn của ngân sách mà tận thu, đẩy khó khăn sang người dân và các DN khác”, bà Chi Lan nói.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, cần phải xem lại cơ cấu chi phí trong giá xăng dầu. Theo ông Thiên, cần bóc tách ra các chi phí về cầu đường... không nên để nhập nhèm nhiều chức năng, chính sách trong cơ cấu giá xăng dầu như hiện nay. “Phải xác định rõ mục tiêu, nếu làm cái này thì thôi cái kia. Cho nên, trong chính sách về thuế, phí với xăng dầu, để chia sẻ với người dân, DN thì phần của nhà nước (thuế) phải giảm đi”, ông Trần Đình Thiên nói.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, việc tăng giá xăng lần thứ 5 trong năm này đã thực sự tạo ra cú sốc tâm lý đối với người tiêu dùng vì tần suất tăng quá dày đặc và mức tăng quá cao. Chắc chắn việc tăng giá xăng này sẽ thúc đẩy lạm phát trong những tháng tới. Theo chuyên gia này, “cơ cấu giá thành xăng dầu của ta chưa công khai minh bạch và chưa thuyết phục được công luận. Nhưng các hiệp hội chưa phát huy được vai trò phản biện. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu sửa đổi, bổ sung Nghị định 84 nhưng cho đến nay, sau 10 tháng vẫn chưa thấy thực hiện”.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, giá xăng dầu hiện nay thực tế là có thể giảm được nếu điều chỉnh chính sách về thuế, phí. Vấn đề là (cơ quan thẩm quyền) có muốn giảm hay không. Theo chuyên gia này, cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay vẫn rất rườm rà và những dự định điều chỉnh, thay đổi nó cũng không có những đột phá đáng kể.
Rốt ráo thanh tra giá sữa tại khu vực phía Nam Thông tin thêm tại phiên họp báo, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết, ngay sau khi quy định áp trần giá sữa từ đầu tháng 6, cơ quan quản lý đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra tại các tỉnh thành như Hà Nội, Đà Nẵng hay gần đây nhất là TP.HCM, các tỉnh miền Nam vào ngày 3.7. Ông Tuấn khẳng định hiện các đoàn thanh tra vẫn chưa phát hiện tình trạng vi phạm giá trần; chưa phát hiện vi phạm trong bán lẻ sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo ông Tuấn, hiện thị trường đã xuất hiện sản phẩm chức năng cho trẻ em có tên gọi như "bổ sung vi chất". Những mặt hàng này không nằm trong danh mục bình ổn giá và doanh nghiệp không phải đăng ký giá với cơ quan quản lý. Bởi vậy, lãnh đạo Cục Quản lý giá khẳng định cơ quan này đang phối hợp với Bộ Y tế để "giải mã" những mặt hàng trên. Anh Vũ |
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 2 của Bộ Tài chính diễn ra chiều 8.7, Bộ Tài chính thống kê giá xăng từ đầu năm tới nay có 9 lần điều chỉnh giảm, 3 lần điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của Thanh Niên về độ chính xác của số liệu này, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn đính chính lại rằng, có thể số liệu thống kê đã quá cũ nên chưa thực sự chính xác. Trong khi đó, liệt kê từ bảng giá niêm yết của Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex), cũng như thông cáo của chính Bộ này phát đi, kể từ ngày 27.1.2014 đến ngày 7.7.201 tính ra đã có 10 lần giá xăng dầu được điều chỉnh với 5 lần tăng và 5 lần giảm giá. Điều rất đáng chú ý, mặt hàng quan trọng nhất là xăng (gồm Ron 92, Ron 95) vốn chiếm hơn 60% tổng lượng xăng, dầu tiêu thị trên thị trường đã không giảm một lần nào. Với 5 lần tăng, tổng mức tăng lên tới 1.440 đồng/lít. |
Mạnh Quân
Bình luận (0)